Là bố mẹ dù có yêu thương con đến đâu, khi có thêm 1 con nghĩa là có thêm một mối quan tâm lớn, điều này vô tình tạo áp lực cho đứa con đầu.
Nhiều phụ huynh cho rằng, gia đình có thêm thành viên đáng yêu sẽ khiến bầu không khí trở nên vui vẻ và náo nhiệt hơn. Bé lớn sẽ có thêm em bầu bạn và cùng động viên nhau học hành, đó chính là viễn cảnh ngọt ngào mà các bậc phụ huynh mong muốn nhìn thấy. Tuy nhiên, con thứ 2 không chỉ mang đến niềm vui trong gia đình mà còn kéo theo những thách thức cho bố mẹ, nổi bật nhất có thể nói là mối quan hệ giữa bé lớn và bé nhỏ.
Suy cho cùng, là bố mẹ dù có yêu thương con đến đâu, khi có thêm 1 con nghĩa là có thêm một mối quan tâm lớn. Cha mẹ chắc hẳn phải san sẻ bớt sự chăm sóc của bé lớn một chút. Điều này có thể khiến trẻ không thích em mình.
Ảnh minh họa.
Trong chương trình Thiếu niên nói phát sóng ngày 09/3/2020, cô bé Nguyễn Thị Thanh Mai, lớp 4A Trường Tiểu học Thái Sơn đã khiến nhiều người lớn phải suy ngẫm khi chia sẻ câu chuyện của mình. Cụ thể cô bé gửi lời xin lỗi vì những sai phạm của mình mà làm bố mẹ buồn, và kèm mong muốn "Mẹ ơi, có thể yêu thương con bằng chị hai và em được không"?
Đứng trên bục, bé Mai đã khóc và nức nở khi chia sẻ: “Cảm ơn mẹ vì đã chăm sóc con, xin lỗi mẹ vì những lần con không nghe lời mẹ nhưng con có một điều muốn nói rằng mẹ hãy thương con bằng chị Hai và em được không vì những lần con xin mẹ đi chơi hoặc làm gì đó mẹ thường không cho nhưng em và chị Hai xin thì mẹ lại cho”. Chia sẻ này khiến bố mẹ cô bé không khỏi bối rối.
Trong gia đình, Mai là con thứ, bé còn có một chị gái và 2 người em, cô bé nhận thấy bản thân không được bố mẹ đối xử và yêu thương như chị và các em. Sau khi lắng nghe tâm ý của bé Mai, bố mẹ cô bé đã lý giải nguyên nhân vì sao họ đối xử đặc biệt giữa các anh chị em khác với Mai, đồng thời khẳng định tình yêu của bố mẹ dành cho các con là như nhau, tuy nhiên vì tính cách khác biệt của mỗi đứa con mà họ lại thể hiện tình cảm theo cách khác nhau.
Cô bé Mai chia sẻ câu chuyện của gia đình mình trong chương trình Thiếu Niên Nói - Nguồn ảnh: Thiếu Niên Nói.
Câu chuyện của cô bé Mai khiến nhiều người không khỏi xúc động vì cuối cùng cô bé cũng hiểu được tình thương mà bố mẹ dành cho mình, nhiều gia đình đông con có thể nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong câu chuyện này.
Chính vì vậy, nếu có ý định có con thứ 2, bố mẹ cần chuẩn bị tinh thần cho con đầu của mình, để sau này không phải xảy ra những tình huống khó xử như trên.
Tạo cho con cảm giác chính con cũng mong chờ em xuất hiện
Cha mẹ đừng nghĩ một đứa trẻ vài tuổi thì biết gì, chỉ cần sau khi em bé chào đời để hai đứa trẻ mất chút thời gian làm quen với nhau là ổn. Thực tế việc "hỏi ý kiến" bé lớn về việc sinh con thứ hai như "Mẹ đẻ thêm em bé chơi với con nhé", điều này sẽ khiến bé có cảm giác như bé cũng là người mong chờ có em bé.
Để tạo tình cảm anh em thắm thiết, bố mẹ có thể hỏi thăm dò suy nghĩ của bé về việc trẻ muốn có thêm em hay không.
Việc bố mẹ cho con lớn làm quen với em nhỏ từ khi còn trong bụng mẹ cũng khiến bé không phải chào đón em trong sự bất ngờ, chưa kịp chuẩn bị tâm lý. Điều đó tránh được những cảm xúc tiêu cực ở trẻ, khiến trẻ vui vẻ tiếp nhận sự có mặt của thành viên mới trong gia đình hơn.
Đừng trêu chọc bé lớn
Người lớn thường hay có câu cửa miệng trêu đùa khi trẻ chuẩn bị có em: "Sắp ra rìa rồi nhé!".
Câu nói đùa này có tác động rất xấu tới tâm lý của đứa trẻ và khiến cho trẻ phản đối việc có thêm em. Những lúc như vậy, cha mẹ chỉ cần ôm con vào lòng và thủ thỉ: "Dù có thêm em trai hay gái, cha mẹ vẫn luôn yêu con!".
Dù ở độ tuổi nào trẻ cũng sẽ ghen tị khi có thêm em.
Hãy cho con lớn cùng trải nghiệm những thay đổi thú vị của em bé trong lúc thai kỳ
Trong suốt thời gian người mẹ mang thai đứa con thứ hai, bất kể thai nhi có thay đổi như thế nào, động cựa trong bụng mẹ ra sao, khi có cơ hội hãy cho đứa con lớn cùng trải nghiệm.
Làm như vậy, bé lớn thấy thích thú vì được quan sát sự phát triển từng ngày của em bé, qua đó sẽ khiến anh/chị gần gũi và phát triển tình cảm với em bé hơn.
Hơn nữa, khi được mẹ chia sẻ quá trình phát triển của em bé, anh chị sẽ cảm nhận được vai trò của mình trong gia đình và không có cảm giác bị ra rìa.
Khi được mẹ chia sẻ quá trình phát triển của em bé, anh chị sẽ cảm nhận được vai trò của mình trong gia đình và không có cảm giác bị ra rìa.
Sau khi em bé chào đời, cha mẹ hãy cùng anh hoặc chị chăm sóc em
Bố mẹ tìm mọi cách để anh chị em được gần gũi nhau hơn, phát triển tình cảm của hai đứa trẻ từ việc cho anh chị bế em, chơi với em. Đừng luôn lo sợ đứa con lớn còn vụng về, sẽ làm em đau, ngã. Và đặc biệt đừng nói với con kiểu: "Con tránh xa em ra không làm em đau, đừng làm phiền khi em ngủ" bởi làm như vậy anh/chị sẽ không còn thấy thích em nữa và bực bội trong lòng.
Bố mẹ hãy tìm mọi cách để anh chị em được gần gũi nhau hơn, phát triển tình cảm của hai đứa trẻ từ việc cho anh chị bế em, chơi với em.