Trả lời những câu hỏi này để biết thêm về con.
Để bước đầu đánh giá về lĩnh vực tương tác liên cá nhân của trẻ, bố/mẹ hãy đánh dấu Có hoặc Không với câu mô tả đúng nhất với trẻ ở thời điểm hiện tại.
Trí thông minh liên cá nhân (hay còn gọi là trí thông minh tương tác cá nhân) là năng lực nhận thức và tương tác hiệu quả với những người xung quanh. Trí thông minh liên cá nhân được xem là một trong những yếu tố quan trọng giúp thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội tích cực, đồng thời làm việc cùng nhau một cách hiệu quả. Những người sở hữu loại trí thông minh này thường có năng lực giao tiếp và xử lý các tình huống xã hội một cách phù hợp, linh hoạt và hiệu quả; lắng nghe và dễ dàng chia sẻ với những người xung quanh; đồng thời có năng lực tương tác và thích ứng tốt với cá nhân đến từ các nhóm xã hội khác nhau.
Ở tuổi vị thành niên (12-17 tuổi), trẻ có ưu thế về trí thông minh liên cá nhân thường có các biểu hiện sau:
- Có kỹ năng giao tiếp tốt: Trẻ giao tiếp tốt bằng cách sử dụng hiệu quả các phương tiện giao tiếp (bao gồm ngôn ngữ và phi ngôn ngữ), đồng thời, lắng nghe tích cực và dễ dàng chia sẻ, thấu cảm với người khác và đưa ra các phản hồi phù hợp trong các tương tác xã hội.
- Nhạy cảm với cảm xúc, tâm trạng của những người xung quanh, đồng thời, có khả năng quản lý, điều chỉnh và bộc lộ quan điểm, cảm xúc của bản thân một cách phù hợp trong các tình huống tương tác xã hội.
- Hứng thú với các hoạt động xã hội: Trẻ ưu thế về trí thông minh liên cá nhân thường thích giao tiếp, tương tác với những người khác, tham gia vào các hoạt động xã hội và có khả năng tạo ra mối quan hệ xã hội tích cực với người khác.
- Độc lập và tự tin: Trẻ vị thành niên có ưu thế về trí tuệ tương tác cá nhân thường thể hiện sự độc lập và tự tin trong quá trình tương tác với người khác.
- Dễ dàng tham gia vào các hoạt động đội, nhóm khác nhau nhờ vào khả năng thích ứng và linh hoạt khi tương tác và làm việc với người khác, dễ dàng nhận biết được tâm trạng, cảm xúc của người khác và tương tác một cách phù hợp.
- Làm việc nhóm hiệu quả: Trẻ dễ dàng hoà nhập với nhóm, tham gia vào các tiến trình hoạt động của nhóm một cách hiệu quả; đồng thời, thể hiện khả năng lãnh đạo, điều phối các hoạt động chung của nhóm.
- Có khả năng đàm phán và thuyết phục người khác, đặc biệt là trong các tình huống tương tác xã hội có mâu thuẫn hoặc xung đột.
- Thường xuyên tự đánh giá và cải thiện bản thân, nhận ra những khó khăn và thách thức trong quá trình tương tác với người khác, từ đó tìm cách giải quyết và hoàn thiện bản thân.
Những biểu hiện trên cho thấy rằng trẻ vị thành niên có ưu thế về trí tuệ liên cá nhân, dễ dàng xây dựng mối quan hệ tốt với những người khác và thích ứng với các tình huống xã hội mới. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trí thông minh liên cá nhân chỉ là một trong nhiều loại hình trí thông minh khác nhau, và không phải tất cả vị thành niên đều có ưu thế về loại hình trí thông minh này. Mỗi người đều có những ưu điểm và khó khăn riêng trong việc phát triển năng lực của mình, và cần được hỗ trợ và khuyến khích để phát triển toàn diện.
Để giúp vị thành niên phát triển trí thông minh liên cá nhân, bố mẹ có thể:
- Tạo ra và duy trì bầu không khí gia đình tích cực: Bố mẹ nên tạo ra và duy trì bầu không khí đình vui vẻ và tích cực để trẻ có thể học hỏi, thực hành và phát triển kỹ năng xã hội. Môi trường gia đình an toàn và cởi mở sẽ giúp trẻ tự tin trong việc trao đổi, tương tác với người khác.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội: Bố mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động câu lạc bộ, đội nhóm, trại hè cũng như các hoạt động xã hội khác. Quá trình tham gia các hoạt động này sẽ tạo điều kiện cho trẻ giao lưu, tìm hiểu, học hỏi từ những người khác, từ đó, thiết lập và nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội tích cực.
- Đồng hành cùng trẻ để phát triển kỹ năng giao tiếp: Bố mẹ có thể đồng hành cùng trẻ để phát triển kỹ năng giao tiếp bằng cách tích cực lắng nghe, trò chuyện và thực hành thấu cảm với trẻ. Bố mẹ cần khuyến khích trẻ nói chuyện, trao đổi với những người xung quanh và hướng dẫn trẻ cách thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình một cách hiệu quả cũng như bày tỏ sự quan tâm đến những người xung quanh một cách phù hợp.
- Hướng dẫn và hỗ trợ: Bố mẹ có thể giúp trẻ có thêm kiến thức, kinh nghiệm ứng xử với các tình huống xã hội bằng cách cung cấp và hướng dẫn cho trẻ về các phong tục, tập quán, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử cũng như chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi đối diện với các tình huống xã hội, đặc biệt là những tình huống có xung đột, mâu thuẫn.
- Làm gương: Bố mẹ chính là hình mẫu để trẻ học hỏi, vì vậy, bố mẹ phải làm gương khi giao tiếp, ứng xử không chỉ với trẻ mà còn với những người xung quanh.
- Khuyến khích, động viên và đồng hành cùng trẻ, góp phần giúp trẻ tự tin và phát huy tài năng của mình, từ đó giúp trẻ phát triển trí thông minh liên cá nhân một cách toàn diện và hiệu quả.
Bài viết có sự tham khảo của Tiến sĩ Kiều Thị Thanh Trà - Trưởng bộ môn Tâm lý học giáo dục, khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM.