Mỗi con đường đều có những ưu điểm và thách thức riêng, điều quan trọng là bố mẹ ủng hộ, hướng dẫn con lựa chọn phù hợp nhất.
Trong xã hội hiện đại, việc vào được trường đại học ưng ý được nhiều gia đình coi là một mục tiêu then chốt trong quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ cũng đạt được kết quả thi cử như mong đợi.
Khi trẻ thi điểm kém và không thể vào được trường đại học như mong muốn, đây là một thử thách lớn đối với bản thân trẻ và cả gia đình.
Trước tiên, bản thân trẻ sẽ phải đối mặt với cú sốc về việc không đạt được mục tiêu mà mình và gia đình hướng tới. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý, làm giảm sút động lực và niềm tin vào bản thân.
Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia đang diển ra căng thẳng. (Ảnh Internet)
Đối với gia đình, việc con không đỗ vào trường đại học như mong muốn cũng là một sự cố lớn. Nhiều bậc bố mẹ đã đặt rất nhiều kỳ vọng, thậm chí là đầu tư rất nhiều công sức và tài chính để con có thể vào được ngôi trường ưng ý. Khi điều này không xảy ra, phần lớn phụ huynh cảm thấy thất vọng, lo lắng về tương lai của con.
Về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý đưa ra những phân tích, lời khuyên hữu ích, để trẻ nhận được động viên, chia sẻ và hỗ trợ kịp thời từ gia đình, nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này, tìm ra hướng đi mới phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân.
Khi trẻ không đỗ vào trường đại học như kỳ vọng của bố mẹ, điều gì là phản ứng thông thường của các bậc bố mẹ? Những phản ứng này ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý và hành vi của trẻ?
Ở Việt Nam chúng ta, một truyền thống lâu đời vẫn đang rất phổ biến trong quan niệm của các phụ huynh là con cái cần học đại học tốt để có một tương lai công việc có thu nhập cao sau này.
Vì vậy, nhiều bậc bố mẹ đã đặt ra kỳ vọng tương đối cao cho con cái là cần phải thi thật tốt, đậu vào trường Đại học danh giá mà xã hội đánh giá cao. Vì kỳ vọng nhiều, bố mẹ sẽ ra sức đầu tư tiền bạc cho con đi học thêm, dành thời gian đưa đón con đi học, đôn đốc con học bài và làm bài ở nhà, chăm sóc kỹ chế độ ăn uống và giấc ngủ để con có điều kiện học tốt nhất.
Với sự đầu tư như thế, kỳ vọng càng nhiều thì khi kết quả thi của con không được như mong đợi, bố mẹ có thể cảm thấy buồn, chán nản và thất vọng, đôi khi cnf kèm theo sự tức giận, bực dọc và thể hiện điều đó với con.
Có những bố mẹ thì chỉ thể hiện nỗi buồn, sự lo lắng qua nét mặt, qua tiếng thở dài, hay vài câu nói bông quơ như khen ngợi con nhà người ta đạt thành tích tốt, nhưng có những người thì công khai chê trách, công kích con của mình.
Dù là theo cách nào, con cái của những bố mẹ có thể hiện như vậy cũng đều cảm thấy bị tổn thương và buồn rất nhiều, dẫn đến có trẻ thì thu rút hành vi, kém tự tin vào bản thân, có trẻ thì thể hiện sự chống đối, bất cần với bố mẹ.
Theo chuyên gia, bố mẹ nên ứng xử như thế nào để hỗ trợ và động viên trẻ trong tình huống này? Cách tiếp cận tích cực và hiệu quả nhất là gì?
Hơn ai hết, chính con, mới là người có những kỳ vọng vào việc học của mình nhiều nhất, khi con không đạt được mức điểm như kỳ vọng để vào một trường Đại học mà con mơ ước thì con buồn và thất vọng nhiều hơn cả.
Chính vì lẽ đó mà bố mẹ thay vì buồn hay chỉ trích con thì nên lắng nghe con và chia sẻ cùng con nỗi buồn đó, động viên con tìm cơ hội khác phù hợp với con hơn, giúp con vượt qua cảm giác chán nản, thất vọng và tìm mục tiêu mới để con bắt đầu.
Có rất nhiều con đường khác nhau để dẫn con tới sự trưởng thành và đạt thành công trong suốt cuộc đời, không chỉ có một cánh cổng duy nhất là phải vào trường Đại học đó. Quan trọng nhất là con cảm nhận được sự yêu thương, tin tưởng của bố mẹ và niềm tin rằng luôn có nhiều hơn một cách để làm mọi thứ, nếu cách này chưa phù hợp thì sẽ có cách khác hiệu quả hơn để làm.
Điều này giúp con học được cách đứng dậy sau những thất bại, có động lực để đi tiếp và niềm tin cũng như cách thức để tìm con đường phù hợp cho mình.
Một số trường hợp trẻ thất vọng vì không đậu vào trường đại học như ý và tuyên bố không muốn học đại học, lúc này bố mẹ nên làm gì?
Trẻ thất vọng khi không đạt kỳ vọng là tâm trạng tự nhiên, bố mẹ chấp nhận cảm xúc này ở con. Tuy nhiên, bố mẹ cũng sẽ cần giúp cho trẻ nhìn nhận lại cách đặt mục tiêu đã phù hợp chưa, cách làm trước đây của trẻ có điều gì còn hạn chế, để từ đó rút ra bài học cho mình.
Từ những hiểu biết này, bố mẹ giúp con tìm lại niềm tin của con về năng lực của mình cũng như mục đích tiếp theo phù hợp hơn với sở thích, năng lực và cơ hội hiện tại, từ đó gợi mở cho con những lựa chọn khác, ngay cả khi lựa chọn mới này không phải là học đại học.
Khi trẻ không đạt được kết quả như mong muốn, bố mẹ lo lắng về tương lai của con. Chuyên gia có thể tư vấn cách thức giúp bố mẹ giải tỏa nỗi lo này và hướng trẻ đến những cơ hội phù hợp khác?
Bố mẹ nên cởi mở hơn trong quan niệm về sự học. Học là để giúp con trưởng thành hơn trong tư duy, thái độ và cách ứng xử với sự vật, sự việc và con người, đặc biệt là cơ hội để con tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp và tích luỹ những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho quá trình này.
Nhờ niềm tin này, bố mẹ có thể bớt căng thẳng và lo lắng hơn khi con không đậu vào 1 trường nào đó theo mong đợi ngay từ đầu. Nếu thực sự con rất khao khát vào ngành đó, trường đó thì có thể có cơ hội vào kỳ tuyển sinh năm sau, nếu thích ngành đó mà điểm có thể vào các trường khác thì cũng có thể thay đổi trường, hoặc thay đổi hệ đào tạo thấp hơn để phù hợp với điểm số hiện có.
Hoặc tìm một ngành gần để học hoặc chuyển sang đào tạo nghề và học dần lên sau khi đã có kinh nghiệm thực tế,… Khi chúng ta có nhiều lựa chọn khả dĩ, chúng ta sẽ bớt lo lắng và sự bình tĩnh sẽ giúp chúng ta suy nghĩ và cân nhắc sáng suốt hơn.
Quan trọng nhất vẫn là tình cảm gia đình thuận thảo, con cái chúng ta vui vẻ, tự tin và trưởng thành, việc không đậu vào một trường đại học không phải là tận thế!