Tiến sĩ Tâm lý Malie Coyne, Đại học Quốc gia Ireland cho biết, cha mẹ không cần phải làm mọi cách để trở nên hoàn hảo, chỉ cần “đủ tốt” là có thể nuôi dạy con cái hạnh phúc hơn.
Không thể phủ nhận những mặt tích cực khi cha mẹ là người cầu toàn, luôn muốn cuộc sống, công việc luôn được hoàn thành một cách tốt nhất. Nhưng đâu đó, chủ nghĩa hoàn hảo đang giết dần cảm xúc và cả những ước mơ của chính cha mẹ và con cái.
Cha mẹ muốn ngôi nhà sạch sẽ, gọn gàng, mọi thứ vào trật tự tăm tắp. Hay dù con đã cố gắng hết sức nhưng vẫn chưa đạt top 3 của lớp và bạn cảm thấy mình chưa dành đủ thời gian để dạy con học.
Sau một ngày làm việc vất vả, về nhà và thấy mọi thứ ngổn ngang, bạn lao vào lau dọn trong điên cuồng và sau đó trút mọi bực dọc lên bạn đời và con cái.
Cha mẹ lo sợ con sẽ hư nếu bản thân không nghiêm khắc, và lo lắng tương lai của con sẽ bấp bênh nếu không được vào trường chuyên, lớp chọn.
Thomas Curran, nhà tâm lý học xã hội và nhân cách người Anh đã nghiên cứu đặc điểm tính cách của chủ nghĩa hoàn hảo, cách nó phát triển và tác động của nó đối với sức khỏe tâm thần, ông đã tiến hành xem xét một bảng câu hỏi được trao cho các nhóm người trẻ trong nhiều thập kỷ.
Cuối cùng ông và nhóm của mình phát hiện ra các sinh viên đại học hiện tại nhận thấy cha mẹ của họ kỳ vọng hơn các thế hệ trước. Nghiên cứu này đã phát hiện ra khi sự kỳ vọng và chỉ trích của cha mẹ tăng lên, tỷ lệ trẻ vị thành niên theo chủ nghĩa hoàn hảo cũng tăng theo.
Nguyên nhân của việc cha mẹ muốn trở nên hoàn hảo?
Nguyên nhân đầu tiên là ám ảnh tuổi thơ vì có cha mẹ chưa thực sự tài giỏi. Nhiều người có tuổi thơ đầy giông bão khi bị chính cha mẹ ruột bỏ bê, lạm dụng.
Khi trở thành cha mẹ, họ luôn khát khao con mình có thể hưởng những thứ tốt nhất, đối xử với con một cách công bằng nhất và đặt ra cho chính mình những yêu cầu khắt khe của một bậc cha mẹ tốt. Nguồn gốc sâu thẳm của sự ám ảm này chính là những tổn thương chưa được chữa lành.
Thứ hai, những người có thành tích cao ở nơi làm việc cũng sẽ cảm thấy cần phải thành công trong các lĩnh vực khác của cuộc sống. Sự tán dương, ca ngợi từ người khác có thể là nguồn động lực để cá nhân này nỗ lực hơn nhưng cũng có thể là con dao hai lưỡi khiến họ cố gắng bằng mọi giá để nhận được sự công nhận từ bên ngoài này.
Thứ ba, sự áp lực từ hoàn cảnh sống, nền kinh tế, xã hội. Các bà mẹ đang đi làm thường cho biết mức độ căng thẳng lớn hơn trong việc bởi phải “cố gắng làm tất cả”.
Một số bậc cha mẹ mong muốn con trở nên hoàn hảo nên thường đặt quá nhiều kỳ vọng vào con.
Một cuộc khảo sát của Care.com đã ghi nhận những tổn thất về tinh thần mà căng thẳng này có thể gây ra đối với một người mẹ đang đi làm. Khoảng 80% người cảm thấy căng thẳng khi phải cố gắng hoàn thành mọi việc, 79 % cảm thấy như thể họ đang bị tụt lại phía sau và hơn 50% lo sợ họ đang bỏ lỡ những mốc thời gian quan trọng hàng ngày trong cuộc sống của gia đình họ như việc phải cho con ăn, dạy con học…
Các ông bố cũng thường cảm thấy mêt mỏi khi nuôi dạy con cái. Một cuộc khảo sát năm 2015 từ Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy gần 50% các ông bố nói họ chỉ làm tốt hoặc xuất sắc vai trò làm cha mẹ. Nghĩa là 50% còn lại không tự cho mình điểm cao trên phương diện làm cha.
Mặc dù khảo sát này cho thấy các ông bố ngày nay trung bình dành thời gian cho con cái của họ gấp ba lần so với thời gian của những ông bố vào năm 1965. Tuy nhiên, gần một nửa trong số họ cảm thấy không dành đủ thời gian cho con cái.
Vậy cha mẹ nên làm thế nào để nuôi dạy con cái hạnh phúc hơn?
Dù là lý do nào, sự cầu toàn quá mức luôn khiến cha mẹ cảm thấy kiệt sức hơn là hạnh phúc trong quá trình nuôi dạy con cái.
Tiến sĩ Tâm lý Malie Coyne, Đại học Quốc gia Ireland, Galway cho biết, cha mẹ không cần phải làm mọi cách để trở nên hoàn hảo, chỉ cần “đủ tốt” là có thể trở thành bậc cha mẹ mà mọi đứa trẻ khao khát, nuôi dạy con cái hạnh phúc hơn. Vậy thế nào là cha mẹ “đủ tốt”? Dưới đây là 3 cách thực hành.
Học cách tin tưởng vào khả năng làm cha mẹ của chính mình
Là cha mẹ chúng ta đều mong muốn những điều tốt nhất cho con cái. Nhiều thế hệ trước đây không được đào tạo một cách bài bản trong việc thấu hiểu tâm lý chính bản thân, hay tâm lý trẻ em. Hậu quả là để lại là việc áp dụng nhiều phương pháp nuôi dạy chưa phù hợp.
Ngày nay, việc làm cha mẹ trở nên thông thoáng hơn khi rất nhiều khóa học, có nhiều nguồn cung cấp kiến thức nuôi dạy trẻ. Nhiệm vụ của cha mẹ là tìm đọc, học hỏi và thực hành nhưng đừng quên sàng lọc và lắng nghe “người thầy bên trong” chính mình để trở cha mẹ đủ tốt.
Sự đồng hành và phương pháp nuôi dạy phù hợp của cha mẹ là chìa khóa giúp trẻ phát triển tốt hơn.
Để không bị chìm ngập trong lời khuyên, cha mẹ cần việc học cách lắng nghe sự khôn ngoan bên trong của chính mình và nuôi dưỡng sự tự tin của bản thân để đưa ra lựa chọn về lời khuyên nào nên tuân theo nào, và lời khuyên đó phù hợp với hoàn cảnh riêng của chính mình hay không. Nó bao gồm học cách tin tưởng vào bản thân, thành thực với chính và bao dung với cả những sai lầm và thiếu sót của mình.
Khi chúng ta gặp phải những lời phán xét từ bên ngoài về cách mình nuôi dạy con hay về biểu hiện của con mình chẳng mấy “lọt tai”, hãy dừng lại và hít thở sâu một lúc, cho bộ não có một khoảng thời gian để nghỉ ngơi và giúp cảm xúc bên trong không bị chuyển thành cơn thịnh nộ.
Hãy hiểu khi bị ai đó phán xét, họ đang phóng chiếu sự thiếu thốn của trong tâm khảm họ lên con người mình hoặc những điều họ không thích ở bản thân họ lên chính mình.
Bỏ qua những lớp vỏ bọc hoàn hảo
Nhiều cha mẹ vì “sĩ diện” mà cố gắng tỏ ra bản thân là bậc cha mẹ hoàn hảo. Nếu không tạo ra những lớp “vỏ bọc” như vậy, họ lo sợ bị đánh giá là bậc cha mẹ thất bại, không biết dạy con. Trung thực với bản thân và chấp nhận những thiếu sót của bản thân chẳng phải là việc làm dễ dàng gì.
Nhưng không có nghĩa là chúng ta cứ gồng mình lên tỏ ra mình là viên ngọc không hề trầy xước. Kim cương trước khi trở thành kim cương đều đã trải qua quá trình mài dũa nhiều ngày. Thay vì cố gắng che đậy những điểm chưa hoàn hảo của mình, chúng ta hoàn toàn có thể nhìn vào khía cạnh tích cực và biến điểm chưa hoàn hảo này thành sự độc đáo riêng biệt mà người khác không có.
Khi cố gắng tỏ ra hoàn hảo, cha mẹ có thể sẽ gửi sai thông điệp đến trẻ, hiệu suất quan trọng hơn phẩm chất bên trong, kinh nghiệm và nỗ lực. Con sẽ không nhìn thấy ý nghĩa thật sự của việc mắc lỗi và đúc kết ra bài học và trưởng thành từ những sai lầm này.
Chia sẻ và thường xuyên trò chuyện có thể tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và con con một cách tự nhiên.
Hãy nghĩ xem, cuộc sống của gia đình sẽ trở nên thế nào khi không có những va vấp, thiếu sót? Chúng ta học qua những sai lầm và cũng trưởng thành qua những sai lầm.
Sự hoàn hảo còn đặt ra cho trẻ những kỳ vọng không thực tế về bản thân khi chúng cố gắng hết sức nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của cha mẹ.
Từ đó con trẻ dễ nảy sinh cảm giác tự ti, mặc cảm, thậm chí là buông xuôi. Làm sao ter có thể xây dựng được sự tự tin nội tại, tính kiên cường đương đầu với mọi khó khăn khi cha mẹ chưa bao giờ chấp nhận con đã làm đủ tốt? Sự hoàn hảo biến con người thành nô lệ cho những đòi hỏi không có điểm dừng.
Ngoài ra, niềm tin bản thân và con cái mình phải trở nên hoàn hảo tạo ra cảm giác thiếu thốn, cô đơn và tự trách. Từ đây, mối quan hệ rạn nứt nảy sinh tự nhiên trong mỗi gia đình và đẩy con cái xa cách bố mẹ nhiều hơn.
Khi có điều gì đó không ổn xảy ra, thay vì đổ lỗi cho bản thân hoặc con, hãy cố gắng xem nhu cầu đằng sau hành vi đó. Nhìn nhận nỗi đau của con một cách nghiêm túc và thừa nhận trải nghiệm này là có giá trị vì nó mang lại cho con cảm giác được chấp nhận và xây dựng sự đồng cảm cho con.
Hòa giải với bản thân để tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của “cái tôi hoàn hảo”
Tất cả việc nuôi dạy con cái đều bắt đầu từ mỗi người chúng ta. Cách mỗi người nhìn nhận bản thân có ảnh hưởng rất lớn đến việc con cái sẽ nhìn bạn và chính bản than mình như thế nào, vì bạn là tấm gương phản chiếu cảm xúc của con.
Nếu muốn trẻ em yêu thương bản thân và chấp nhận con người của chúng, chúng ta cần phải nỗ lực yêu thương và chấp nhận con người của chính mình. Điều này không dễ dàng đối với nhiều người. Mỗi người bước vào vai trò làm cha mẹ với một “hành lý cảm xúc” kèm theo chấn thương tâm lý tuổi ấu thơ (nếu có) mà chúng ta có thể chưa xử lý được.
Bản thân mỗi bậc cha mẹ cần làm hình mẫu cho con trong việc chấp nhận những điểm chưa hoàn hảo ở bản thân mình, từ đó dễ dàng nuôi dạy con hạnh phúc hơn.
Những mô thức này chỉ bộc lộ khi chúng ta trở thành cha mẹ. Khi chúng ta mơ hồ nhận ra mình sao chép một phần hoặc hoàn toàn cách cha mẹ mình đối xử với mình thuở bé. Cách bạn tương tác với con sẽ lặp đi lặp lại cho đến khi bạn nhận ra và quyết tâm thoát khỏi mô thức độc hại này để chuyển hóa bản thân và trao quyền cho con cái.
Việc có con có thể khiến nhiều cha mẹ trở lại những ám ảnh tuổi thơ, khiến chúng ta phải đối mặt với những cảm xúc không mong muốn nhưng cũng là cơ hội để chính chúng ta trưởng thành, học cách hòa giải với chính mình và thôi không lặp lại với những đứa con mình.
Để trở thành một bậc cha mẹ điềm tĩnh, yêu thương và cảm thông, chúng ta cần phải chăm sóc bản thân thật tốt. Nếu cảm thấy quá tải, cho phép bản thân mình nghỉ ngơi và yêu cầu được giúp đỡ. Bản thân mỗi bậc cha mẹ cần làm hình mẫu cho con trong việc chấp nhận những điểm chưa hoàn hảo ở bản thân mình. Khi bạn chấp nhận chính mình, con cái sẽ tự chấp nhận chúng.