Tôi nói ra lý do thay bếp khiến mẹ chồng tức giận.
Lần đầu có con nên tôi rất cẩn thận trong việc nấu ăn dặm cho bé, nhưng mẹ chồng lại cho rằng tôi làm quá. Đỉnh điểm là việc tôi đổi bếp để nấu ăn cho con.
Ảnh minh họa
Tôi có cậu con trai hơn 8 tháng tuổi hiện đang ở nhà, bà nội chăm sóc. Tôi và mẹ chồng thỉnh thoảng cũng không hợp nhau trong nhiều vấn đề chăm sóc cháu nội nhưng cuối cùng mẹ chồng đều phải nhường tôi hết. Tuy nhiên có lẽ lần này bà không chịu nhường tôi nữa nên mới đùng đùng bỏ về quê như vậy.
Chẳng là cuối tuần vừa qua, tôi gọi thợ đến lắp bếp từ hơn 12 triệu đồng. Trước đó nhà tôi dùng bếp gas. Việc làm này của tôi không được bàn bạc trước với mẹ chồng mà tôi chỉ nói qua với chồng thôi. Tôi nghĩ rằng đây là việc của vợ chồng mình cũng không nhất thiết phải thông qua mẹ chồng. Không biết có phải vì thế không mà mẹ chồng tôi biến "chuyện bé xé ra to".
Ngay lúc thợ đang lắp đặt bếp thì gặp mẹ chồng tôi, bà hỏi tôi:
- Tại sao bếp đang dùng bình thường con lại đổi sang bếp từ làm gì, tốn tiền ra mà có nhất thiết phải thế đâu.
- Cần đó mẹ ạ. Lát con nói chuyện với mẹ.
Ảnh minh họa
Mẹ chồng tôi biết ý vì lúc đó có thợ ở đó, chúng tôi không tranh cãi nhiều. Thế nhưng ngay sau khi anh thợ về, mẹ tôi bắt đầu cao giọng:
- Con thử nói cho mẹ xem tại sao đang dùng bếp gas yên ổn tự dưng phải chuyển sang bếp từ làm gì cho tốn kém. Vừa mất tiền mua bếp vừa mất tiền điện hàng tháng, trong khi đúng dùng gas rẻ tiền hơn bao nhiêu?
- Dùng bếp từ rẻ tiền và dễ dàng vệ sinh hơn mẹ ạ. Nhưng đó không phải là vấn đề chính. Lý do lớn nhất là nếu mỗi ngày mẹ nấu đồ ăn dặm cho cháu bằng bếp từ sẽ tốt hơn bếp gas rất nhiều mẹ ạ. Nấu ăn bằng bếp từ sẽ giúp giữ được chất dinh dưỡng trong món ăn hơn, từ đó món ăn cũng sẽ ngon hơn, tốt cho sức khỏe của cháu và cả gia đình hơn mẹ ạ.
- Ai nói thế, ai bảo là nấu ăn bằng bếp từ thì dinh dưỡng hơn là bếp gas? Sao tôi chưa nghe thấy bao giờ. Bao năm qua vẫn dùng bếp gas để nấu ăn thì vẫn khỏe mạnh đó thôi, sao giờ lại có cái lý do.
- Con mới nghe các chị ở cơ quan con nói thế đó mẹ, nấu ăn bằng bếp từ giữ được dinh dưỡng hơn nhiều. Có lẽ vì mấy tháng qua cháu ăn đồ nấu bằng bếp gas nên không có chất dinh dưỡng chăng, con chẳng thấy lên cân tẹo nào mẹ ạ.
Ảnh minh họa
- Thôi thôi, con toàn "sách vở" ở đâu chứ mẹ chưa nghe ai nói bao giờ. Nó không lên cân nhưng vẫn khỏe mạnh là được rồi. Cả một đống tiền chứ có ít ỏi gì đâu. Giờ lại bày đặt chê mẹ chồng chăm cháu không tăng cân rồi đổi bếp nấu ăn. Thôi trả lại bếp cho người ta lấy lại tiền đi chứ cái bếp gas đang dùng tốt tự dưng bỏ đó rồi đổi sang bếp từ cho tốn tiền.
- Không, con không chê mẹ nhưng con cũng không trả đâu.
- Nhiều tiền vậy cơ à, vậy thì thuê người mà chăm con tôi đỡ phải chăm cháu nội không công thế này để chị thừa tiền làm những việc linh tinh.
Nói xong, mẹ chồng giận dỗi đùng đùng vào nhà xếp đồ bỏ về quê ngay lúc đó. Tôi trở tay cũng không kịp.
Chồng về nghe chuyện cũng nói tôi cẩn thận vô lý, bắt tôi điện thoại xin lỗi mẹ chồng ngay nhưng tôi vẫn đang nghĩ mình chẳng làm gì sai cả sao phải xin lỗi mẹ chồng.
Tâm sự từ độc giả baochau...
Theo các chuyên gia về thực phẩm cho biết, việc dùng bếp nào nấu ăn tốt cho sức khỏe phụ thuộc vào sở thích của mỗi người. Còn về mặt dinh dưỡng, thực phẩm được làm chín bằng nhiệt, nhưng muốn giữ lại nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe hay không thì lại do kỹ thuật và cách chế biến của đầu bếp, trong đó có cả việc sử dụng nhiệt. Do vậy, dùng loại bếp gì không phải là yếu tố quyết định để giữ lại dinh dưỡng nhiều hay ít cho món ăn.
Ngoài ra, việc trẻ không tăng cân cần phải xem xét nhiều khía cạnh:
1. Bé sinh non
Bé chào đời khi mẹ mang thai từ 34-37 tuần được coi là sinh non ở mức độ nhẹ. Trong giai đoạn này, cơ thể bé rất yếu, hệ miễn dịch còn kém và chưa phát triển được như trẻ sơ sinh bình thường. Các bé rất cần sữa mẹ để cung cấp các men tiêu hóa giúp bé dễ hấp thu các chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, đối với trẻ sinh non, khả năng bú, nuốt và thở của bé chưa hoàn chỉnh nên bé bú không đạt hiệu quả hoàn toàn được. Do đó, cân nặng của bé sẽ không tăng được đều đặn và đúng chuẩn như những đứa trẻ sinh đủ tháng. Vì thế, sau khi trẻ bú xong, mẹ cần cho ăn thêm bằng ống tiêm nhỏ giọt hoặc thìa nhỏ.
2. Khoảng cách giữa các bữa ăn quá dài
Đây là một trong những lý do chính khiến trẻ sơ sinh tăng cân chậm. Khoảng cách giữa các bữa ăn càng dài thì bụng trẻ càng sản sinh ra nhiều khí gas, dẫn đến đầy hơi. Điều này khiến trẻ không muốn ăn, kết quả dinh dưỡng hấp thu ít và cuối cùng là sụt cân.
Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh cần ăn sữa 2 tiếng rưỡi một lần hoặc 8-12 lần trong một ngày. Một số trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều nhưng nếu bé chưa bú đủ số lần, mẹ cần đánh thức bé dậy để cho bé bú. Khi bé không được bú đều đặn, cơ thể mẹ cũng không được kích thích để tăng lượng sữa tiết ra, càng làm bé không nạp đủ chất dinh dưỡng và không có hứng thú bú.
3. Sữa của bé không được pha đúng công thức
Một số phụ huynh pha sữa công thức cho con rất loãng vì sợ bé táo bón hoặc có những gia đình hoàn cảnh khó khăn nên đang muốn thực hiện chính sách tiết kiệm.
Tuy nhiên, sữa quá loãng sẽ không cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho bé phát triển. Thậm chí, nó còn gây hại cho bé vì bé bị nạp vào một lượng nước quá lớn. Do đó, để trẻ tăng cân và hấp thụ được đầy đủ chất dinh dưỡng trong sữa bột, bố mẹ cần pha sữa đúng như công thức đã ghi trên nhãn sản phẩm.
4. Tắm cho bé sau khi ăn
Việc tắm cho bé ngay sau khi ăn là một sai lầm mà bố mẹ cần phải sửa ngay lập tức vì nó là nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân hoặc sụt cân.
Sau khi ăn, trẻ sơ sinh cũng cần thời gian để dạ dày làm việc. Nếu đi tắm ngay, quá trình tiêu hóa của bé sẽ diễn ra chậm hơn, từ đó quá trình trao đổi chất của bé cũng chậm. Thậm chí, một số em bé còn có thể bị táo bón, nôn, khó tiêu, khí gas vì tắm ngay sau khi ăn. Vì thế, mẹ nên tắm cho em bé trước rồi mới cho ăn.
5. Trẻ sơ sinh bị giun
Giun ký sinh trong đường ruột sẽ hút bớt chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn bé ăn vào dẫn đến tình trạng khó tăng cân. Nếu nghi ngờ bé có khả năng bị nhiễm giun, bố mẹ nên đưa bé đi khám để được điều trị kịp thời. Bé hết bị giun sẽ tăng cân trở lại.
6. Do gen di truyền
Nếu các mẹ chăm sóc chu đáo nhưng bé vẫn chậm tăng cân thì cần xem lại yếu tố di truyền từ phía gia đình. Thông thường, hai bên nội ngoại của bé có ông bà, người thân, bố mẹ có vóc dáng nhỏ gầy thì bé ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
7. Bé ngủ nhiều hơn bú
Có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh tặng cân chậm vì do lười bú, không chịu bú. Đôi khi đói bé sẽ đòi bú nhưng lại nhanh chóng “rơi” vào giấc ngủ khiến cho việc bú sữa bị gián đoạn và bé chỉ bú với một lượng rất ít. Nếu tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ.
8. Bé có vấn đề về sức khỏe
Việc chậm tăng cân có thể liên quan đến sức khoẻ của bé, chẳng hạn bé bị thiếu máu, dị ứng sữa, tình trạng quá tải lactose, trào ngược dạ dày… Hoặc bé bị một số rối loạn ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển.