Trẻ thường xuyên bị bạn bắt nạt khiến cha mẹ lo lắng. Vậy cha mẹ nên làm gì để giúp con thoát khỏi tình trạng này?
Chúng ta thường lầm tưởng rằng thế giới của trẻ lúc nào cũng đẹp đẽ và ngây thơ. Thế nhưng trẻ con vì chưa đủ nhận thức hay phân biệt đúng sai nên đôi khi sẽ bộc lộ những cảm xúc tiêu cực như bắt nạt bạn yếu thế hơn mình. Việc trẻ thường xuyên bị bắt nạt, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và thể chất của trẻ.
Vì thế, bên cạnh việc dạy con ngoan ngoãn, lễ phép thì cha mẹ nên giúp trẻ học cách để tránh bị bắt nạt và không bắt nạt bạn khác. Dưới đây là một số thông tin hữu ích liên quan đến việc trẻ bị bắt nạt, mẹ có thể tham khảo để biết cách xử lý khi con trẻ gặp phải tình trạng này.
Vì sao có những đứa trẻ hay bắt nạt trẻ khác?
Hầu như trong trường lớp nào cũng có một đứa trẻ thường xuyên bị bắt nạt, nếu quan sát kỹ chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trong một nhóm bạn, sẽ luôn có những trẻ cho mình quyền được nói, quyền được thể hiện bản thân, trong khi những đứa trẻ khác sẽ phải nghe lời và yếu thế hơn. Tuy nhiên, trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức để phân biệt hành vi nào đúng sai, vậy nên không tránh khỏi một số trẻ nghĩ đó chỉ là một phần bình thường trong quan hệ bạn bè.
Kiểu bắt nạt này có thể là chỉ là những hành động nhỏ hàng ngày như những lời chế nhạo, chọc phá, cô lập. Ví dụ: Hầu hết các bạn đến giờ giải lao sẽ chạy ùa ra ngoài sân chơi và cố tình không gọi trẻ, yêu cầu trẻ phải đi lấy nước cho mình mỗi ngày, nói xấu, lạm dụng tài sản, làm điều gì sai cũng đổ lỗi cho trẻ...
Khi bắt nạt bạn khác, những đứa trẻ này sẽ có cảm giác bản thân mình có sức mạnh và sự ảnh hưởng.
Theo nghiên cứu, quá béo, quá đen, quá lùn, quá ngốc, nói lắp, môi thỏ,... Những đặc điểm này sẽ dễ dàng khiến trẻ trở thành đối tượng bị bạn bè chế giễu.
Khi bắt nạt bạn khác, những đứa trẻ này sẽ có cảm giác bản thân mình có sức mạnh và sự ảnh hưởng. Đồng thời với những trẻ bị tổn thương, bắt nạt người khác sẽ khiến trẻ cảm thấy ổn hơn một cách tạm thời. Thường những đứa trẻ làm tổn thương người khác thì thường cũng đang tổn thương.
Vậy cha mẹ nên làm thế nào để giúp trẻ phát triển các kỹ năng để xử lý việc bị bắt nạt và phòng ngừa con bắt nạt người khác?
Điều gì khiến trẻ không muốn nói với người lớn khi bị bắt nạt?
Thông thường tâm lý chung của các bậc phụ huynh khi con bị bắt nạt là rất sốt ruột và lo lắng. Cũng không ít trường hợp, vì quá xót con mà một số cha mẹ đã không kiềm được sự tức giận dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Khi rơi vào tình trạng bị bắt nạt, lúc này trẻ có thể cảm thấy sợ hãi và tổn thương và mong muốn nhận được sự đồng cảm nhất từ cha mẹ. Tuy nhiên, đôi khi cha mẹ không thể thấu hiểu tâm tư đó, trẻ không nhận được sự trợ giúp, cảm giác bản thân không được yêu thương... đây là một trong những nguyên nhân khiến trẻ không muốn chia sẻ với cha mẹ khi bị bạn bè bắt nạt.
Ngoài ra, nguyên nhân khác có thể xuất phát từ việc trẻ bị đe dọa, hay sợ bị mất mặt trước bạn bè, mang tiếng là hèn nhát.
Khi rơi vào tình trạng bị bắt nạt, trẻ mong muốn nhận được sự đồng cảm nhất từ cha mẹ. Tuy nhiên, đôi khi cha mẹ không thể thấu hiểu tâm tư đó.
Tiến sĩ Giáo dục Vũ Thu Hương, Cựu Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bắt nạt? Trẻ bị bắt nạt bao giờ cũng rất sợ hãi. Những trẻ có biểu hiện thiếu tự tin, giật mình trước những hiện tượng bình thường, nem nép khi ai đó nhắc đến đối tượng hoặc hoàn cảnh bị bắt nạt chính là các nạn nhân bị bắt nạt. Ví dụ: Các cháu khi bị bắt nạt sẽ giật mình nếu ai đó nói về con đường đến trường (nơi con đã bị bạn quây lại bắt nạt) hoặc trường học, hoặc chính các bạn bè. Cũng có cháu bị bắt nạt đến mức gần như là hàng ngày. Các cháu sẽ có biểu hiện bỏ qua mọi dấu hiệu, mọi hành vi. Các con cố gắng tỏ ra bình thản, coi mọi việc là bình thường nhưng thực tế con lại đang rất tổn thương. Khi ngủ, trẻ bị bắt nạt thường ngủ không ngon giấc, trẻ có thể xuất hiện vài tật xấu như mút tay, mút môi. Con thích rủ rê bố mẹ hoặc người thân nếu bị buộc phải đi qua nơi bị bắt nạt hoặc gặp gỡ kẻ bắt nạt. Trẻ bị bắt nạt lâu dài sẽ bị ảnh hưởng như thế nào đến tâm sinh lý? Biểu hiện rõ nét là các con sẽ bị thiếu tự tin trầm trọng. Các con dễ dàng sợ hãi mọi thứ dù đó là những thứ vô cùng đơn giản. Các con bị bắt nạt lâu dài rất rụt rè, có khi sợ cả những tiếng gió, tiếng lá rơi. Các con luôn tưởng tượng mọi người sẽ bạo hành hoặc bắt nạt con nên rất ngại tham gia ý kiến. Lâu dần, các con có thể bị trầm cảm và xuất hiện các biểu hiện bất thường về tâm lý như nói một mình, chơi lủi thủi một góc, không giao tiếp với ai, la hét, cười không lý do. Khi bị bắt nạt, cha mẹ nên dạy con im lặng, nên mách cô hay nên đánh trả lại? Với các bậc cha mẹ, chúng ta không thể giúp con mọi lúc mọi nơi và cũng không thể dạy con chịu đựng hay đánh lại. Điều cha mẹ có thể làm và cũng là điều con mong đợi chính là sự sẻ chia và cổ vũ, động viên. Cha mẹ nên động viên con tự xử lý vấn đề. Cha mẹ chỉ nên đưa ra lời khuyên chứ không nên giải quyết hộ con.Đã từng có lần, một người mẹ đến mách cô giáo khi con mình bị bạn bắt nạt. Để trả thù, đám bạn đó đã tạt nước sôi vào người con. Rõ ràng, sự can thiệp của người lớn chỉ phá hỏng thêm mối quan hệ đã quá căng thẳng của lũ trẻ. Cha mẹ nên làm gì khi con bị bắt nạt? Phương án mà chúng tôi hay tư vấn cho các cha mẹ là hướng con tạo thêm sức mạnh cho chính con. Các cha mẹ có thể cho con mang theo kẹo bánh để con kết bạn với những người bạn khác trong lớp. Thông thường, kẻ bắt nạt chỉ tìm các nạn nhân cô độc và yếu ớt. Nếu kẻ cô độc, yếu ớt đó đột nhiên có thêm nhiều bạn bè, nghĩa là có thêm sức mạnh thì kẻ bắt nạt sẽ lảng đi. Bạn bè xung quanh con chính là một phần sức mạnh của con. Ngoài ra, cha mẹ nên tạo điều kiện để con tự nghĩ ra phương án giải quyết. Khi con tôi học lớp 4, con đã bị bạn bắt nạt khi con đang làm tổ trưởng. Thay vì xử lý giúp con hay mách cô, tôi đã hướng cho con tự suy nghĩ và giải quyết. Con đã xin cô cho thôi chức tổ trưởng vì bị bạn trêu chọc nhiều quá. Cô giáo đã giải quyết rất tuyệt vời bằng cách cho bạn đầu tiên trêu con làm tổ trưởng trong 1 tuần. Khi đó, tất cả các bạn đều sợ hãi và không dám bắt nạt con tôi nữa. Sau 1 tuần, cô trả chức lại cho con gái tôi. Rõ ràng, khi để trẻ tự giải quyết, trẻ có thể sẽ tìm ra các phương án giải quyết rất hay mà không gây bất kể hậu quả gì. |