Câu chuyện cho thấy nếu có trí thông minh và sự bình tĩnh, dù nhỏ yếu cũng có thể thắng được một kẻ thù lớn mạnh hơn.
Nội dung truyện cổ tích hổ và thỏ
Hổ bị thỏ chơi một mẻ mất mặt, thề từ nay không đội trời chung với thỏ. Một hôm, hổ đi chơi gặp thỏ đang trèo cây ăn mật ong. Hổ đứng đón dưới gốc, trừng mắt bảo thỏ:
– Mày đừng có hòng chạy nữa nhé! Tao tìm mày lâu lắm rồi. Muốn tốt xuống đây nộp mạng!
Thỏ bèn làm kế hoãn binh:
– Ông làm ơn cho tôi đánh một hồi trống rồi tôi xin xuống để ông bắt tội.
– Được, hổ trả lời.
Thỏ giơ tay giả làm điệu bộ đánh trống liên hồi vào tổ ong. Bấy giờ tiếng ong bay vù vù, văng vẳng có âm thanh phát ra làm cho hổ nghe tưởng là trống thật. Thích quá, hổ bảo thỏ:
– Mày cho tao đánh với!
– Ông đánh cũng được thôi – thỏ đáp – nhưng có điều, ông mà đánh thì tôi sẽ điếc tai long óc mất. Vậy ông làm ơn để tôi đi thật xa đây đã, bao giờ không nghe tiếng hú của tôi nữa thì hãy đánh.
Thế là hổ ta quên mất việc trị tội thỏ, để cho thỏ nhảy xuống chạy trốn mất. Khi không còn nghe tiếng hú, hổ mới trèo lên cây, đánh mạnh vào tổ ong. Tổ ong vỡ ra, cả bầy ong xông tới đốt cho hổ tối mày tối mặt.
Hổ kinh hoàng sẩy chân rơi xuống đất đau điếng cả người. Nhưng ong vẫn không tha, hổ chạy đến đâu chúng đuổi theo đến đó, đốt cho mặt sưng húp mới chịu thôi. Hổ biết là mắc mưu thỏ, giận bầm gan tím ruột.
Hôm khác hổ tình cờ gặp lại thỏ đang đứng bên bụi tre. Hổ chặn đường hét:
– Mày làm ông khốn nạn bao nhiêu phen rồi? Thôi, đứng đó cho ông trị tội.
Ảnh minh họa.
Thỏ nghĩ ra được một kế khác, nói:
– Ông hãy cho tôi gẩy một khúc đàn cha ông nghe đã rồi tôi sẽ để ông bắt tội. Tôi không dám trốn đâu mà ông lo.
Hổ bằng lòng. Thỏ liền nhảy lên bụi tre giả làm như cách gảy đàn. Kỳ thực, lúc nào gió thổi hai cây tre sắp cọ vào nhau thì nó rút chân ra, lúc hai cây tre rời nhau thì nó đút chân vào.
Tiếng tre cót két làm vui tai hổ, cho nên hổ lại bảo thỏ:
– Mày để cho tao gảy một lúc chơi.
Thỏ nói:
– Ông cứ gảy tùy thích, những chơi cho khéo kẻo hỏng mất đàn của tôi đi!
– Mày dạy tao cách gảy thế nào đã.
– Tay ông to quá đánh hỏng đàn mất. Vậy ông hãy cứ đánh bằng đuôi thì tốt hơn. Đây này! Cứ lúc nào hai cây tre rời nhau thì ông cho đuôi vào giữa, thế là nó bật thành tiếng nghe rất thú.
Nhưng ông hãy chờ cho tôi đi xa đây đã. Nói rồi, thỏ nhảy xuống, ba chân bốn cẳng chạy mất. Còn hổ làm đúng như lời của thỏ, bị tre nghiến đứt mất một khúc đuôi. Hổ đau đớn không thể nói hết, gầm rống vang trời, trông bộ dạng rất thiểu não. Hắn quyết bắt cho được thỏ xé xác ra mới hả dạ.
Bẵng đi một ít lâu, hổ lại gặp thỏ. Nhưng lần này đang lúc thỏ vô ý sa xuống một cái hố sâu không làm sao lên được. Thấy mặt hổ, thỏ vội gọi:
– Trời ơi! Ông còn chưa biết ư? Mau lên không thì nguy khốn đến nơi rồi!
Hổ nghe nói thế, cuống lên hỏi lại thỏ:
– Thế nào? Nói mau!
– Ông ơi – thỏ đáp – ông có thấy gió thổi ào ào, cây cối rung chuyển đó không, đó là dấu hiệu trời sắp sập rồi, chỉ còn một cách nhảy xuống đây mới có thể thoát được mà thôi!
– Thật thế à? Cho tao xuống với nhé!
– Ông xuống ngay đi! Ở lại trên đó là chết bẹp xác.
Thế là hổ không suy nghĩ gì nữa nhảy ngay xuống hố sâu, trong lòng lo ngay ngáy không còn nghĩ gì đến chuyện trị tội thỏ nữa. Thấy thế, thỏ tìm cách chọc hổ chơi. Bèn dùng tay cù vào nách hổ. Hổ không chịu được lối đùa nghịch của thỏ, mắng:
– Yên. Mày nghịch như quỷ ấy! Nếu còn như thế nữa tao sẽ không đánh mày mà quẳng mày lên trên kia, cho trời sập đè bẹp xác.
Thỏ chỉ yên lặng được một chốc rồi lại lẻn tới cù hổ. Tức mình, hổ nắm lấy hai chân thỏ vứt lên miệng hố. Thỏ đắc mưu, chạy một mạch vào làng báo cho mấy ông thợ săn biết. Lập tức họ vác cung tên giáo mác đến hố giết chết hổ.
Thử tài trí nhớ qua những câu đố vui