Trẻ đang lớn nên tâm sinh lý sẽ dần thay đổi, bố mẹ nên hạn chế nói những điều trách mắng, đặc biệt đối với các bé gái.
Bố mẹ nên hiểu rằng những đứa trẻ khác nhau có tính cách khác nhau, nên phương pháp giáo dục cũng phải thay đổi cho phù hợp, đặc biệt là đối với các bé gái đang trong quá trình lớn lên, bố mẹ nên quan tâm đến con nhiều hơn.
Trẻ đang lớn nên tâm sinh lý sẽ dần thay đổi, bố mẹ nên hạn chế nói những điều trách mắng, đặc biệt đối với các bé gái.
"Con như thế này thì sau này ai dám cưới?"
Khi trẻ làm điều gì chưa tốt nhiều phụ huynh thường cảm thấy xấu hổ, nên vội vàng chê bai con. Bố mẹ nghĩ đơn giản rằng chê bai con sẽ khiến con xấu hổ mà phải thay đổi, thực tế trái ngược hoàn toàn.
Ở lứa tuổi dậy thì, đặc biệt đối với các bé gái khi bị bố mẹ làm xấu hổ, con sẽ có thái độ chống đối. Hơn nữa, việc này cũng sẽ đẩy bố mẹ và con ngày càng cách xa.
Đồng thời, khi còn nhỏ dù chưa có nhận thức đúng đắn về tình yêu và hôn nhân, nhưng đứa trẻ cũng có thể hiểu được câu nói này gây tổn thương như thế nào.
Bố mẹ cho rằng đó chỉ là một lời nhận xét tùy tiện nhưng có thể vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của các bé gái, dễ khiến con cảm thấy tự ti. Lâu dần, sẽ có lúc con nổi loạn, bùng nổ, ương bướng, trở nên khó bảo hơn.
Thay vì chê bai, bố mẹ nên khuyến khích con hình thành thói quen tốt, học hỏi điều hay và rèn luyện bản thân, để giúp con có cuộc sống lành mạnh, tự lập về sau.
"Sao con không giống với anh chị của con vậy?"
Nhiều bố mẹ thường so sánh con mình với con người khác hay anh chị em của bé, nghĩ rằng đây là phương pháp hiệu quả giúp con tiến bộ hơn. Thế nhưng phương pháp này sẽ mang đến kết quả ngược lại.
Đôi khi mục đích so sánh con với những đứa trẻ khác là để kích thích tinh thần cạnh tranh ở trẻ, thúc đẩy bé vượt qua giới hạn của bản thân để đạt được nhiều thành công hơn nữa.
Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sẽ có tài năng, sở thích và khả năng phát triển ở mức độ khác biệt. Việc bố mẹ thường so sánh có thể phá vỡ sự tự tin và làm mờ nhạt đi năng lực riêng của con.
Trẻ sẽ cảm thấy gánh nặng tâm lý nếu liên tục bị so sánh, sẽ bắt đầu tránh giao tiếp với người khác, thậm chí là cả bố mẹ. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của bé.
Vì vậy, bố mẹ không nên gây áp lực để bé phải thể hiện thật tốt, điều này sẽ khiến con lo lắng, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và chất lượng học tập. Hãy ngồi lại và nói chuyện với nhau, tìm hiểu xem vì sao thành tích của con chưa được tốt cũng như tìm ra giải pháp hiệu quả và phù hợp.
"Mẹ không muốn nhìn thấy con nữa"
Câu nói này khiến trẻ có ý nghĩa gần giống “Ước gì bố mẹ chưa từng sinh ra con”. Trẻ sẽ hiểu rằng, bố mẹ vô cùng khó chịu khi nhìn thấy mặt mình, dẫn đền trường hợp một số trẻ đã bỏ nhà ra đi không gặp mặt bố mẹ nữa.
Tâm hồn con gái vốn nhạy cảm và mong manh, đôi khi một lời nói của bố mẹ có thể khiến con gái nhớ rất lâu. Vì vậy, bố mẹ hãy hạn chế nói những câu như “Mẹ không cần con nữa”, hay "Bố mẹ không muốn nhìn thấy con nữa".
Nếu bố mẹ quá tức giận, thực sự không muốn nhìn mặt con vì càng nhìn sẽ càng tức, hãy yêu cầu con về phòng đóng cửa để tự kiểm điểm bản thân hoặc tạm lánh mặt đi chỗ khác để tâm trạng bình tĩnh trở lại và cùng con trờ chuyện, tìm ra phương hướng điều chỉnh phù hợp.