Trả lời những câu hỏi này để biết thêm về con.
Để bước đầu đánh giá về lĩnh vực vận động của trẻ, bố/mẹ hãy đánh dấu Có hoặc Không với câu mô tả đúng nhất với trẻ ở thời điểm hiện tại.
Trí thông minh vận động là năng lực sử dụng và điều khiển cơ thể của cá nhân để thực hiện các hoạt động một cách khéo léo, linh hoạt, chính xác và hiệu quả. Trí thông minh vận động thể hiện qua vận động thô, vận động tinh và sự phối hợp giữa các bộ phận trên cơ thể bao gồm cả khả năng cân bằng, thăng bằng, tốc độ, sức mạnh và sự linh hoạt của cơ thể cũng như cách cơ thể tương tác với môi trường xung quanh.
Những người có trí thông minh vận động thường có thể hiện năng lực vượt trội thông qua các hoạt động thể lý và thể dục thể thao, sử dụng các kỹ năng khác nhau để điều khiển cơ thể và tính toán tốt, phối hợp suy nghĩ và hành động nhịp nhàng, linh hoạt để đạt hiệu quả cao nhất.
Ở tuổi vị thành niên (12-17 tuổi), trẻ có ưu thế về trí thông minh vận động thường có các biểu hiện sau:
- Trẻ yêu thích các hoạt động thể chất, thích chơi thể thao và thường tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao.
- Trẻ yêu thích các hoạt động trải nghiệm thực tế và hoạt động ngoài trời, thích khám phá thế giới bên ngoài hơn là các hoạt động “tĩnh” như đọc sách, xem phim hoặc chơi game.
- Trẻ yêu thích những loại hình công việc thủ công, đòi hỏi sự tập trung cao độ và sự khéo léo, tỉ mỉ của đôi bàn tay như điêu khắc, lắp ráp, đan móc, làm gốm, làm trang sức,…
- Trẻ thường xuyên học tập thông qua các chuyển động của cơ thể và thông qua việc chạm vào và cảm giác về sự vật.
- Trẻ sử dụng các chuyển động, cử chỉ, điệu bộ và các biểu hiện cơ thể để học hỏi và giải quyết vấn đề.
- Trẻ sử dụng thành thạo và hiệu quả các công cụ, máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển,…
- Trẻ có niềm đam mê đặc biệt với các môn thể dục thể thao đòi hỏi sức mạnh và sức bền. Đặc biệt, trẻ thường có năng lực vận động tốt và giỏi một môn thể thao nhất định.
- Trẻ thường thích các trò chơi mạo hiểm, có tính tò mò và hay muốn thử các trò chơi có cảm giác mạnh.
Những biểu hiện trên cho thấy rằng trẻ vị thành niên có ưu thế về trí tuệ vận động, dễ dàng sử dụng, điều khiển và phối hợp vận động tinh và vận động thô để thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trí thông minh vận động chỉ là một trong nhiều loại hình trí thông minh khác nhau, và không phải tất cả vị thành niên đều có ưu thế về loại hình trí thông minh này. Mỗi người đều có những ưu điểm và khó khăn riêng trong việc phát triển năng lực của mình, và cần được hỗ trợ và khuyến khích để phát triển toàn diện.
Để giúp vị thành niên phát triển trí thông minh vận động, bố mẹ có thể:
- Khuyến khích, động viên trẻ tham gia các hoạt động thể chất, thể dục thể thao (chẳng hạn như bóng đá, thể dục nhịp điệu, khiêu vũ, yoga, bơi lội, cầu lông, bóng rổ, hoặc bất kỳ môn thể thao nào trẻ yêu thích) và/hoặc các hoạt động thủ công (chẳng hạn như đan móc, điêu khắc, lắp ráp,…) thường xuyên. Các hoạt động này đều giúp trẻ vị thành niên rèn luyện cơ thể, tăng cường sức khoẻ, tăng cường vận động thô, vận động tinh và phát triển trí thông minh vận động.
- Khuyến khích, động viên trẻ vị thành niên tham gia các hoạt động ngoài trời: chạy bộ, đi xe đạp, dã ngoại, … nhằm giúp vị thành niên có thêm cơ hội để rèn luyện và phát triển trí thông minh vận động.
- Tạo điều kiện và cùng tham gia trải nghiệm các hoạt động thể chất và/hoặc thủ công đa dạng cùng vị thành niên. Việc cùng tham gia này vừa giúp bố mẹ và trẻ có điều kiện phát triển trí thông minh vận động, vừa tạo tương tác và trải nghiệm tích cực trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái.
- Tạo điều kiện và khuyến khích trẻ trải nghiệm những hoạt động mới, vừa sức và trong điều kiện đảm bảo an toàn để giúp trẻ vị thành niên tăng cường hứng thú và tích cực tham gia vào các hoạt động nhằm rèn luyện trí thông minh vận động.
- Hướng dẫn trẻ vị thành niên hình thành thói quen sống lành mạnh, tích cực, đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp, cân bằng các hoạt động trong đời sống hằng ngày, lắng nghe và chú ý đến các biểu hiện của cơ thể.
- Tạo môi trường an toàn, tích cực và thuận lợi cho sự phát triển cả về mặt thể lý lẫn tâm lý cho trẻ.
Bài viết có sự tham khảo của Tiến sĩ Kiều Thị Thanh Trà - Trưởng bộ môn Tâm lý học giáo dục, khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM.