Anh rể đẹp trai, giàu có là thật nhưng anh ấy mãi mãi không thể bằng tôi.
Tôi thừa nhận bản thân không có ngoại hình nổi bật, tài năng cũng tạm ổn nhưng xét về năng lực làm bố thì tôi cực kỳ tự tin. Tôi năm nay 36 tuổi, độ tuổi mà đáng lẽ ra sự nghiệp nên được đặt lên hàng đầu. Vì ai cũng cho rằng, đàn ông có sự nghiệp, kiếm được nhiều tiền thì mới có thể làm trụ cột gia đình và lo cho vợ con. Nhưng có lẽ tôi là một trường hợp đặc biệt.
Thông thường ở nhiều gia đình, người phụ nữ sẽ lo nội trợ, chăm sóc con cái, nhà cửa còn đàn ông thì lo cày cuốc làm lụng, tuy nhiên ở thời điểm hiện tai thì gia đình tôi ngược lại. Suốt 1 năm nay, tôi đã lùi về sau để nuôi dạy các con, tạo điều kiện cho vợ có thời gian được theo đuổi niềm đam mê với nghề của mình.
Ảnh minh hoạ
Ấy vậy mà cách đây vài ngày, bố vợ có dịp lên chơi đã có những thái độ và lời nói tỏ rõ sự khinh thường đối với người con rể út như tôi, khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Khi hai bố con ngồi trò chuyện, nhâm nhi chút men, bố vợ luôn miệng nhắc về anh rể, khen anh ấy giỏi giang, kiếm được nhiều tiền nên thường xuyên cho bố mẹ.
Chuyện sẽ không có gì nếu như ông không có ý nâng anh rể lên để hạ bệ tôi xuống. Nghe những lời nói của bố vợ về mình, tôi vừa buồn vừa khó chịu. Cuối cùng, cuộc trò chuyện cũng dừng lại sau khi tôi thẳng thắn nói lên suy nghĩ của bản thân, khiến bố vợ xấu hổ bỏ về.
- Thưa bố, con biết anh rể là một người toàn diện, nhưng có một thứ anh ấy sẽ mãi mãi không bao giờ bằng con đó là làm một người bố hoàn mỹ trong mắt các con. Con không phải là người đàn ông vô dụng, con vẫn có thể kiếm được tiền và trước đây con cũng đã làm điều đó. Tuy nhiên thời điểm này con đã chọn dừng lại, vì con muốn con gái bố được một lần sống đúng với niềm đam mê với nghề. Cô ấy cũng có quyền được là chính mình, chứ không thể vì làm mẹ mà bỏ rơi bản thân.
Con luôn tự hào khi bản thân kịp thời nhận ra, việc làm bố quan trọng đến mức nào và đó là lý do con đưa ra lựa chọn ngày hôm nay. Con muốn tuổi thơ các con có sự đồng hành của bố. Con không mong cầu sẽ giống anh rể, chỉ vì đồng tiền mà suốt ngày xem công ty là nhà, và chưa từng dành nhiều thời gian hay sự quan tâm cho các con của anh. Đó là một bất hạnh lớn, không công bằng với những đứa trẻ bố à! Hy vọng bố sẽ tôn trọng quyết định của gia đình con.
Ảnh minh hoạ
Tôi không biết những lời này có khiến bố vợ phật lòng với tôi hay không, nhưng nó vốn dĩ là tất cả suy nghĩ chân thành nhất của tôi. Sau tất cả, tôi đã đúc kết và sớm nhận ra tầm quan trọng của người bố trên hành trình khôn lớn của con. Vai trò của người bố không bao giờ có thể được thay thế bởi mẹ, hãy tin tôi…
Tâm sự từ độc giả voquoc…@gmail.com
Các nghiên cứu cho thấy trẻ tiếp xúc thường xuyên với bố có xu hướng thông minh, tự tin và dễ thành công hơn so với ông bà hay mẹ, nếu thường xuyên ở bên bố, trẻ sẽ có những lợi thế to lớn trong tương lai.
- Trẻ có chỉ số IQ cao hơn
Nghiên cứu của Đại học Newcastle phát hiện ra rằng những người được ở cùng bố nhiều trong thời thơ ấu sẽ có chỉ số IQ cao hơn. Cụ thể, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 11.000 người Anh ở độ tuổi 50, và kết quả cho thấy dù bố có giỏi hay không thì việc sống cùng con cũng sẽ giúp trẻ thông minh và thành công hơn trong tương lai.
Người đứng đầu cuộc nghiên cứu, tiến sĩ Daniel Nettle cho biết: "Dữ liệu cho thấy rằng việc bố và con có nhiều sự gắn kết với nhau từ thời thơ ấu sẽ giúp trẻ tạo ra lợi ích về mặt kỹ năng và khả năng phấn đấu cao khi trẻ trưởng thành".
Nghiên cứu từ Đại học Yale, Mỹ cũng cho thấy trẻ em được nuôi dưỡng bởi người bố có IQ cao vượt trội và có khả năng thành công hơn trong tương lai hơn.
Lý giải cho điều này là người mẹ thường muốn con cái nghe lời hơn, trong khi người bố lại muốn con mình có một tinh thần ham học hỏi, thích khám phá. Chẳng hạn như người bố sẽ không ngăn con mình tháo rời đồ chơi, thậm chí họ còn khuyến khích các con tháo lắp mọi thứ.
- Trẻ can đảm, độc lập và tự tin hơn
Không chỉ có IQ cao hơn, những đứa trẻ được ở bên bố còn tự tin hơn rất nhiều. Thời gian trẻ ở bên bố càng nhiều, trẻ sẽ càng tự tin hơn khi lớn lên bởi sự quan tâm của bố giúp trẻ biết bản thân được đánh giá cao, từ đó càng tự tin hơn với mọi người.
Theo như một nghiên cứu vào năm 2006 của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho thấy: "Ngay từ khi được sinh ra, những đứa trẻ được bố quan tâm nhiều sẽ có được sự an toàn về tình cảm, tự tin khám phá môi trường xung quanh, trẻ sẽ có giao tiếp xã hội tốt hơn bạn bè. Đồng thời, những đứa trẻ này cũng ít gặp rắc rối ở nhà, trường học hay với hàng xóm".
Ông bà và mẹ thường có chiều hướng bảo bọc trẻ. Vì thấy các con còn nhỏ, nhìn thấy con đau hay chịu khó một chút lòng đã cảm thấy nhói đau, thấy các bé té ngã hay bị thương nhẹ cũng đã cuống cuồng lên, thậm chí khi trẻ phạm lỗi nhiều ông bà cũng cố gắng che giấu vì không muốn trẻ bị phạt.
Tuy nhiên, các ông bố lại khác, bản năng của một người bố thường hướng cho các con trải nghiệm. Khác với ông bà hay mẹ, các ông bố sẽ dạy con cách đứng lên sau khi té ngã hay sửa chữa lỗi lầm sau khi làm sai.
Thêm vào đó các ông bố cũng để con tự do phát triển và khuyến khích các con bước ra khỏi “vùng an toàn’ của mình, điều này sẽ giúp trẻ trở nên can đảm và không ngại khó khăn khi lớn lên.
- Trẻ khỏe mạnh hơn
Một nghiên cứu mới nhất cho thấy rằng việc thiếu vắng người bố trong cuộc sống sẽ khiến trẻ tăng nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm sau này. Theo đó, 5.000 người trẻ tuổi không sống chung cùng bố đã bị tổn hại telomeres - những mảnh DNA quan trọng bảo vệ tế bào.
Những người không được gặp bố thường xuyên do bố mẹ ly hôn thì độ dài của telomeres giảm 14%. Trong khi đó, nếu người bố mất sẽ làm telomeres của con giảm 16%. Telomeres rút ngắn có sự liên hệ với việc lão hóa sớm và ung thư.
- Dạy con những kiến thức bổ ích
Nhà tâm lý học Liu Xinyue cho biết: "Các ông bố hiểu biết và có kinh nghiệm giáo dục nhiều hơn. Khi con còn nhỏ, những ông bố sẽ dạy con bằng cách kể cho trẻ nghe về nhiều thứ khác nhau, văn hóa, lịch sử và triết học."
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng cho thấy thường xuyên tiếp xúc với bố cũng giúp trẻ nhỏ hình thành những ý thức về bản thân và giới tính. Đối với các bá gái, khi tiếp xúc với bố trẻ sẽ sớm hiểu định nghĩa về một người đàn ông là như thế nào thông qua những biểu hiện của bố mình.
Trong khi đó với các bé trai, trẻ sẽ học hỏi từ bố mình cách duy trì một mái ấm gia đình là như thế nào, làm sao để giữ hôn nhân hạnh phúc. Do đó, những cậu bé thiếu tình thương của cha thường có tính cách khá yếu đuối và có phần "nữ tính" hơn.
Mặc dù người bố đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển về cả thể chất lẫn trí não của trẻ, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận hoàn toàn vai trò chăm sóc và nuôi dạy con cái của mẹ hay ông, bà. Bởi mỗi thế hệ sẽ có những phương pháp giáo dục trẻ khác nhau và đều có những tác động tiêu cực lẫn tích cực.
Vậy nên, để trẻ có thể lớn lên và phát triển thật toàn diện, trẻ vẫn cần sự quan tâm và yêu thương từ tất cả các thành viên trong gia đình.