T.S Vũ Thu Hương nêu lý do những kẻ xâm hại trẻ em thường là người thân quen

Hạ Mây - Ngày 20/04/2021 10:49 AM (GMT+7)

Từ vụ việc bé gái 5 tuổi ở Vũng Tàu bị hàng xóm xâm hại, T.S Vũ Thu Hương đã có những chia sẻ chân tình giúp cha mẹ có cách giáo dục trẻ tự bảo vệ bản thân tốt hơn.

T.S Vũ Thu Hương nêu lý do những kẻ xâm hại trẻ em thường là người thân quen - 1

Hiện nay, tình trạng xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động. Theo thống kê của Bộ Công an, gần 6.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện trong giai đoạn 2011-2015 và 645 vụ được phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2016 nhưng con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều.

Nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là dưới 16 tuổi, nhiều bé còn chưa đến tuổi đi học, thậm chí có những em bé chưa đầy 2 tuổi đã trở thành nạn nhân của những kẻ xâm hại.

Nghiêm trọng hơn, thủ phạm của nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em là chính những người thân thiết, thường xuyên tiếp xúc với trẻ. Theo số liệu do Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 công bố: Trong năm 2017-2018, 86% số trẻ bị xâm hại bởi thủ phạm là chính người thân, quen. Trong đó, người quen, hàng xóm chiếm 59%, giáo viên, nhân viên nhà trường là 6%, người thân trong gia đình như bố đẻ, bố dượng, cậu, bác, anh, em họ… chiếm trên 21%.

Từ vụ bé gái Vũng Tàu bị xâm hại

Những ngày gần đây dư luận xôn xao vụ việc bé gái 5 tuổi tên P.N.Q.N. tại Vũng Tàu bị hàng xóm xâm hại, bé N được người thân phát hiện cháu đang nằm ở một khu đất trống cách nhà 300m, trong tình trạng không mặc quần áo, miệng sùi bọt mép. Gia đình nhanh chóng đưa nạn nhân đến Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu nhưng cháu N. đã tử vong trước đó. Nghi can được xác định là Phạm Văn Dũng (46 tuổi, quê Hải Phòng), hiện đang sinh sống gần nhà nạn nhân.

T.S Vũ Thu Hương nêu lý do những kẻ xâm hại trẻ em thường là người thân quen - 2

Hiện trường vụ án nơi xảy ra vụ việc.

Sự việc trên như một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở cha mẹ cần sớm có những phương pháp giáo dục cho con mình ngay từ khi còn nhỏ, để trẻ hình thành ý thức bảo vệ bản thân khỏi những kẻ xấu, tránh để mọi chuyện quá muộn màng.

Thực tế, không có cha mẹ nào lại muốn những chuyện tồi tệ như thế xảy ra với con mình, ai cũng muốn con mình được an toàn và luôn tìm mọi cách để bảo vệ con. Tuy nhiên, cha mẹ nên biết rằng điều quan trọng nhất đối với sự an toàn của trẻ chính là bản thân các con có thể tự bảo vệ được mình. Vì vậy, cha mẹ cần sớm giáo dục cho con về cách tự bảo vệ bản thân khỏi những tội phạm tình dục.

T.S Vũ Thu Hương nêu lý do những kẻ xâm hại trẻ em thường là người thân quen - 3

Nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là dưới 16 tuổi, nhiều bé còn chưa đến tuổi đi học, thậm chí có những em bé chưa đầy 2 tuổi.

T.S Vũ Thu Hương nêu lý do những kẻ xâm hại trẻ em thường là người thân quen - 4

TS. Vũ Thu Hương - Nguyên giảng viên trường Đại học Sư Phạm Hà Nội.

T.S Vũ Thu Hương nêu lý do những kẻ xâm hại trẻ em thường là người thân quen - 5

Tại sao trẻ dễ bị xâm hại bởi người thân hơn người lạ?

Chúng ta, ai cũng biết tỉ lệ trẻ bị người thân xâm hại bao giờ cũng rất cao, chiếm tỉ lên trên 60%. Nguyên nhân là gì vậy? Tại sao câu chuyện dã man đó lại thường đến từ những người mà con tin tưởng?

Cơ hội con tiếp xúc với họ nhiều hơn người lạ: Các bố mẹ thử nghĩ xem, khi nào là lúc chúng ta dám để con ở với người lạ, người mà con và ta không biết họ là ai? Riêng với trẻ, ở với người xa lạ không phải chuyện dễ dàng. Các con chắc chắn sẽ bám theo bố mẹ chứ không ở cùng người lạ một mình. Cơ hội các con tiếp xúc với người lạ không nhiều, do vậy tỉ lệ các con bị người lạ xâm hại là rất ít.

Bố mẹ thường tin tưởng người thân: Càng thân, càng gần gũi thì càng tin tưởng. Ngó vào các nhóm của các mẹ trẻ, chắc chắn chúng ta đọc được hàng loạt bài chia sẻ rằng ông bà ngoại, ông bà nội trông con cho các mẹ.

Vì các mẹ tin tưởng họ sẽ luôn yêu thương và chăm sóc lũ trẻ như chính các mẹ. Sự tin tưởng này luôn hiện hữu từ trước khi con ra đời. Do vậy, việc các mẹ giao con cho người thân thiết là hết sức bình thường. Giao cho ông bà nội ngoại còn có khả năng hiểu được. Giao cho hàng xóm, giao cho họ hàng xa lơ xa lắc cũng là thói quen của người Việt Nam.

Thông thường chúng ta luôn nghĩ: Họ có quá nhiều thứ để mất nếu họ bị bắt khi làm hại con mình. Vì cái "thứ để mất" mơ hồ nào đó, chúng ta dễ dàng giao con cho người thân, hơi thân thân. 

Khi tôi dắt lũ trẻ đi ngoại khóa, bao giờ các bố mẹ cũng dò xét tôi chán chê trước khi giao con. Có bố nói thẳng: Xin lỗi chị, tôi chẳng biết chị là ai.Vâng, sự cảnh giác đó rất đáng quý. Tôi hoàn toàn có thể là người sẽ gây tổn hại cho bọn trẻ. Nhưng tôi mong cha mẹ đừng ỉ i vào sự quen biết, thân thiết với những người khác mà giao con. Đó là mối nguy hiểm tiềm tàng. 

Rất nhiều gia đình không cho con đi học vì nhà có người giữ trẻ: Họ nghi kị, soi xét cô giáo thật lực nhưng lại hết sức chủ quan với những người trong gia đình. Con ăn không được cũng ý kiến cô giáo, con khóc nhẹ cũng gây với cô, thậm chí cô dạy học mà chưa kịp để ý đến con thì cũng soi cô.

Vậy nhưng, những người thân thiết trong gia đình hoặc quen biết lâu năm có làm gì con mình thì không mấy mẹ quan tâm. Có rất nhiều mẹ đã than với tôi về việc con bị chó cắn, bị ngã, bị bầm tím,... khi ở nhà với người thân. Nhưng rồi sau vụ việc qua đi, con lại vẫn được giao cho chính những người đó chăm nom chứ không phải là đi lớp. 

T.S Vũ Thu Hương nêu lý do những kẻ xâm hại trẻ em thường là người thân quen - 6

Khi trẻ mách bảo cậu, chú đó đùa nghịch sờ con thì cha mẹ lại gạt đi bảo người ta trêu con thôi?

Đã có vô vàn các cháu nhỏ bị người thân thiết trong gia đình xâm hại nhưng khi mách mẹ, mẹ không tin con. Vì thế, con bị xâm hại rất nhiều lần, đến mức xảy ra hậu quả nghiêm trọng rồi mới lộ ra và xử lý. 

Nguyên nhân hoàn toàn đến từ suy nghĩ chủ quan của cha mẹ. Ý nghĩ về câu chuyện con bị xâm hại từ một người thân thiết quá khủng khiếp với cha mẹ vì người thân đó chiếm tình cảm nào đó của cha mẹ. Đó có thể là sự yêu quý, kính nể, tôn trọng...

Khi cha mẹ nghe mách bảo, bản năng tâm lý khiến người cha mẹ đó tìm cách chối bỏ sự thật để tự ru ngủ rằng mọi chuyện bất ổn không hề xảy ra. Điều này sẽ mang lại tâm lý an lành giả tạo cho cha mẹ, giúp cho họ không bị sốc.

Do vậy, cha mẹ thường chối bỏ sự thật này, đôi khi không hẳn là cha mẹ không tin con. Tuy nhiên, nếu sự thật đúng như lời con nói, cha mẹ sẽ đối diện với 1 sự thật vô cùng tàn khốc vì 1 người mà mình có tình cảm đã làm hành vi vô cùng khốn nạn với con em mình. Do vậy, họ thường tìm cách coi như chuyện đó không xảy ra.

Cha mẹ thường dạy con phải thể hiện tình cảm với người thân. Nếu thể hiện tình cảm không có khoảng cách, nguy hiểm rình rập con là đương nhiên.

T.S Vũ Thu Hương nêu lý do những kẻ xâm hại trẻ em thường là người thân quen - 7

Cha mẹ nên dạy con thế nào để tránh xâm hại?

Khi tôi chia sẻ Quy tắc 4 vòng tròn của Bác sĩ Lan Hải, rất nhiều ý kiến phản đối. Họ cho rằng điều này đi ngược lại với phong tục Việt Nam. Tôi không hiểu phong tục có quan trọng bằng chính cuộc sống của bọn trẻ không.

Nhưng nếu cho lựa chọn, tôi vẫn lựa chọn dạy trẻ quy tắc 4 vòng tròn chứ không lựa chọn cái việc cho con quá gần gũi với người thân để khiến con có nguy cơ bị xâm hại.

Cha mẹ không dạy con ý tứ, cẩn trọng trong hành vi. Trẻ con mà, cởi đồ, tốc áo, tốc váy cho.... mát là bình thường. Điều này sẽ khiến người xung quanh con nhìn thấy. Nếu cha mẹ không chú ý dạy con điều này, con sẽ càng dễ dàng gặp chuyện. Câu chuyện bạn nhỏ 5 tuổi bị hàng xóm xâm hại và giết chết thật sự ám ảnh tôi. 

Cha mẹ cần dạy cho trẻ một số những kiến thức trẻ cần biết để phòng tránh xâm hại:

Trẻ cần học về những vùng cấm trên cơ thể: Cha mẹ có thể mua cho con đồ lót vừa người và dặn con. Khu vực cơ thể bên trong đồ lót là khu vực cấm địa. Tuyệt đối con không được cho ai động vào khu vực này, trừ khi con bị bệnh và cha mẹ đưa con đi bác sĩ để khám.

Trẻ cần được biết cách ứng xử lịch sự và có khoảng cách: Cha mẹ có thể dạy con quy tắc 4 vòng tròn như sau:

Bên trong vòng màu xanh ở chính giữa có bố mẹ đẻ. Đó là những người chăm sóc dạy dỗ con, nên được phép động vào một số bộ phận trên cơ thể của con, trừ khu vực đồ lót.

Phần giữa vòng màu xanh và vàng là khu vực của người nhà, đó là ông bà, anh chị em… Những người đó chỉ được cầm tay con, hạn chế tối đa động vào khu vực khác.

Giữa vòng màu vàng và đỏ là những người quen (hàng xóm, bạn bố mẹ….) con chỉ nên bắt tay nếu họ yêu cầu. Còn tuyệt đối không cho họ động vào các phần khác của cơ thể.

Bên ngoài vòng màu đỏ là người lạ. Tuyệt đối xua tay nếu họ đến quá gần, nếu cần thì chạy trốn.

Trẻ cần học cách ứng xử phù hợp với người lạ: Các bố mẹ cần dạy con không mở cửa cho khách khi bố mẹ không có nhà. Lịch sự trả lời khách rồi rút về phòng riêng.

Nếu đi trên đường mà có người rủ rê con thì tuyệt đối không đi theo. Nếu họ đi theo con thì con nên chạy đến chỗ chú công an và nhờ chú đưa con về nhà. Nếu không có chú công an ở gần đó thì chạy lại phía các bà phụ nữ già nhất. Cần thiết thì đưa bà qua đường. Kẻ gian (nếu có) sẽ nghĩ là con gặp người thân và bỏ đi.

Trẻ cần học cách xử lý khi bị người khác động vào phần kín: Thực tế chứng minh là rất nhiều người lớn coi việc động chạm vào các bộ phận của cơ thể trẻ con là bày tỏ tình cảm. Nhiều người véo, cấu, sờ mó vào các bộ phận kín của trẻ một cách công khai và thản nhiên.

Trong trường hợp đó, các con nên hét váng lên thật to để bày tỏ sự không hài lòng. Dù người quen hay người lạ, khi nghe con hét lên họ cũng hoảng sợ và rụt tay lại ngay. Sau đó con nói với họ thật cương quyết: Con không thích bị sờ vào người, cô/chú/bác/ông/bà còn làm thế, con sẽ mách công an.

Trẻ cần học cách xử trí trong trường hợp đang ở trên xe bus, bị ai đó áp sát để sờ soạn: Nếu con đang đi xe bus mà có người cứ tìm cách áp sát con, hoặc sờ mó, con rất cần phải hét thật to: Anh/chú làm gì thế? Đừng có động vào người cháu.

Trên xe bus, mọi người sẽ bênh vực con nếu con phản ứng rõ ràng và quyết liệt. Nếu con im lặng, chắc chắn họ sẽ bám theo và tiếp tục hại con.

Trẻ cần biết cách thoát thân khi bị kẻ gian tóm chặt: Các bé hô lớn là “cháy nhà”. Câu hô này sẽ khiến những người xung quanh (nếu có) lao ra ngoài để xem. Kẻ gian nghe thấy giật mình sợ hãi nên có thể giật tay ra và chạy thật nhanh.

Các bé cũng có thể đạp thật mạnh vào vùng chính giữa của bụng kẻ gian. Khu vực đó là khu vực có nhiều dây thần kinh, sẽ làm kẻ gian đau đến choáng váng. Như vậy, việc thoát ra sẽ dễ dàng hơn nhiều rồi.

Tác giả Con mình chẳng lẽ lại vứt: Trẻ dậy thì xem phim 18+, cha mẹ không cấm được
TS Vũ Anh Đào đã có nhiều chia sẻ với cha mẹ về phương pháp dạy con tuổi dậy thì.
Hạ Mây
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn