Trần Nhật Duật nhẹ nhàng vẫy mấy tiểu đồng tới gần, tự tay mở tráp, lấy ra những chiếc vòng bạc long lanh sáng trắng...
Nội dung truyện cổ tích sứ giả hòa bình
Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là hoàng tử thứ 6 con vua Trần Thái Tông. Ông nổi tiếng thông minh, hiểu nhiều biết rộng. Ngoài 20 tuổi, ông đã được phong tước Vương, đặc trách việc giao dịch với các dân tộc trong nước và ngoài nước. Đối với các dân tộc thiểu số trong nước, Nhật Duật không chỉ biết tiếng mà còn hiểu cảnh, hiểu người.
Ông sử dụng thành thạo tiếng Hán và tiếng Chăm, am hiểu phong tục tập quán chi li nhất của các nước đó. Tiếp sứ thần của triều đình nhà Nguyên, có lần, Trần Nhật Duật cùng uống rượu và trò chuyện vui vẻ suốt cả ngày khiến sứ Nguyên nhất định cho rằng Nhật Duật là người Hán sang làm quan bên nước Đại Việt.
Năm 27 tuổi, Nhật Duật lần đầu tiên cầm đầu một đạo quân lớn đi chinh chiến phương xa, với nhiệm vụ dẹp cuộc nổi loạn của Trịnh Giác Mật – chúa đạo Đà Giang. Đoàn quân tiến sâu vào miền núi rừng trùng điệp, đến gần trại quân của Giác Mật thì được thư của Giác Mật viết rằng: Nếu Trần Nhật Duật một mình một ngựa đến thì Giác Mật sẽ xin ra hàng. Gửi thư này, Giác Mật định dụ chủ tướng của triều đình tới, nếu Nhật Duật non nớt, chỉ có hư danh, sẽ giết luôn, còn nếu đúng là người thực tài, sẽ xin giảng hoà.
Ảnh minh họa.
Các tướng sĩ cho đây là quỷ kế của địch, ra sức can ngăn Nhật Duật. Nhưng Nhật Duật đọc kĩ lá thư, quyết định nhân kế này xoay chuyển tình thế, khiến Giác Mật thuận về với triều đình, liên kết lâu bền, cùng chuẩn bị chống giặc Nguyên. Thế là ông một mình một ngựa đến trại Giác Mật, chỉ mang theo mấy tiểu đồng.
Con ngựa trắng của Nhật Duật đi thủng thỉnh giữa những hàng quân dữ tợn lăm lăm gươm giáo. Giác Mật cố ý dàn quân phô trương, doạ nạt nhưng vẻ mặt Nhật Duật vẫn lặng lẽ, thản nhiên. Chỉ có mấy tiểu đồng, khi đến sát ngôi nhà sàn của Giác Mật, nghe tiếng quát và thấy đám quân chĩa ra một loạt mũi giáo nhọn hoắt thì mặt tái xanh, tai đỏ bừng.
Trần Nhật Duật thong thả bước lên nhà sàn, vừa chỉ vào những đôi tai đỏ ửng của mấy tiểu đồng, vừa điềm nhiên nói với Trịnh Giác Mật bằng ngôn ngữ của dân tộc Đà Giang:
– Lũ tiểu đồng của ta khi đi đường thì nóng tai trái, vào đến đây thì nóng tai phải.
Chúa đạo Đà Giang cùng đám thủ lĩnh sững sờ kinh ngạc. Những tiếng rì rầm nổi lên:
Người này là ai mà nói tiếng dân tộc ta giỏi vậy? Lại còn biết nóng tai trái là có người ngoài đợi, nóng tai phải là có người thân trông ngóng.
Nhật Duật làm như không nghe thấy những tiếng bàn tán xôn xao, đàng hoàng phân ngôi chủ khách, cùng Trịnh Giác Mật ngồi giữa nhà. Mâm rượu đã bày sẵn. Chúa đạo Đà Giang vừa nheo mắt thách thức, vừa đưa tay mời: chỉ có một quả bầu cắt đôi, sóng sánh một thứ rượu ngâm và một đĩa thịt nai muối. Trần Nhật Duật không chút ngần ngại, bình thản nhón một miếng thịt, rồi vừa nhai vừa ngửa mặt, cầm gáo rượu từ từ dốc vào mũi, uống ăn hết sức thành thạo.
Giác Mật không kìm được lòng thán phục:
– Vua Trần vẫn nói Chiêu Văn Vương chính là anh em của người miền núi chúng ta, quả đúng thế chăng?
Khi ấy, Nhật Duật mới nhìn thẳng vào mắt Giác Mật, hỏi lại:
– Chúng ta xưa nay vẫn là anh em. Triều đình đối với dân Đà Giang xưa nay không có điều tiếng gì, cớ sao gây chuyện bất hoà?
Những tiếng kêu nhao nhao khắp nhà nổi lên:
– Nó là anh em với ta!
– Chúng ta là anh em với nhau thôi!
Trần Nhật Duật nhẹ nhàng vẫy mấy tiểu đồng tới gần, tự tay mở tráp, lấy ra những chiếc vòng bạc long lanh sáng trắng, trao tận tay cho từng thủ lĩnh đạo Đà Giang. Những người cầm đầu đạo Đà Giang sung sướng đón nhận những tặng phẩm kết nghĩa đúng với phong tục cổ truyền của mình.
Thử tài trí nhớ qua những câu đố vui