Một ngày nào đó, bố mẹ sẽ thấy trẻ biết sắp xếp mọi việc hợp lý mà không cần bạn thúc giục, có tính kỷ luật tốt.
Nhiều phụ huynh phàn nàn về việc trẻ có tinh thần tự giác kém, luôn cần thúc đẩy học tập và không chủ động tìm kiếm kiến thức. Điều này thường khiến bố mẹ lo lắng và bực bội, nhất là khi trẻ bước vào các kỳ thi quan trọng.
Tuy nhiên, một chuyên gia giáo dục đã chia sẻ “công thức kỳ diệu” giúp trẻ trở nên “tự kỷ luật” và chăm chỉ học tập, dần cải thiện thành tích tốt.
Nguồn ảnh: freepik
Thiết lập “luật cổ tích”
Việc đặt ra nội quy nên bàn bạc với con. Ví dụ, khi nói về việc xem TV, thay vì nói “Con chỉ có thể xem 30 phút mỗi ngày.” Hãy tìm thời gian trò chuyện với con: “Con yêu, chúng ta phải suy nghĩ về cách xem TV để không bị trì hoãn việc học. Con có thể xem vui vẻ nhưng không nên quá lâu, con nghĩ sao?” Cho trẻ cảm thấy có quyền quyết định và chủ động hơn trong việc quản lý thời gian.
Khi trẻ đáp "Con nghĩ có thể xem một lúc trước khi làm bài tập về nhà." Tiếp theo, hãy hỏi: “Bao lâu là phù hợp?” Khi cho phép trẻ tự quyết định, là đang tạo cơ hội về trách nhiệm và lựa chọn của mình. Nếu trẻ tham gia vào việc đặt ra các quy tắc, sẽ dễ dàng tuân theo hơn, bởi có sự đồng thuận.
Hơn nữa, các quy tắc phải đơn giản, rõ ràng và không thay đổi. Ví dụ: “Sau khi làm xong bài tập về nhà, con phải thu dọn cặp sách và lau chùi mặt bàn.” Những quy tắc quá phức tạp hoặc có một danh sách dài trẻ không thể nhớ sẽ gây ra sự nhầm lẫn và khó chịu.
Một khi các quy tắc được thiết lập, trẻ không được phép trì hoãn. Giống như trường trẻ hứa sẽ xem TV 30 phút sau khi làm xong bài tập, nhưng lại hết thời gian. Mẹ không thể mềm lòng vào lúc này. Hãy nhẹ nhàng nhắc nhở: "Con yêu, đã hết 30 phút thỏa thuận, chúng ta phải làm bài tập sớm." Việc này giúp trẻ hiểu rằng quy tắc là để được tôn trọng và không có ngoại lệ.
Đồng thời, một khía cạnh quan trọng khác là sự nhất quán trong việc thực hiện các quy tắc. Nếu bố mẹ tự vi phạm nội quy, chẳng hạn như xem TV trong khi khuyên trẻ không nên làm như vậy, sẽ tạo ra mâu thuẫn.
Ngoài ra, việc thường xuyên xem xét và điều chỉnh các quy tắc cũng rất cần thiết. Khi trẻ lớn lên hoặc tình huống thay đổi, bố mẹ nên cùng trẻ thảo luận để điều chỉnh các quy tắc cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới và nhu cầu của trẻ.
Tặng trẻ một số “phần thưởng ngọt ngào”
Phần thưởng không nên trao tùy ý, hãy chú ý đến phương pháp. Nếu trẻ cư xử tốt, đừng vội thưởng tiền hay món đồ chơi có giá trị. Đầu tiên hãy tìm hiểu xem trẻ thực sự muốn gì. Một số trẻ thích xem phim, trong khi những trẻ khác lại mong được đi công viên vào cuối tuần. Khi hiểu được sở thích, phần thưởng có thể được sử dụng hiệu quả.
Ví dụ, nếu trẻ hoàn thành bài tập về nhà đúng giờ mỗi ngày, mẹ có thể nói: "Con yêu, tuần này con đã hoàn thành bài tập về nhà nhanh chóng và tốt. Hay chúng ta cùng xem bộ phim hoạt hình mà con thích vào thứ Bảy nhé?" Phần thưởng gắn liền với nỗ lực, cho trẻ biết rằng sự chăm chỉ sẽ được đền đáp.
Nhưng phần thưởng không nên quá thường xuyên hoặc quá dễ dàng để có được. Nếu hôm nay trẻ quét sàn và được thưởng một món đồ chơi có giá trị, trẻ sẽ chờ đợi một phần thưởng lớn hơn và không sẵn sàng bỏ ra những nỗ lực nhỏ.
Phần thưởng nên là điều trẻ có thể đạt được sau khoảng thời gian chăm chỉ nhất định, để trẻ trân trọng, có thêm động lực tiếp tục cố gắng.
Bố mẹ nên là “siêu mẫu”
Trẻ em quan sát bố mẹ và học theo. Nếu bố mẹ sử dụng điện thoại di động hàng ngày, nhưng lại yêu cầu con tự học, thì chắc chắn trẻ sẽ không hài lòng: “Mẹ chơi điện thoại được, sao con lại không?”. Từ đó, trẻ hình thành những nhận thức không công bằng về sự kỷ luật. Vì vậy, để kỷ luật trẻ, trước tiên, bố mẹ phải kỷ luật chính mình.
Ví dụ, sau bữa tối, bố mẹ không nên nằm dài trên ghế sofa và bắt đầu xem phim. Thay vào đó, hãy lựa chọn những hoạt động mang tính xây dựng hơn như làm việc, đọc sách hoặc nghiên cứu kiến thức mới. Khi trẻ nhìn thấy bố mẹ chăm chỉ và đam mê với việc học hỏi, sẽ cảm nhận được giá trị của việc phát triển bản thân.
Một ví dụ khác, nếu bố mẹ hứa cho con đi chơi công viên vào cuối tuần nhưng lại dễ dàng hủy bỏ sau đó, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng và không tin tưởng vào lời hứa của bố mẹ. Từ đó, làm giảm lòng tin, cảm thấy rằng việc giữ lời hứa không quan trọng.
Kỷ luật tự giác của bố mẹ chính là cuốn sách giáo khoa tốt nhất cho trẻ. Bố mẹ không cần phải nhắc nhở trẻ mỗi ngày, mà chính những hành động và thói quen của mình sẽ là tấm gương cho con học hỏi.
Cho trẻ một “thế giới nhỏ độc quyền”
Trẻ nên có không gian riêng để tự do sắp xếp. Ví dụ, sắp xếp một phòng học nhỏ, để trẻ quyết định cách đặt bàn, giá sách và những đồ trang trí để treo trên tường. Trong thế giới nhỏ bé này, trẻ cảm thấy mình là chủ và có tinh thần trách nhiệm.
Hãy hướng dẫn trẻ tự lập kế hoạch học tập, dán thời gian biểu lên tường, thời gian làm bài tập, thời gian nghỉ giải lao.... Điều này nhằm nuôi dưỡng tính tự chủ, học cách quản lý thời gian và trở nên tự kỷ luật.
Hơn nữa, trẻ có thể thoải mái học tập, khám phá trong thế giới nhỏ của riêng mình.
“Đặt mục tiêu nhỏ” cho con
Mục tiêu không nên quá lớn, giống như leo lên cầu thang, từng bước một. Việc đặt ra mục tiêu quá lớn có thể khiến trẻ cảm thấy choáng ngợp và nản lòng. Ví dụ, nếu trẻ không giỏi toán, đừng nên yêu cầu “Con phải đạt 9 điểm trở lên trong kỳ thi sắp tới”. Mục tiêu này quá lớn và không thực tế, trẻ sẽ cảm thấy xa tầm tay và mất tự tin.
Thay vào đó, hãy đặt những mục tiêu nhỏ, dễ dàng đạt được hơn. Chẳng hạn “Tuần này, con sửa lại các câu đã làm sai và làm thêm 5 dạng bài tập Toán nhé.” Những mục tiêu nhỏ này giúp trẻ cảm thấy có thể đạt được, khuyến khích tiến bộ dần dần.
Bố mẹ nên cùng trẻ chia nhỏ mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ và thường xuyên kiểm tra sự tiến bộ. Nhằm giúp trẻ nhận thức được quá trình học tập, tạo cơ hội để thảo luận về những khó khăn mà trẻ gặp phải.
Nếu trẻ làm tốt, đừng quên động viên: "Con đã làm đúng kế hoạch và trả lời được hết các câu hỏi sai. Có tiến bộ, hãy tiếp tục làm tốt nhé!"
Nếu trẻ không đạt được mục tiêu, hãy cùngtìm ra lý do. Có thể nhiệm vụ quá khó, hoặc việc sắp xếp thời gian chưa hợp lý. Thay vì chỉ trích, hãy điều chỉnh kế hoạch và bắt đầu lại từ những bước nhỏ hơn.