Bà nội của cậu bé đã không ngờ rằng hành động tưởng là rất thương cháu của mình lại hóa ra là hại cháu.
Là ông bà cha mẹ, chắc hẳn trong lòng mỗi người đều mong muốn con cháu lớn lên khỏe mạnh thông minh. Thế nên, các bậc phụ huynh không những quan tâm đến chuyện học hành, mà ngay cả trong từng miếng ăn giấc ngủ của trẻ cũng đều được chăm bẵm kỹ càng. Song, trên thực tế lại có những đứa trẻ mắc phải một số căn bệnh mà nguyên nhân lại đến từ thói quen chăm sóc quá kỹ của ông bà.
Tiểu Cường (4 tuổi, sống ở Trung Quốc) là một đứa trẻ năng động, thông minh, và ngoan ngoãn. Vì ba mẹ bận đi làm cả ngày nên hầu hết thời gian cậu bé sẽ ở nhà cùng bà nội. Bà nội cũng rất yêu quý Tiểu Cường nên bất cứ việc gì bà cũng đều làm thay cho cháu. Thậm chí, ngay cả khi ăn cơm, bà cũng sợ cháu bị bỏng nên thường cho thức ăn vào miệng để cảm nhận nhiệt độ của nó rồi mới đút cho Tiểu Cường. Không những thế, bà còn sợ cháu trai ăn thịt cá sẽ miếng to sẽ bị nghẹn khó nuốt nên có thói quen nhai trước cho mềm ra rồi mới mớm cho cháu.
Cách đây vài hôm, đột nhiên sau khi ăn trưa xong, bé trai kêu than đau bụng. Quá lo lắng nên bà nội Tiểu Cường đã nhanh chóng đưa cháu đến bệnh viện.
Tiểu Cường dù đã 4 tuổi nhưng vẫn được bà nội mớm cơm cho ăn (Ảnh minh họa).
Tại đây, bác sĩ thông báo kết quả khám nghiệm cho thấy cậu bé bị viêm dạ dày. Điều này khiến bà nội Tiểu Cường rất bất ngờ. Bà bảo: “Tôi chăm sóc từng miếng ăn cho cháu rất kỹ. Tôi còn cẩn thận nhai mềm thịt cá ra rồi mới cho cháu ăn thì làm sao mà có thể bị viêm dạ dày được?”. Bác sĩ liền giải thích: “Chính vì cách cho ăn sai lầm đó của bà đã khiến Tiểu Cường bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), từ đó gây ra bệnh viêm dạ dày”. Nghe đến đây, bà nội Tiểu Cường “chết lặng” vì không ngờ hành động tưởng chừng là thương cháu của mình lại hóa ra là hại cháu.
Bác sĩ cũng giải thích thêm rằng vi khuẩn HP là một loại vi khuẩn hình xoắn ốc được tìm thấy trong lớp nhầy của niêm mạc dạ dày. Loại vi khuẩn này có thể thâm nhập vào cơ thể người thông qua nhiều con đường khác nhau, và trẻ em dưới 10 tuổi là đối tượng dễ bị lây nhiễm HP nhất. Nguyên nhân là do môi trường sống, thức ăn không đảm vệ sinh, người lớn có thói quen hôn hít trẻ, đút trẻ ăn bằng bát, đũa chung, mớm cơm cho trẻ. Ngoài ra, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh cũng là yếu tố gây nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ.
Bà nội "chết lặng" khi biết Tiểu Cường bị viêm dạ dày thông qua thói quen mớm cơm cho cháu của mình (Ảnh minh họa).
Do đó, chính hành động mớm cơm của bà nội đã khiến Tiểu Cường bị nhiễm vi khuẩn HP, dẫn đến tình trạng bị viêm dạ dày. Nhưng cũng may nhờ được đưa đến bệnh viện sớm nên tình trạng bệnh cũng không quá nghiêm trọng nên bé trai nhanh chóng được xuất viện ra về.
Trên thực tế, có không ít ông bà cha mẹ có thói quen mớm cơm cho trẻ nhỏ vì nghĩ rằng như thế các bé sẽ nuốt dễ dàng hơn, không sợ bị mắc nghẹn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc mớm cơm cho trẻ em là một hành vi rất mất vệ sinh và dễ khiến các bé bị lây nhiễm vi khuẩn từ người lớn.
Bên cạnh đó, ngoài chuyện không mớm cơm cho con, các cha mẹ cũng cần phải từ bỏ thêm 2 thói quen xấu nữa đó là:
1. Chọc cười để dụ con ăn
Có một số cha mẹ muốn con mình ăn không ngậm, ăn được nhiều hơn thì hay làm những trò ngộ nghĩnh để con phải bật cười, từ đó nuốt thức ăn nhanh hơn. Thế nhưng, theo các chuyên gia hành động này là cực kỳ nguy hiểm bởi trẻ có thể bị phân tâm mà quên nhai, dẫn đến một vài tình huống nguy hiểm có thể xảy ra như: bị sặc, nghẹn thức ăn… Trong tình huống này, nếu như trẻ không được sơ cứu kịp thời và đúng cách có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng không ngờ đến.
2. Cho con ăn rong
Việc ngồi yên một chỗ để ăn hết chén cơm, cháo là việc vô cùng khó khăn đối với mọi đứa trẻ. Thậm chí, có nhiều bé còn quyết định ngậm đến chảy nước để phản kháng chuyện này. Vì thế, có nhiều ông bố bà mẹ đã chọn giải pháp cho con đi ăn rong để giải quyết vấn đề.
Song, việc ăn rong lại gây ra khá nhiều vấn đề không tốt đối với trẻ nhỏ như:
- Không tốt cho dạ dày: Vì trẻ vừa ăn vừa chạy khiến dạ dày bị xóc và phải làm việc trong tình trạng vận động.
- Mất vệ sinh: Môi trường ô nhiễm cũng sẽ xâm nhập vào thức ăn của trẻ trong quá trình ăn rong khiến các bé dễ bị ngộ độc thực phẩm, đau bụng…
Nói tóm lại, để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của con, các ông bố bà mẹ cần tập cho con thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ nhỏ. Tránh hoàn toàn việc mớm cơm, ăn rong hay phải diễn trò cho con ăn. Thay vào đó, cha mẹ hãy hướng dẫn con thói quen ăn uống lành mạnh như ăn đúng giờ, ngồi đúng chỗ… Đồng thời, tạo một không khí vui vẻ trên bàn ăn để trẻ có hứng thú hơn với bữa ăn gia đình.