Hiện nay, nạn Body Shaming vẫn còn diễn ra phổ biến, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển lành mạnh của trẻ.
Ngoại hình là một trong những yếu tố quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Ngoại trừ có những đường nét tự nhiên trên cơ thể đã được định hình sẵn ngay từ khi một đứa trẻ được sinh ra, thì vẻ bề ngoài ban đầu cũng sẽ dần thay đổi theo thời gian.
Nếu có ý thức và thói quen chăm sóc cơ thể lành mạnh, thật không khó để đứa trẻ sở hữu một ngoại hình ưa nhìn. Tuy nhiên, ngoại hình như thế nào cũng không thể căn cứ vào đó để đánh giá một đứa trẻ.
Như nhiều người đã thấy, nạn chế nhiễu, miệt thị ngoài hình vẫn còn khá phổ biến ngày nay. Và điều này cần được can thiệp kịp thời để định hướng và giáo dục trẻ đúng đắn.
Mon (7 tuổi) là cậu bé rất hiền lành và cũng học khá tốt ở trường. Tuy nhiên vì ngoại hình có phần mũm mĩm và hơi ngoại cỡ của mình so với các bạn đồng trang lứa, nên Mon thường xuyên bị bạn bè "bám" vào đặc điểm này để chế nhiễu và bắt nạt.
Hầu như bạn bè nào cũng cười nhạo Mon, thậm chí còn né tránh việc chơi cùng cậu bé và không tiếc sử dụng những ngôn ngữ khó nghe để trêu chọc ngoại hình của cậu. Chẳng hạn như "Sao cậu mập như con heo vậy?" hay "Thằng béo này trông thật mắc cười và xấu xí", "Mập thế này ai mà thèm chơi",...
Vì ngoại hình mũm mĩm của mình, Mon thường xuyên bị bạn bè trêu chọc (Ảnh minh họa Internet).
Tình trạng này kéo dài đã khiến Mon bị ảnh hưởng nặng về tâm lý, cậu bé ngày càng tự ti và rụt rè hơn. Nhiều lần cậu bé còn khóc lóc đòi bố mẹ cho nghỉ học, vì cảm thấy rất sợ đến trường.
Hiện nay, nạn Body Shaming vẫn còn xảy ra khá phổ biến, không những trong cuộc sống thường ngày mà còn ở các trường học. Để hạn chế tối đa và kìm hãm tốc độ lan tràn mạnh mẽ của Body Shaming, chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi đã có những lời chia sẻ đặc biệt đến với các bậc phụ huynh.
Những ông bố bà mẹ muốn nuôi dạy những đứa trẻ khỏe mạnh về tâm tính cách thì phải đưa ra cách giáo dục phù hợp, như vậy vừa có thể bảo vệ con, vừa ngăn con trở thành kẻ bắt nạt trong vấn đề này.
Thạc sĩ Tâm Lý, Giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Ngày nay, khái niệm "Body shaming" có lẽ không còn xa lạ với nhiều người. Không chỉ người lớn mà điều này cũng xảy ra phổ biến đối với trẻ nhỏ. Theo chuyên gia, nguyên nhân là do đâu?
Body shaming là một từ du nhập của nước ngoài, ám chỉ những hành động bằng ngôn ngữ như đánh giá, phán xét, chê bai ác ý về vẻ bề ngoài của một người nào đó, nên nghe Body shaming thì có vẻ mới nhưng thực ra nó không phải mới trong văn hoá của người Việt.
Có chăng, gần đây người ta mới ý thức nhiều về tác hại của nó trên tâm lý của người bị chê bai mà thôi. Thường thì trong một cộng đồng, những người có những đặc điểm khác biệt so với chuẩn mực chung sẽ bị để ý, nhận xét, nếu khác quá nhiều theo chiều hướng tiêu cực thì càng dễ trở thành nạn nhân của việc chê bai, thậm chí là kỳ thị.
Những người thường chê bai kẻ khác có thể là những người ác ý, hoặc đơn giản là theo thói quen chung của xã hội, họ làm mà không nhận thức được tầm ảnh hưởng của việc Body shaming lên tâm lý của người khác.
Trước những lời nói ác ý, chê bai, miệt thị ngoại hình thì những đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng xấu về sức khỏe tâm lý, tinh thần như thế nào? Làm sao để dạy con đối diện với nỗi sợ Body shaming? Đồng thời, làm thế nào để bố mẹ dạy con mình không Body saming người khác, tránh thành kẻ bắt nạt?
Không ai trong chúng ta muốn bị trở thành một kẻ khác người, bị tẩy chay, bị chê bai cả. Thường những người bị Body shaming sẽ cảm thấy buồn, tủi thân, thậm chí tổn thương tâm lý nếu sự việc diễn ra liên tục, lặp lại nhiều lần, ở nhiều nhóm người khác nhau, đặc biệt là nhóm bạn đồng trang lứa với trẻ.
Tuy nhiên, ngoại hình và cơ thể của chúng ta cũng không ai giống ai, và cũng không phải cứ muốn là được. Đôi khi có những thứ mình thật sự không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận.
Thay vì chán ghét chính mình và những đặc điểm của mình, thì trẻ nhỏ cần được dạy cách yêu thương chính những điều khác biệt ấy. Nỗ lực mỗi ngày để khẳng định bản thân ở những lĩnh vực thế mạnh của mình, để được nhìn nhận bằng giá trị thật.
Hơn nữa, ông bà ta cũng dạy rằng tâm sinh tướng, nên chúng ta hoàn toàn có khả năng làm đẹp bên ngoài bằng việc làm đẹp tâm hồn. Ngoài ra, hiện nay với những công nghệ hiện đại, chúng ta có thể làm mình đẹp hơn với nhiều cách an toàn.
Đồng thời, cha mẹ cũng nên hướng con cái nhìn nhận, đánh giá mọi người bằng con người và nhân cách của họ chứ không chỉ về ngoại hình. Biết tôn trọng sự khác biệt và trân trọng giá trị đạo đức, nhân cách của mình cũng như người khác.
Điều này giúp cho con không chỉ trân trọng cơ thể mình, mà còn biết tôn trọng người khác, để tránh xảy ra hiện tượng Body shaming, và ít bị ảnh hưởng bởi nó nếu trẻ là nạn nhân.
Chuyên gia đã gặp trường hợp nào trẻ bị miệt thị về ngoại hình ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ? Làm sao để con nhận thức đúng và có những hành vi phù hợp đối với cơ thể của chính mình và người khác?
Trẻ bị miệt thị về ngoại hình thì tôi cũng đã từng gặp nhiều trường hợp. Trường hợp thường xuyên gặp nhất là trẻ bị béo phì. Vì cơ địa, lối sống và điều kiện xã hội thay đổi nên rất nhiều trẻ bị béo phì.
Khi sống trong bối cảnh nhiều người giống mình thì trẻ không nhận ra sự bất thường nào. Tuy nhiên, khi đến một nơi khác chơi hoặc chuyển chỗ ở, trẻ vô tình trở thành khác lạ so với mọi người nên bị kỳ thị và chê bai.
Trường hợp cụ thể của một bé gái sống ở thành phố bị béo phì, khi đi về quê chơi thì bị các anh chị họ hàng chê cười, không chơi chung khiến bé vô cùng buồn bã.
Mỗi lần nhớ lại bị các anh chị cười đùa gọi bằng “con béo”, rồi bảo nhau “đừng chơi chung với nó” khiến bé khóc rất nhiều, tự thu mình và không muốn ăn uống gì. Sau đó, khi ba mẹ muốn cho bé về quê chơi thì bé tỏ ra chán nản và không muốn về nữa.
Trong trường hợp như vậy cần giải thích với con về lý do con khác biệt với mọi người xung quanh, nên mọi người mới vô tình có những nhận xét về con khiến con không vui.
Béo phì chỉ là một khía cạnh về cân nặng chứ không phải là con người của con. Con là một cô bé tốt bụng, biết yêu thương và quan tâm đến mọi người thì đáng trân quý hơn rất nhiều, mọi người rồi sẽ nhìn nhận được điều đó và yêu thương con.
Tuy nhiên, khi mình thừa cân hay béo phì thì sức khoẻ mình sẽ bị ảnh hưởng, do đó, nên thiết lập lại lối sống và chế độ dinh dưỡng phù hợp hơn để con trở nên mạnh khoẻ và xinh xắn hơn. Vậy nên, con cần tôn trọng và yêu thương, chăm sóc mình, cũng như tôn trọng sự khác biệt của mọi người để không ai phải buồn vì sự khác biệt của bản thân.
Mạng xã hội đang là nơi mà nạn miệt thị ngoại hình diễn ra ngày càng phổ biến. Thậm chí, nhiều đứa trẻ đã có những suy nghĩ bồng bột vì không chịu nổi áp lực ngoại hình, đặc biệt là lứa tuổi dậy thì vốn rất nhạy cảm. Chuyên gia nghĩ gì về điều này?
Tuổi dậy thì các bạn có sự trưởng thành nhanh chóng về cơ thể, nhưng lại chưa đủ trưởng thành về tâm lý nên thường có những suy nghĩ bồng bột và ra những quyết định vội vàng. Do vậy, cần có sự quan tâm giúp đỡ nhiều từ bố mẹ, gia đình cũng như thầy cô giáo.
Tuy nhiên, người lớn cũng cần giáo dục cho trẻ về giá trị bản thân, giá trị sống, chuẩn mực xã hội và hướng dẫn trẻ tập ra quyết định. Đặc biệt là bố mẹ cần chấp nhận con như chính con, không chê cười, phê phán hay so sánh con với người khác để tránh hình thành tâm lý tự ti ở con.
Khi đó, trẻ sẽ có cái nhìn toàn diện hơn, mang tính chiều sâu hơn rất nhiều, và lẽ tất yếu sẽ là nhận thức tốt hơn về bản thân, có một giá trị bền vững về con người của mình để hạn chế sự ảnh hưởng từ những khen chê từ bên ngoài.
Mạng xã hội cũng là nơi sống thực chứ không phải chỉ là ảo, những tác động đến tâm lý con cũng vô cùng to lớn. Do đó, cha mẹ cũng cần phải hướng dẫn con cách sử dụng mạng xã hội, cách thể hiện bản thân và bảo đảm an toàn cho mình trên môi trường Internet.