Truyện cổ tích: Chàng khất sĩ thứ nhất, con vua

Thi Thi - Ngày 12/05/2023 19:19 PM (GMT+7)

Câu chuyện nói về cuộc đời đầy sóng gió của một chàng hoàng tử đáng thương.

Truyện cổ tích: Chàng khất sĩ thứ nhất, con vua - 1

Truyện cổ tích: Chàng khất sĩ thứ nhất, con vua - 2

Nội dung câu chuyện chàng khất sĩ thứ nhất, con vua 

– Thưa bà, để bà rõ sao tôi chột mất con mắt bên phải, và bởi lý do gì làm tôi nhập dòng khất sĩ, tôi xin thưa rằng tôi là con vua. Phụ vương tôi có một người anh cũng trị vì như Người ở một nước láng giềng. Bác tôi có hai người con, một hoàng tử và một công chúa. Hoàng tử và tôi cùng xấp xỉ tuổi nhau.

Khi tôi đã trưởng thành và được vua cha cho phép tự do xử sự, hàng năm tôi thường sang bên bác tôi, lưu lại triều đình của Người một vài tháng, rồi lại trở về sống bên cạnh cha tôi.

Những cuộc viếng thăm ấy tạo cơ hội cho hoàng tử anh tôi và tôi gắn bó với nhau bằng một tình bạn thắm thiết đặc biệt. Lần cuối cùng gặp tôi, hoàng tử tiếp tôi với những biểu hiện thân ái nhất chưa từng có. Một hôm, để chiêu đãi tôi, anh chuẩn bị cẩn thận khác thường. Chúng tôi ăn uống rất lâu, và khi đã mãn tiệc, anh bảo: “Chú ạ, chú sẽ không bao giờ đoán ra được từ chuyến chú sang đây lần trước cho đến nay tôi bận việc gì.

Đã một năm nay, từ khi chú ra về, tôi cho một số lớn thợ thực hiện một ý đồ mà tôi hằng suy nghĩ. Tôi đã cho xây xong một lâu đài, nay đã có thể ở được. Thăm nơi đó chú sẽ thấy thích cho mà xem. Song chú phải thề trước với tôi là sẽ giữ bí mật và phải trung thành. Đó là hai điều tôi đòi hỏi ở chú”.

Tình bạn và tình họ hàng giữa chúng tôi xưa nay không cho phép tôi từ chối anh tôi điều gì. Vì vậy không chút do dự, tôi thề đúng như anh mong muốn.

Thế là anh bảo tôi: “Chú chờ đây một lát, tôi trở lại ngay”. Quả nhiên, anh không chậm trễ, chỉ một lát sau tôi đã thấy anh trở lại cùng một phụ nữ hết sức xinh đẹp, ăn mặc lộng lẫy. Anh tôi không cho tôi biết người phụ nữ ấy là ai, và tôi cũng nghĩ mình không có nhiệm vụ hỏi han về điều đó.

Cùng người phụ nữ, chúng tôi lại ngồi vào bàn tiệc, trò chuyện không đâu vào đâu và uống cạn những cốc rượu đầy chúc mừng sức khỏe lẫn nhau. Sau đó hoàng tử nói với tôi: “Chú ạ, chúng ta không nên để mất thời giờ, chú hãy vui lòng giúp tôi đưa phu nhân đây đi về phía nọ, đến một nơi chú trông thấy một ngôi mộ có vòm cao mới xây. Chú sẽ nhận ra dễ thôi. Cửa mộ đã mở sẵn. Hai người hãy vào trong đó chờ tôi. Tôi sẽ đến ngay”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trung thành với lời thề, tôi không muốn biết thêm. Tôi đưa tay ra cho người phụ nữ vịn, và theo những lời chỉ dẫn của hoàng tử anh tôi, tôi đưa nàng đi trôi chảy dưới ánh trăng, không lạc đường. Vừa đến ngôi mộ, chúng tôi đã thấy hoàng tử xuất hiện ngay phía sau. Anh mang theo một bình con đầy nước, một cái cuốc và một túi nhỏ đựng vôi.

Anh dùng cuốc phá cái ngạch rỗng ở chính giữa ngôi mộ, dỡ ra từng phiến đá một và xếp vào một góc.

Dạt hết đá, anh đào đất và tôi thấy hiện ra một cánh cửa nắp. Anh nâng cánh cửa lên, tôi thoáng nhìn thấy dưới đó phần trên của một cầu thang xây bằng gạch.

Lúc đó, anh họ tôi quay sang nói với người phụ nữ: “Thưa phu nhân, đó là lối dẫn tới nơi tôi đã nói với phu nhân”. Nghe câu nói đó, người phụ nữ tiến đến và bước xuống cầu thang. Hoàng tử chuẩn bị đi theo, nhưng trước khi đi, anh quay sang bảo tôi: “Chú ạ, tôi vô cùng biết ơn chú về việc chú vừa giúp. Xin cảm ơn. Vĩnh biệt”.

– Anh thân mến! – Tôi kêu lên. – Thế là thế nào?

– Thôi đủ rồi! – Anh đáp. – Chú có thể theo con đường vừa đến đây mà trở về.

Tôi không thể nào hỏi thêm hoàng tử anh họ tôi một điều gì khác, và đành phải cáo từ. Trên đường về hoàng cung, tôi cảm thấy hơi rượu bốc lên đầu. Tuy vậy tôi cũng về đến buồng riêng và đi nằm. Sáng hôm sau, thức dậy, suy nghĩ về những điều đã xảy ra đêm trước, và nhớ lại mọi chi tiết của một câu chuyện phiêu lưu rất kỳ quặc, tôi ngỡ đấy là một giấc mộng.

Nghĩ như vậy, tôi cho người hỏi xem anh họ tôi đã tiếp khách chưa. Người ta cho biết đêm qua anh không ngủ ở nhà, không rõ anh đi đâu, mọi người đang rất lo lắng. Thế là tôi hiểu sự kỳ lạ về ngôi mộ đúng là sự thật quá hiển nhiên đi rồi. Tôi rất buồn.

Và tránh không để ai trông thấy, tôi bí mật đến nghĩa địa công cộng, ở đấy có vô vàn ngôi mộ giống như tôi đã thấy. Tôi để suốt cả ngày hôm ấy xem xét hết cái này đến cái khác, nhưng không thể nào nhận ra đúng cái tôi tìm. Suốt bốn ngày ròng rã, tôi tìm kiếm vô ích như vậy.

Cần phải nói rằng, trong thời gian ấy, bác tôi đi vắng. Người đi săn từ nhiều hôm trước. Chờ đợi lâu sốt ruột quá, tôi nhờ các quan trong triều khi nào Người trở về xin lỗi hộ cho tôi, rồi tôi từ giã cung của vua bác để trở về triều đình cha tôi. Ít khi tôi đi vắng nhà lâu như vậy.

Các quan trong triều bác tôi rất lo âu, không biết hoàng tử ra sao. Nhưng để khỏi vi phạm lời thề giữ bí mật cho anh, tôi không dám làm cho họ thôi băn khoăn, tôi không hé răng với họ một tí gì về những điều mình biết. Tôi về đến kinh đô của phụ vương.

Nhưng trái với lệ thường, vừa đến cổng hoàng cung, tôi thấy một đội cảnh vệ lớn xúm đến bao vây, ngay khi tôi định bước vào thành. Tôi hỏi lý do, viên quan trả lời: “Thưa hoàng tử, quân đội đã phò tể tướng lên trị vì thay phụ vương ngài vì phụ vương ngài hiện nay không còn nữa. Theo lệnh tân vương, tôi xin bắt giữ ngài”.

Nói đến đấy, bọn cảnh vệ túm lấy tôi và dẫn tôi đến trước mặt tên ác vương.

Thưa bà, xin bà hãy hình dung sự ngạc nhiên và nỗi đau khổ của tôi lúc bấy giờ. Tên tể tướng phiến loạn ấy từ lâu vốn nung nấu một mối hận thù sâu sắc đối với tôi.

Nguyên nhân là thế này: Hồi còn niên thiếu, tôi thích bắn cung. Một hôm, đứng trên một sân thượng trong cung, tôi tập bắn. Nhưng mũi tên không trúng con chim mà vô tình lại trúng vào mắt viên tể tướng lúc ấy đang đứng hóng mát trên sân thượng nhà ông ta, làm ông ta hỏng mắt.

Khi được biết điều không may ấy, tôi vội cho người đến xin lỗi và tự tôi cũng thân hành đến chịu lỗi. Nhưng hắn vẫn căm thù sâu sắc, hễ có dịp là lộ ra. Khi tôi sa vào tay hắn rồi, thì mối hận thù của hắn bật ra một cách dã man.

Thoạt nhìn thấy tôi, hắn xông đến như một thằng điên. Thọc ngón tay vào mắt phải tôi, hắn móc mắt tôi. Đấy là căn nguyên vì sao mà tôi trở nên chột mắt.

Nhưng tên tiếm quyền không hạn chế sự độc ác của hắn ở đấy. Hắn sai nhốt tôi vào một cái hòm và ra lệnh cho đao phủ cứ như vậy mang tôi đi thật xa ra ngoài hoàng cung, chặt đầu rồi vứt xác cho diều tha quạ mổ.

Tên đao phủ cùng đi với một người nữa cưỡi ngựa mang theo cái hòm, họ dừng lại giữa một cánh đồng để thi hành mệnh lệnh của tên vua tàn bạo. Nhưng tôi van xin và kêu khóc dữ quá, làm gã động lòng. “Hãy đi đi! – Gã bảo tôi.

– Hãy đi nhanh ra khỏi nước này và coi chừng chớ có bao giờ quay trở lại! Nếu trở lại, anh không những có thể chết mà còn gây nên cái chết cho tôi”. Tôi cảm tạ anh về cái ơn to lớn ấy. Và khi chỉ còn lại một mình, tôi tự an ủi là tuy mình có bị mất đi một mắt thật đấy, nhưng lại tránh được một tai họa còn lớn lao hơn.

Trong tình cảnh của tôi lúc ấy, tôi không thể đi được nhiều đường đất. Ban ngày tôi ẩn nấp vào những nơi vắng vẻ, ban đêm mới ra đi cho đến chừng nào còn hơi sức. Cuối cùng tôi cũng đến được nước của bác tôi.

Tôi kể chi tiết cho bác tôi nghe nguyên nhân bi thảm khiến tôi quay trở lại và tình cảnh đáng buồn của tôi lúc ấy. “Than ôi! – Bác tôi kêu lên. – Mất một đứa con trai còn chưa đủ ư? Sao ta lại phải nghe tin một người em thân yêu qua đời và phải trông thấy một đứa cháu trong tình trạng thảm thương thế này!”.

Người tỏ ra rất lo âu vì không nhận được tin tức gì về hoàng tử. Người cha đau khổ ấy nói chuyện với tôi mà nước mắt như mưa. Sự đau buồn của Người khiến tôi không sao chịu nổi. Dù có thề với hoàng tử anh họ tôi như thế nào, tôi vẫn thấy không thể còn giữ im lặng được nữa. Tôi kể cho bác tôi nghe tất cả những điều tôi được biết.

Nghe tôi nói, nhà vua như cũng được an ủi ít nhiều. Khi tôi nói xong, Người bảo: “Cháu ạ, chuyện cháu kể đưa lại cho bác ít nhiều hy vọng. Bác có biết là anh cháu cho xây cái lăng ấy, và bác cũng biết đại khái nó ở vào chỗ nào. Cộng với những điều cháu còn nhớ, bác tin rằng chúng ta sẽ tìm ra được.

Nhưng, bởi vì anh cháu bí mật làm việc đó và yêu cầu cháu giữ kín, cho nên ý kiến bác là chỉ có hai chúng ta đi tìm chỗ đó thôi, để tránh chuyện vỡ lở ồn ào”. Còn một lý do nữa mà Người không nói ra, vì sao Người không muốn cho thiên hạ biết chuyện. Đấy là một lý do rất quan trọng, phần tiếp sau của câu chuyện tôi đang kể đây sẽ cho bà thấy rõ.

Hai bác cháu tôi đều cải trang và ra khỏi hoàng cung bằng một cửa ngách phía sau vườn, thông ra cánh đồng. Chúng tôi may mắn tìm được nơi cần tìm. Tôi nhận ra cái lăng, và càng lấy làm sung sướng bởi vì đã từng tìm kiếm nó mất bao công mà không thấy.

Chúng tôi đi vào lăng và tìm ra được cái nắp bằng sắt chẹn lối xuống cầu thang. Chúng tôi nâng nó lên rất khó nhọc bởi vì hoàng tử đã dùng vữa và nước mà tôi từng nói đến, trát kỹ từ bên trong. Nhưng cuối cùng rồi chúng tôi cũng nhấc cánh cửa lên được. Bác tôi xuống trước.

Tôi đi theo Người. Chúng tôi bước xuống chừng năm mươi bậc. Xuống hết cầu thang, chúng tôi vào một gian giống như phòng đợi, dày đặc khói và hôi hám. Khói làm cho ánh sáng tỏa ra từ một chùm đèn treo rất đẹp, lu mờ hẳn đi.

Từ phòng đợi ấy, chúng tôi sang một căn phòng khá rộng, có những cột lớn và được nhiều chùm đèn treo khác chiếu sáng. Chính giữa phòng là một cái thùng chứa; ở một góc thùng có xếp nhiều thức ăn dự trữ. Chúng tôi ngạc nhiên không hề thấy bóng người.

Trước mặt có một cái bục khá cao, phải trèo mấy bậc mới lên tới, và trên bục hình như có đặt một cái giường khá rộng buông rèm kín mít. Nhà vua bước lên, mở màn và trông thấy hoàng tử và người phụ nữ ngủ với nhau, nhưng thân thể đã bị đốt cháy thành than, như thể có ai ném họ vào một lò lửa lớn rồi lôi ra kịp trước khi bị thiêu hủy hoàn toàn.

Điều làm cho tôi ngạc nhiên hơn hết là trước cảnh tượng kinh tởm ấy, bác tôi đã không tỏ ra buồn đau khi trông thấy con trai trong tình trạng thảm thương. Ngược lại, bác còn nhổ nước bọt vào mặt anh ta, và nói giọng bất bình: “Sự trừng phạt trên thế gian này là như thế đó; nhưng sự trừng phạt ở thế giới bên kia còn sẽ kéo dài vĩnh viễn”. Chưa vừa lòng với câu nói ấy, nhà vua còn rút dép cầm tay đập mạnh vào má con trai.

Thưa bà, tôi không thể nào diễn tả nổi sự kinh ngạc của tôi khi thấy bác tôi ngược đãi hoàng tử như vậy sau khi anh đã qua đời.

“Tâu bệ hạ, – tôi nói, – cho dù cảnh tang tóc này có gây nên đau đớn đến đâu, cháu cũng cố nén để xin bệ hạ cho biết anh cháu đã phạm tội gì đến nỗi bệ hạ đối xử như vậy đối với thi hài anh?”

– Cháu ơi, bác có thể nói với cháu là con trai bác không xứng đáng được mang tên gọi đó. Nó yêu em gái nó từ tuổi thơ ngây và được em gái nó cũng yêu trở lại. Bác đã không phản đối mối tình thân mật khi nó vừa nảy nở, bác không ngờ hết điều xấu có thể xảy ra. Ai mà có thể dự kiến được điều đó?

Mối tình ấy tăng lên cùng với tuổi và đạt tới một điểm mà bác lo sợ có thể xảy ra hậu quả không hay. Trong phạm vi quyền lực của bác, bác đã tìm cách ngăn ngừa.

Không chỉ bằng lòng gọi riêng anh con ra và rầy la gay gắt, bác còn vạch cho nó thấy sự kinh tởm của mối tình mà nó đang say đắm và vết nhục muôn đời mà nó bắt gia đình ta phải chịu, nếu nó cứ nhắm mắt lao theo những tình cảm tội lỗi.

Bác lại nói những điều đó với con gái bác, rồi bắt nó phải cấm cung không cho liên hệ với anh trai nó. Nhưng con khốn nạn đã ăn phải bả độc rồi, cho nên tất cả những trở lực mà bác thận trọng tạo ra để ngăn cách mối tình của chúng chỉ càng kích thích thêm chúng lao vào con đường tội lỗi mà thôi.

Con trai bác tin chắc là em gái nó đối với nó vẫn như trước đây. Viện cớ xây lăng cho mình, nó cho sửa soạn một chỗ ở dưới đất, với niềm hy vọng là một ngày kia sẽ có dịp bắt cô người yêu tội lỗi của mình và đưa đến đấy. Nó đã chọn thời gian bác đi vắng để dùng vũ lực xông vào nơi cấm cung em gái nó, và đấy là một chuyện mà danh dự của bác không cho phép bác công bố.

Sau một hành động đáng chê trách như vậy, hai đứa đã cùng nhau đến ẩn ở chốn này. Như cháu đã thấy, nó đã chuẩn bị nhiều thức ăn, để cùng nhau hưởng thụ mối tình đáng khinh bỉ đang làm tất cả mọi người ghê tởm. Nhưng Thượng đế không muốn để cho sự bỉ ổi ấy xảy ra. Thượng đế đã trừng phạt đúng đắn cả hai.

Kể đến đây, nhà vua bật khóc như mưa, và tôi cùng khóc với Người.

Lát sau, Người ngước mắt nhìn tôi: “Nhưng, cháu thân yêu ơi, – bác tôi vừa nói vừa ôm hôn tôi, – nếu bác có mất đi một đứa con trai không xứng đáng, thì bác sung sướng tìm được ở cháu một người tốt hơn để thay thế nó”. Những điều suy nghĩ của bác tôi về cái chết buồn thảm của hoàng tử và công chúa làm cho chúng tôi một lần nữa đầm đìa nước mắt.

Chúng tôi leo lên cầu thang cũ và cuối cùng ra khỏi chốn chết chóc ấy. Chúng tôi hạ cánh cửa nắp bằng sắt xuống, lấy đất và những vật liệu dùng để xây dựng ngôi mộ, lấp kín lại như cũ, để cố gắng che giấu hậu quả khủng khiếp mà cơn thịnh nộ của Thượng đế đã đưa lại.

Chúng tôi trở về cung. Không một ai hay biết là chúng tôi vừa vắng mặt. Nhưng chưa được bao lâu thì bỗng nghe ồn ào tiếng kèn đồng, tiếng thanh la, trống trận cùng những khí cụ chiến chinh khác.

Một đám bụi dày tỏa đặc không trung, làm cho chúng tôi hiểu ngay ra được đó là tiếng gì, nó báo hiệu một đạo quân ghê gớm đang tiến đến gần. Đó chính là đạo quân của viên tướng đã phế truất cha tôi và chiếm đoạt quốc gia của Người, nó đang dẫn muôn vàn binh mã tiến đến đây, hòng chiếm đoạt cả quốc gia của bác tôi nữa.

Nhà vua lúc bấy giờ chỉ có đội cận vệ bình thường, không thể kháng cự bấy nhiêu kẻ thù. Chúng nó vây thành, và chẳng khó khăn gì mà không làm chủ thành phố bởi vì các cổng thành đều để ngỏ không kháng cự. Chúng cũng chẳng tốn công sức bao nhiêu khi tiến vào hoàng cung. Bác tôi chống cự nhưng bị giết chết sau khi đã gây cho địch nhiều thiệt hại.

Về phần tôi, tôi cũng chiến đấu một thời gian, nhưng nhận thấy cần phải lùi bước trước sức mạnh, tôi đành phải nghĩ tới chuyện thoát thân. Tôi may mắn thoát được nhờ chạy vào những lối ngoặt, và đến được nhà một võ quan mà tôi biết rõ lòng trung thành.

Bị đau khổ dày vò và số mệnh đầy đọa, tôi đành phải nhờ tới một cái mẹo, nó là phương sách cuối cùng giúp cho tôi bảo toàn tính mạng. Tôi cho cạo râu và lông mày, rồi sau khi mặc áo quần khất sĩ, tôi thoát ra khỏi thành phố mà không bị ai nhận diện. Sau đó, tôi rời vương quốc của bác tôi một cách dễ dàng qua những nẻo đường hẻo lánh.

Tôi tránh không đi qua các thành phố cho đến khi tới được bờ cõi của Đấng thống lĩnh hùng mạnh của mọi tín đồ, hoàng đế Harun An-Rasít quang vinh và nổi tiếng, thì tôi mới hết sợ. Tôi tự hỏi nên làm gì bây giờ và đi tới quyết định là sẽ đến Bátđa phủ phục dưới chân vị đế vương vĩ đại ấy, người mà đâu đâu người ta cũng đều ca ngợi lòng khoan dung độ lượng.

Tôi tự nhủ: “Người sẽ cảm động khi ta kể lại một câu chuyện kỳ lạ của ta. Có lẽ Người sẽ đem lòng thương hại một hoàng tử tội nghiệp và ta sẽ không đến nỗi uổng công cầu khẩn sự giúp đỡ của Người”.

Sau một chuyến đi kéo dài nhiều tháng, hôm nay tôi đến trước cổng thành phố này. Tôi vào thành vào lúc xế chiều. Đang dừng chân chốc lát cho tĩnh trí và để suy nghĩ xem đi về hướng nào, thì chàng khất sĩ bên cạnh tôi đây cũng vừa đến như một khách du.

Anh chào tôi, tôi đáp lễ. Trong lúc chúng tôi đang nói thì chàng khất sĩ thứ ba mà các vị thấy kia chợt đến. Anh ta chào chúng tôi và cho biết anh cũng là người xứ khác vừa mới đến Bátđa. Vì cùng một dòng tu, chúng tôi kết bạn và quyết định sẽ không rời nhau.

Lúc ấy đêm đã muộn rồi, chúng tôi không biết trọ ở đâu trong một thành phố chưa quen thuộc và cũng chưa một ai từng đặt chân đến bao giờ. Nhưng số phận may mắn đã đưa chúng tôi đến trước cửa nhà quý bà, chúng tôi đánh bạo gõ cửa và được tiếp đón với biết bao nhân từ và độ lượng mà chúng tôi không biết nói thế nào để cảm ơn.

Thưa bà,

– chàng nói tiếp, – đấy là câu chuyện mà bà truyền cho tôi thuật lại. Vì sao tôi bị chột mắt bên phải, do đâu râu và lông mày tôi đều cạo nhẵn và tại sao lúc này tôi có mặt tại nhà bà.

– Được, – Zôbêít nói, – chúng ta hài lòng. Giờ anh muốn đi đâu thì tùy.

Chàng khất sĩ thứ nhất xin lỗi và xin phép ở lại để được nghe chuyện về hai bạn đồng đạo mà chàng nói là không thể nào bỏ lại, và chuyện về ba vị khác trong buổi gặp mặt hôm nay.

Mọi người, đặc biệt là hoàng đế, đều cho chuyện của khất sĩ thứ nhất là kỳ lạ. Sự có mặt của những tên nô lệ đang cầm gươm cũng không ngăn được nhà vua rỉ tai tể tướng: “Từ khi có trí khôn, ta đã nghe rất nhiều chuyện, song chưa bao giờ nghe được một chuyện nào có thể sánh với chuyện chàng khất sĩ kia”.

Trong khi nhà vua nói như vậy thì chàng khất sĩ thứ hai cất lời, nói với Zôbêít.

Truyện cổ tích: Chàng khất sĩ thứ nhất, con vua - 4

Bài học hay từ truyện cổ tích

Câu chuyện nói về cuộc đời đầy sóng gió của một chàng hoàng tử đáng thương.

Câu chuyện nói về cuộc đời đầy sóng gió của một chàng hoàng tử đáng thương.

Truyện cổ tích: Mười hai chàng lười
Câu chuyện nhắc nhở chúng ta phải cố gắng chăm chỉ làm việc, để tìm kiếm cho mình một cuộc sống tốt đẹp và thành công hơn.

Dạy con 3-5 tuổi

Theo Thi Thi Dịch từ: Sohu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con vâng lời