Trẻ biết nói "không" đúng lúc sẽ làm giảm nguy cơ bị quấy rối hoặc xăm hại, biết cách bảo vệ bản thân.
Trong xã hội hiện đại, việc bảo vệ trẻ khỏi những mối nguy hiểm tiềm ẩn, đặc biệt là quấy rối hoặc xâm hại, đã trở thành một vấn đề cấp bách. Một trong những yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ trẻ chính là giáo dục trẻ về cơ thể của mình và quyền riêng tư.
Dạy trẻ biết cách bảo vệ bản thân khi ai đó muốn chạm vào bộ phận riêng tư giúp trẻ nhận thức về an toàn, trang bị những kỹ năng cần thiết để ứng phó với những tình huống khó khăn.
Trẻ cần được dạy nói "không" khi ai đó muốn chạm vào vùng riêng tư, kể cả người thân, bạn bè hoặc người lạ... (Ảnh minh họa)
Một trong những kỹ năng cần thiết mà bố mẹ cần trang bị cho trẻ là khả năng nói "không" khi ai đó muốn chạm vào vùng riêng tư. Khi trẻ được giáo dục đúng cách, sẽ phát triển sự tự tin, lòng dũng cảm và khả năng bảo vệ bản thân, từ đó xây dựng một tương lai an toàn và khỏe mạnh hơn.
Bố mẹ cũng nên dạy trẻ cách tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người lớn đáng tin cậy. Nếu trẻ cảm thấy không thoải mái hoặc bị đe dọa, cần biết rằng có thể tìm đến cha mẹ, thầy cô hoặc bất kỳ người lớn nào mà trẻ tin tưởng.
Đối với vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đưa ra những thông tin hữu ích, giúp bố mẹ có thêm góc nhìn, nhằm tạo ra một môi trường an toàn hơn cho trẻ, nơi mà mọi người đều có quyền được tôn trọng và bảo vệ.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Vui.
Làm thế nào để trẻ có thể nhận biết, phân biệt giữa những hành động chấp nhận được và không chấp nhận được liên quan đến cơ thể khi ai đó muốn chạm vào trẻ? (Cả bé trai và bé gái)
Đối với văn hóa của người Việt, đây được xem là vấn đề tế nhị. Nhiều trường hợp, người lớn muốn cưng nựng trẻ nhưng vô tư đụng chạm vào vùng riêng tư. Vì vậy, để trẻ nhận biết và phân biệt được điều này, bố mẹ cần dạy trẻ biết càng sớm càng tốt.
Bố mẹ có thể dạy trẻ hiểu về những vùng cơ thể nào được chạm và không.
Hãy cho trẻ biết ai là người có quyền và không được quyền chạm vào trẻ.
Bố mẹ có thể cho trẻ xem những video, sách, tranh, câu chuyện... về câu chuyện cụ thể. Hoặc bố mẹ có thể đóng vai, dựng tình huống tại nhà, để trẻ hiểu rõ hơn về vấn đề này (kể cả bé trai và bé gái).
Hãy dạy trẻ biết cảnh giác với môi trường xung quanh, hàng xóm, người lạ, khi đến trường, nơi công cộng đông người, trong thang máy,...
Trong những trường hợp trẻ có nguy cơ bị người thân - người lạ quấy rối/xâm hại (bé trai và bé gái), bố mẹ nên dạy trẻ nói "không' như thế nào?
Tùy vào trường hợp bố mẹ có thể dạy con nói "không" hiệu quả.
Đầu tiên, nếu người lớn nhận biết được trẻ có nguy cơ quấy rối, xâm hại từ người thân, lúc này cần xác định động cơ rõ ràng, quan sát cẩn thận về ý đồ của người này đối với trẻ.
Đồng thời, bố mẹ dạy trẻ nói "không" một cách lịch sự, rõ ràng, cương quyết nếu như người đó là ông nội, chú, bác,...
Trường hợp, người muốn xâm hại đồng trang lứa với trẻ, hoặc lớn hơn trẻ như anh, chị họ... hãy dạy trẻ nói "không" và tìm đến sự giúp đỡ của người lớn.
Ngoài ra, bố mẹ cần dạy trẻ nói "không" một cách nghiêm túc, dứt khoát với người lạ. Trẻ hiểu rằng bảo vệ bản thân là chính đáng nên không cần phải lo lắng, e dè hay sợ bản thân làm sai, hay sợ bị đe dọa...
Bố mẹ nên bắt đầu dạy trẻ về vấn đề này từ độ tuổi nào và làm thế nào để phù hợp với từng giai đoạn phát triển?
Đối với vấn đề này nên dạy trẻ càng sớm càng tốt. Ngay từ độ tuổi lên 3, con đã nhận biết được đây là cơ thể của con, vùng tam giác, vùng nhạy cảm,...
Nên dạy trẻ biết những vùng được chạm vào, vì dụ như bàn tay, vai... Những vùng không được chạm vào như ngực, bụng, vùng kín...
Khi trẻ bước vào tiểu học, trung học... Lúc này, cần quan sát theo phát triển trong từng giai đoạn, nhà trường có những môn học, chương trình ngoại khóa để trẻ nhận biết sớm, phù hợp với từng độ tuổi.
Làm thế nào để bố mẹ có thể phản ứng phù hợp, giải tỏa tâm lý cho con, nếu trẻ chia sẻ rằng đã bị ai đó chạm vào bộ phận riêng tư mà không đồng ý?
Đây là tình huống thường xảy ra khi bố mẹ phát hiện ra trẻ đã bị xâm phạm, phản ứng thông thường của nhiều phụ huynh là hoảng hốt, tức giận, truy hỏi khiến trẻ sợ hãi. Thậm chí, một số trẻ tin rằng mình đã phạm phải lỗi lớn, đến mức bố mẹ phải truy xét.
Vì vậy, trong trường hợp này, việc đầu tiên bố mẹ cần làm là cố gắng giữ bình tĩnh, hãy lắp ráp những thông tin mà trẻ cung cấp để có được một bức tranh rõ ràng, đa chiều.
Khi trẻ chia sẻ vấn đề này, bố mẹ nên thể hiện rằng mình muốn biết câu chuyện cụ thể để bảo vệ con. Hãy cho trẻ biết lý do làm điều này là bảo vệ con, lúc này trẻ sẽ tin rằng bản thân được yêu thương, chấp nhận.
Thực tế, nhiều phụ huynh khó khăn giữ được bình tĩnh để chấp nhận vấn đề mà con mình đang gặp phải, lúc này cần nhờ đến nguồn trợ giúp từ người thân, chuyên gia, thầy cô... để trẻ kể lại câu chuyện rõ ràng và rành mạch, bởi có thể trong cơn hoảng sợ trẻ sẽ kể những tình tiết rời rạc, khó kết nối thông tin...
Một điều đáng quan tâm hơn, người lớn cần thể hiện sự tôn trọng khi muốn âu yếm, thể hiện tình yêu thương với trẻ, cần quán triệt và hạn chế những tình huống người lớn vô tư chạm vào vùng riêng tư của trẻ, sau đó cho rằng "Tôi chị nựng thôi", điều này vô thức tạo cho trẻ biết ai cũng có quyền đụng vào cơ thể mình. Từ đó, tạo nên vấn đề quan ngại hơn là những kẻ xấu sẽ tận dụng cơ hội để quấy rối, xâm hại trẻ.