Cá tai tượng là giống cá thường được nhiều người nuôi để làm cảnh hoặc thậm chí dùng làm món ăn. Loài cá nước ngọt này có giá trị kinh tế cao và rất được ưa thích hiện nay. Hãy cùng khám phá cách nuôi loài cá đặc biệt này.
I. Nguồn gốc cá tai tượng
Cá tai tượng có tên khoa học là Osphronemus goramy, là loài cá nước ngọt thuộc họ tai tượng (Osphronemus), chuyên sinh sống ở những nơi nước lặng, nhiều cây thủy sinh thuộc vùng nhiệt đới Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Tại Việt nam, cá được tìm thấy nhiều ở khu vực sông Đồng Nai và khu vực sông La Ngà. Loài cá tai tượng có khả năng thích nghi cao với sự biến đổi khắc nghiệt của môi trường sống.
Hình ảnh cá tai tượng
II. Đặc điểm của cá tai tượng
1. Cách nhận biết cá tai tượng
- Cá tai tượng có thân hình dẹt đều mỗi bên, bề ngang cao gần bằng cá rô phi thông thường, chiều dài gần như gấp đôi so với chiều cao.
- Phần đầu cá nhỏ hơn nhiều so với cơ thể chúng, đỉnh đầu hơi gù nổi lên, miệng rộng, đôi môi dày và đưa ra phía trước. Đôi mắt đen nháy, kích thước trung bình và hơi lồi.
- Phần lưng hơi cong:
+ Vây lưng dài, mềm, trải dọc từ giữa lưng đến cuối đuôi.
+ Vây ở gần mang có hình tròn như cánh quạt.
+ Vây bụng kéo dài thành giống như sợi râu.
+ Vây hậu môn mọc song song với vây lưng và xòe rộng về hướng đuôi.
+ Vây đuôi khá tròn.
- Trên thân cá có một lớp vảy tròn, cứng cùng nhiều đường kẻ sọc đều 2 bên. Khi bước sang giai đoạn trưởng thành thì những đường này sẽ càng mờ đi.
- Cơ quan hô hấp phụ nằm ở cung mang thứ nhất giúp cá có thể sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện thiếu oxy hoặc nước bẩn.
- Khi cá trưởng thành, cân nặng khoảng 0.5kg, khi trên 3 tuổi thì có thể đạt 1.5-3kg tùy giới tính.
2. Môi trường sống
Cá tai tượng là loài cá nước ngọt, thường sinh sống ở ao hồ, chúng có thể sống được cả ở những nơi nước tù, nước lợ và thiếu oxy do có một cơ quan hô hấp phụ nằm ẩn dưới cung mang thứ nhất. Cá có thể sinh trưởng tốt trong môi trường nước có độ pH từ 4-5, nhiệt độ nước từ 22-30 độ C, nếu nhiệt độ mà thấp hơn sẽ khiến cá mắc bệnh và giảm khả năng sinh sản.
3. Sinh sản
Cá tai tượng bắt đầu quá trình phát dục và sinh sản từ sau khoảng 1,5-2 năm tuổi. Trọng lượng cá nhỏ nhất có thể tham gia sinh sản là 400g, để chất lượng cá con sinh ra được tốt nhất thì trọng lượng cá bố mẹ nên từ 2kg trở lên và đã đạt từ 3-7 năm tuổi.
Tháng 2 đến tháng 6 hàng năm sẽ là chu kỳ sinh sản và đẻ trứng lý tưởng của dòng cá này. Tùy thuộc vào môi trường nước, mật độ, thời tiết từng năm mà thời gian đẻ trứng có thể thay đổi. Khi đến mùa giao phối, cá tai tượng có xu hướng tìm khu vực yên tĩnh, ít người để làm tổ và đẻ trứng. Trung bình, cá có thể đẻ từ 3000-5000 trứng/lần, sau 40 ngày thì chúng có thể tiếp tục đợt đẻ trứng tiếp theo.
4. Cá tai tượng ăn gì?
Cá tai tượng thuộc nhóm cá ăn tạp thiên về thực vật. Khi còn nhỏ, chúng có xu hướng ăn các loại động vật, côn trùng như: luân trùng, trùng chỉ, loăng quăng, sinh vật phù du, sâu bọ, thức ăn thừa cắt nhỏ và bèo cám. Đến giai đoạn trưởng thành sẽ chuyển sang nhóm thực vật như rau, bèo…
5. Cá tai tượng nuôi chung với cá nào?
Tai tượng là dòng cá nước ngọt, có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện thiếu oxy và nước bẩn ao hồ. Vì thế, bạn có thể nuôi chung với các loài cá như: cá Rồng, cá lóc Thái, Cá Pacu, cá hồng vỹ mỏ vịt,…
III. Phân loại một số giống cá tai tượng ở Việt Nam hiện nay
1. Cá tai tượng châu Phi (cá tai tượng da beo)
Cá tai tượng châu Phi còn được biết đến là cá da beo, đây là giống cá cảnh rất được ưa thích bởi làn da láng bóng cùng với những hoa văn vằn đỏ hoặc vàng vô cùng độc đáo.
Độ yêu thích của dòng cá này được xếp ngang hàng với dòng cá phượng hoàng, cá thần tiên. Giống cá này tương đối dễ nuôi, thích nghi tốt trong nhiều môi trường. Cá tai tượng da beo có tính cách khá dữ dằn, tốc độ tăng trưởng cao và có sức đề kháng rất tốt.
Cá tai tượng châu Phi (da beo)
2. Cá tai tượng trắng
Đây là loài cá khá đẹp và hiếm có nên được những người chơi cá cảnh săn lùng ráo riết. Tai tượng trắng chỉ có một màu trắng duy nhất bao phủ toàn thân khiến chúng toát lên vẻ độc đáo và quý phái. Nhiều người coi rằng, cá tai tượng trắng tượng trưng cho tiền tài và sự may mắn.
Cá tai tượng trắng
3. Cá tai tượng vàng
Tương tự như cá tai tượng trắng, dòng cá tai tượng vàng cũng có một màu vàng chanh bao phủ toàn thân vô cùng độc đáo, phần đầu hơi lồi ở đỉnh, vảy và đuôi ngắn. Nhiều người thường hay mua cả hai loại cá trắng và vàng để tượng trưng cho vàng và bạc nhằm mang lại tài lộc và may mắn.
Cá tai tượng vàng
4. Cá tai tượng đỏ
Giống cá này còn được gọi là cá Hồng kỳ phát tài. Chúng dài từ 5-7cm, có màu sắc vô cùng bắt mắt với ánh đỏ nổi bật khiến những ai chơi cá cảnh cũng phải trầm trồ và muốn tìm nuôi.
Cá tai tượng đỏ
IV. Ý nghĩa cá tai tượng trong phong thủy
Cá tai tượng thường được người dân gọi là cá phát tài bởi chúng có giá trị cao trong phong thủy và có nhiều ý nghĩa trong đời sống. Nhiều người tin rằng cá tai tượng có thể dự báo được những điềm không may mắn, thời tiết tốt hay xấu hoặc những biến cố không mong muốn của gia chủ thông qua việc cá bỏ ăn hoặc tỏ ra buồn bực hoặc cơ thể đổi màu bất thường,... Do đó, nhiều người tìm mua loài cá phát tài này nhằm mục đích thay đổi phong thủy và cải vận.
V. Cách nuôi cá tai tượng làm cảnh
1. Chọn lựa cá
Cá tai tượng được chọn để nuôi phải là cá khỏe mạnh, kích cỡ phù hợp với cá trưởng thành, toàn thân láng bóng, vảy đều và sạch. Bạn có thể lựa chọn cá đực hoặc cá cái dựa vào các đặc điểm bên ngoài như:
- Cá đực: Bụng có màu vàng nhạt, phần môi và trán có màu hồng rực do có nhiều mạch máu tụ tại đó. Lỗ sinh dục có màu hơi phớt hồng, phần trước trán có khối u lồi lên.
- Cá cái: Bụng hơi to hơn so với cá đực, các bộ phận khác tương đồng với cá đực. Tuy nhiên phần vây cá mềm mại hơn so với sự sắc cạnh của cá đực. Vùng trán của cá tai tượng cái có hoặc không có khối lồi lên.
2. Thiết kế môi trường sống (ao cá hoặc bể nuôi)
- Bạn nên lựa chọn bể nuôi cá có kích thước lớn với chiều dài ít nhất từ 1,5 mét và chiều rộng ít nhất từ 60cm trở lên. Bởi cá tai tượng vùng vẫy khỏe và di chuyển nhiều, không như nhiều loại cá cảnh khác. Ngoài ra, bạn cũng cần lựa chọn loại kính chịu lực tốt có bề dày lớn để phòng ngừa cá quẫy đạp làm nứt bể hoặc nhảy ra ngoài.
- Ao cá nên chọn những nơi có nguồn nước tốt, dồi dào và không bị ô nhiễm. Nên cải tạo trước khi nuôi cá để đảm bảo các loại vi khuẩn làm hại cá. Nếu có cây thì nên chặt bỏ sao cho cây không được che lấp quá 25% diện tích mặt nước. Cần chọn ao có diện tích từ 100m2 trở lên và sâu khoảng 1-2m để cá có thể sinh trưởng tốt.
3. Cho cá ăn
Cá tai tượng là dòng cá ăn tạp thiên về thực vật nên bạn có thể sử dụng công thức: Rau xanh (30%), Bột ngô, cám đã rang chín (70%), nặn thành dạng viên mềm, dẻo, vừa miệng của cá. Ngoài ra, định kỳ bổ sung thêm vitamin và premix để giúp cá sinh trưởng và phát triển tốt.
Nếu cá còn nhỏ thì nên cho ăn ngày 2 lần bằng sàn, khi trưởng thành thì chia vùng để rải thức ăn sao cho cá phát triển tốt.
4. Phòng trừ bệnh
Cá tai tượng hoàn toàn có thể mắc phải những căn bệnh mà nhiều loại cá cảnh khác có thể gặp phải. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước trong bể không đảm bảo, khiến cho cá bị những loại vi khuẩn, ký sinh trùng tấn công và gây bệnh. Để hạn chế và phòng ngừa bệnh hiệu quả, hãy tham khảo một số biện pháp sau:
- Lựa chọn nguồn nước sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh khi tiến hành nuôi cá.
- Thay nước định kỳ, thường xuyên nhằm giúp môi trường nước không bị ô nhiễm và là nơi tích tụ vi khuẩn, ký sinh trùng có hại.
- Cho cá ăn những thức ăn hợp vệ sinh và đủ dưỡng chất, có thể thêm vitamin vào khẩu phần ăn để tăng cường sức đề kháng tốt hơn.
- Ngoài ra, cần cho cá ăn lượng vừa đủ, tránh đổ quá nhiều thức ăn vào bể dẫn đến tình trạng nước nhiễm bẩn.
- Dành thời gian quan sát thường xuyên, nếu cá có dấu hiệu bị bệnh thì cần phải cách ly những con cá khác. Đồng thời sử dụng thuốc điều trị xử lý (thuốc điều trị có thể tham khảo ở các cửa hàng bán cá cảnh hay trạm thú y)
VI. Một số bệnh thường gặp ở cá tai tượng
1. Bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng
Chủ yếu là các loại trùng mỏ neo, rận cá, trùng qua dưa, trùng mặt trời, nấm gây ra bệnh cho cá tai tượng. Khi này trên thân của cá sẽ xuất hiện các đốm trắng khiến cá cảm thấy ngứa và khó chịu.
Để điều trị hiệu quả, bạn hãy tiến hành tắm muối cho cá từ 5-10 phút/ngày với nước muối nồng độ từ 2-3% để loại bỏ các ký sinh trùng gây hại.
2. Bệnh do virus tấn công
Bệnh chủ yếu do virus Rhabdovirus gây ra khiến cá tai tượng bỏ ăn, bơi lờ đờ, toàn thân xuất huyết, bụng chướng và chết nhanh chóng chỉ sau một thời gian. Khi này bạn cần chú ý đến chất lượng nguồn nước nuôi cá cùng với đó là cách ly những con cá bị mắc bệnh với những con cá còn khỏe mạnh.
3. Bệnh do nguồn nước bị nhiễm bẩn
Nguồn nước bị nhiễm bẩn sẽ tạo điều kiện cho các nhóm vi khuẩn hoạt động, chúng sẽ khiến nồng độ oxy trong nước giảm xuống và lây lan nhanh chóng cho những con cá trong bể. Cá sẽ bỏ ăn, đuôi và vây có dấu hiệu bị thối, hoại tử, mắt lờ đờ và có xu hướng bơi sát mặt nước để lấy oxy.
Để điều trị hiệu quả, bạn hãy cho cá sử dụng thuốc tím (KMnO4) để tắm cho cá với tỷ lệ 4g/m3 nước trong vòng 1-2 tuần. Sau thời gian đó, quan sát kỹ xem cá khỏe mạnh trở lại hay chưa để có hướng xử lý tiếp theo.
VII. Mua cá tai tượng cảnh ở đâu?
Để mua cá tai tượng, bạn có thể đến các chợ cá hoặc các siêu thị bán hải sản ở Hà Nội, Tp Hcm, Cần Thơ …
Hiện nay, có nhiều người chọn mua hàng qua hình thức online tuy nhiên việc này hoàn toàn không nên vì mua cá qua mạng sẽ không thể nhìn trực tiếp tình trạng thực tế của sản phẩm, rất dễ mua phải cá bị bệnh, sắp chết.
VIII. Cá tai tượng giá bao nhiêu?
Giá của cá tai tượng thường không cố định và thay đổi giữa theo mùa vụ và loại cá được mua. Bạn nên tham khảo nhiều nơi để tìm được một mức giá hợp lý. Thông thường, giá của cá tai tượng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ như sau:
- Giá cá tai tượng giống: khoảng 20.000 đồng/con trở lên.
- Giá cá tai tượng thương phẩm: từ 100.000-200.000 đồng/con.
- Giá cá tai tượng cảnh: từ 1.000.000-5.000.000 đồng/con trở lên.
- Giá cá tai tượng có hình xăm: Giá dao động trong khoảng vài trăm ngàn đồng.