Câu chuyện ca ngợi Thánh Gióng như là biểu tượng lớn của dân tộc trong thời kỳ đầu tranh bảo vệ đất nước.
Nội dung truyện cổ tích Thánh Gióng (Truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương)
Ngày xưa có ông Đổng cao lớn lạ thường. Đầu đội trời, chân đạp đất, vai chạm mây. Ông cào đất thành đồng ruộng, vun đá thành đồi gò, xẻ cát thành sông bãi.
Ông bước dài từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Tiếng ông vang thành sấm. Mắt ông sáng lóe chớp lửa. Ngày nay dấu cân ông còn ở nhiều nơi.
Ở làng Gióng Mốt (Bây giờ là thôn Đông Viên, xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), có người đàn bà nghèo, đã già mà không có con. Bà sống một mình, ngày ngày chăm bốn luống cà và ra đồng bắt ốc mò cua đổi gạo nuôi thân.
Một đêm mua to gió lớn, sấm chớp hãi hùng, ông Đổng về hái cà ở làng Kẻ Đổng (tức làng Gióng Mốt). Ông đã để lại một dấu chân to “vừa tày năm gang” trong vườn bà lão.
Sáng hôm sau bà ra thăm cà, giẫm phải dấu chân ấy. Và bà có mang. Bà đẻ ra đứa con trai đặt tên là Gióng. Trong ba năm liền Gióng cứ nằm yên không nói.
Ảnh minh họa.
Lúc bấy giờ có giặc Ân sang xâm lược nước ta. Chúng rất tàn bạo. Chúng bắt dân trồng ngược cây, cây chết thì chúng giết.
Chúng bắt đàn ông trai trẻ đi cắt cỏ cho ngựa đá chúng ăn, ngựa đá không ăn chúng giết. Bấy giờ là đời Hùng Vương thứ sáu. Các tướng của vua đều bị thua. Vua phải cho sứ đi cầu người tài để đánh giặc.
Gióng đang nằm im, nghe tiếng loa của sứ vua bèn cất tiếng nói với mẹ mời sứ vào. Bà mẹ giật mình kinh sợ, nhưng cũng theo lời con ra mời sứ giả của vua. Gióng bèn dõng dạc bảo sứ về nói với nhà vua đúc ngựa sắt, nón sắt, áo sắt và gươm sắt để đi đánh giặc.
Vua Hùng y lời, cho tập trung sắt của các kho, tập trung thợ rèn cả nước lại, để đúc các thứ mà Gióng đòi. Khi sứ đem các thứ đến, Gióng đứng dậy vươn mình thành người khổng lồ như Đổng cha. Bà mẹ đã dọn cho Gióng một bữa cơm cà.
Nhưng thấm vào đâu với thân thể to lớn của Gióng. Cả dân làng phải góp gạo, góp cà lại mới đủ “bảy nong cơm ba nong cà” cho Gióng ăn.
Ăn xong, Gióng mặc áo sắt, áo rất to mà vẫn không kín được mình. Dóng đội nón sắt, cầm roi sắt, nhảy phắt lên mình ngựa.
Vỗ một cái, ngựa thét ra lửa cháy cả một bãi ruộng, ngày nay là làng Cháy (cạnh Phù Đổng), rồi lao vút như bay, làm bão táp nổi lên xiêu bạt cả ngàn cây nội cỏ. Chân ngựa giẫm lún cả đất tạo thành ao chuôm, phân ngựa rơi vãi ra thành đá ong cứt sắt.
Gióng nhắm thẳng hướng núi Trâu ở Vũ Ninh, nơi giặc Ân đóng mà phi ngựa tới. Dọc đường qua Hội Xá, có đoàn trẻ chăn bò, nghe lời Gióng gọi, buộc trâu bò lại theo Gióng.
Chúng thấy Gióng mặc áo sắt không kín, hở cả lưng, bèn lấy bông lau dắt thêm vào. Một người câu cá bên sông, thấy thế cũng vác cả cần câu chạy theo luôn. Mấy người mang nỏ đi săn ở gần đấy cũng nhập vào. Ở làng Trung Mầu, có một người đang vồ đập đất giữa ruộng, cũng vội vác vồ theo.
Giặc Ân bị ngựa sắt phun lửa, roi sắt quật ngã chết như rạ. Ngựa đá của giặc bị sứt đầu. Roi sắt gãy làm đôi. Gióng nhổ luôn những bụi tre ngà quay tít vút xuống đầu giặc. Thắng trận, Gióng buộc ngựa vào hai cọc đá lớn, ngồi nghỉ. Ngựa sắt sùi bọp mép thành bãi cát trắng xóa.
Trên đường về, Gióng vượt sông Hồng, tắm ở Hồ Tây, bỏ đoạn roi sắt còn lại ở đó, rồi nhằm thẳng Sóc Sơn ruổi ngựa.
Hai bên đường Gióng đi, ngựa sắt đều để lại vết chân thành hai dãy ao chuôm và giếng. Đến núi Sóc Sơn, Gióng ghìm cương, ngựa hí và giẫm chân quay bốn phía. Bây giờ ở đấy có nhiều ao chuôm là vì thế.
Gióng nhìn đất nước lần cuối, rồi phóng thẳng lên đỉnh cao, cởi áo sắt vứt lên cây trầm, trong nháy mắt cả người lẫn ngựa vụt biến lên mây.
Bây giờ dấu chân ngựa còn đó, in thành một lõm sâu bên sườn núi; “cây cởi áo” cũng còn đó trên đỉnh núi Phù Mã gần với dãy Tam Đảo nhìn bao quát cả vùng trung châu.
Thử tài trí nhớ qua những câu đố vui