Con lớp 1 đi học về nức nở "Ở lớp không ai chơi với con", một lần đến đón bé, tôi sững sờ

Ngày 22/11/2024 16:25 PM (GMT+7)

Từ một đứa trẻ hoạt bát, luôn vui vẻ, con bỗng dưng thay đổi hẳn.

Con gái nhà tôi 6 tuổi, mới bước vào lớp 1 hồi tháng 9 vừa qua. Nói qua về con, con là đứa trẻ lúc nào cũng hoạt bát, năng động và vui vẻ. Hồi còn học ở lớp mẫu giáo, con được cô giáo và nhiều bạn quý mến. Mỗi lúc xem camera tôi đều cảm thấy hạnh phúc vì con năng nổ chạy nhảy mỗi ngày, các bạn lúc nào cũng quây quần chơi cùng con. Đi học về con luôn khoe hôm nay được bạn này, bạn kia cho kẹo và muốn được nằm cạnh để ngủ trưa.

Thế nhưng chẳng hiểu sao mọi thứ thay đổi bất ngờ khi con bước vào tiểu học. Con học ở một trường công lập gần nhà. Tháng đầu tiên con đi học tôi luôn sợ con lạ trường, lạ lớp, lạ bạn nên gặp nhiều khó khăn khi đi học. Vậy mà mọi thứ ngược lại, con thích nghi môi trường mới cực nhanh và luôn vui vẻ mỗi khi đi học về.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không hiểu sao chỉ được khoảng 1 tháng đầu tiên, bước sang tháng thứ hai và giờ đang ở tháng thứ ba của lớp 1, con thay đổi hoàn toàn khác. Mỗi ngày được bố mẹ đón học về là con vui nhất còn lúc đi học thì lại chẳng mấy vui vẻ.

Những tưởng nguyên do từ việc con không theo kịp chương trình học nên tôi cho con đi học thêm và liên lạc thường xuyên với cô giáo. Thế nhưng cô luôn khen con thông minh, tiếp thu bài tốt và luôn đạt điểm cao trong những bài kiểm tra.

Vậy, mấu chốt vấn đề khiến con không vui là gì? Tôi có cuộc trò chuyện kĩ càng hơn với con.

- Con gái, mẹ thấy thời gian này con đi học không được vui vẻ và hứng khởi như trước kia, khi con mới bắt đầu vào lớp 1. Tại sao vậy con?

- Vâng, con chẳng thích đi học nữa đâu mẹ. Có thể không đi học được không mẹ hoặc mình quay về trường mẫu giáo học đi.

- Tại sao vậy con? Mình lớn rồi không thể quay lại mẫu giáo học được đâu, bậy giờ mình phải tiến lên chứ con, năm nay mình học lớp 1, học tốt rồi mình sẽ lên lớp 2, lớp 3. Mà mẹ thấy cô giáo khen con học ở lớp rất tốt mà, sao con vẫn buồn thế?

- Con không có bạn chơi mẹ ạ, các bạn ở lớp chẳng chơi với con.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

- Ôi sao các bạn lại không chơi với con, con có làm các bạn đau không? Con có chủ động lại làm quen với các bạn không?

- Con không làm gì các bạn cả mà các bạn cứ tách ra không chơi với con. Khi con chủ động đến làm quen, bắt chuyện thì các bạn cũng bỏ đi chỗ khác. Ở lớp lúc nào con cũng lủi thủi một mình ý, con chỉ mong thời gian trôi thật nhanh để bố mẹ đón con tan học thôi.

- Con đừng buồn nha, mẹ sẽ giúp con tìm hiểu nguyên nhân. Con yên tâm nhé.

Theo đó bình thường chồng sẽ là người đón con tan học nhưng nay tôi sẽ gác công việc để về sớm, đón con. Hôm đó lớp con có tiết sinh hoạt tự do cuối ngày nên tôi chủ động mua thêm chút kẹo bánh và gói sẵn quà để mang tới lớp mời các bạn học của con.

Những đứa trẻ tập trung lại bàn của con gái tôi để cùng nhau liên hoan, nhân lúc này tôi mới bắt đầu nói khéo:

- Chào các con, cô là mẹ của bạn N. Nhà cô còn nhiều bánh kẹo lắm, thỉnh thoảng cô sẽ mang tới cho cả lớp liên hoan nhé.

Lũ nhỏ thích thú tới mức reo hò. Lúc này tôi bắt đầu nói tiếp:

- Bạn N. nhà cô về nhà luôn kể rằng ở lớp con có rất nhiều bạn xinh gái và đẹp trai, bạn nào cũng dễ mến nên N. luôn muốn chơi cùng các bạn ở lớp. Cô hy vọng rằng các con cũng yêu quý N. và giúp đỡ N. nha.

Tiếng nói chuyện bỗng nhỏ lại, nhiều đứa trẻ nhìn nhau và bắt đầu xì xào điều gì đó. Sau đó có 1 cô bé xinh xắn lên tiếng:

- Cô ơi, có phải nhà cô giàu lắm không? Chúng con không dám tới gần N. đâu ạ.

- Ôi sao con lại nói thế, nhà cô cũng bình thường như nhà các con thôi mà.

- N. lúc nào cũng diện váy đẹp, đầu tóc thắt nơ xinh. Bố còn đón N. bằng ô tô nữa, bố con nói ô tô đó đắt tiền lắm. Vậy nên chúng con sợ không dám chơi với N. nhiều đâu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tôi chợt sững sờ hiểu ra nguyên nhân khiến con gái tôi bị bạn bè xa lánh không chơi cùng. Hóa ra cũng chỉ vì chính gia đình đã tạo cho N. khoảng cách khá lớn với các bạn. Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản cho con ăn mặc đẹp để con tự tin hơn khi đi học, đưa đón con bằng xe hơi để bé đỡ nắng mưa. Không ngờ những thứ đó vô hình lại tạo khoảng cách con với các bạn.

Cũng kể từ đó, vợ chồng tôi rút kinh nghiệm hơn để con được nhiều bạn quý mến.

Tâm sự từ độc giả baochau...

Việc cho con ăn mặc đẹp và sử dụng xe hơi để đưa đón là những hành động thể hiện sự yêu thương và chăm sóc của bố mẹ. Tuy nhiên, những điều đó có thể tạo ra một khoảng cách vô hình giữa con và các bạn cùng trang lứa.

Khi trẻ lớn lên, việc hòa nhập với bạn bè rất quan trọng. Những trải nghiệm xã hội từ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và khả năng giao tiếp của trẻ trong tương lai. Nếu trẻ cảm thấy khác biệt so với bạn bè, cảm giác cô đơn hoặc bị cô lập có thể xuất hiện, điều này có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ.

Sau khi nhận thấy điều này, phụ huynh nên có những bước đi đúng đắn để giúp con hòa nhập hơn. Việc rút kinh nghiệm là rất cần thiết, và điều đó cho thấy bố mẹ rất quan tâm đến sự phát triển toàn diện của con. Dưới đây là một số gợi ý để giúp con bạn có thể kết nối tốt hơn với bạn bè:

Khuyến khích tham gia hoạt động nhóm: Đăng ký cho con tham gia các câu lạc bộ hoặc hoạt động ngoại khóa như thể thao, nghệ thuật hay các lớp học thêm. Điều này không chỉ giúp con phát triển kỹ năng mà còn tạo cơ hội để con gặp gỡ và kết bạn với nhiều trẻ khác.

Tổ chức các buổi gặp gỡ: Bạn có thể tổ chức các buổi vui chơi, ăn uống tại nhà hoặc công viên, mời bạn bè của con đến tham gia. Điều này giúp con tạo mối liên kết với bạn bè một cách tự nhiên hơn.

Giáo dục về sự đồng cảm: Dạy cho con hiểu rằng mỗi bạn bè đều có hoàn cảnh và cảm xúc riêng. Khuyến khích con chia sẻ và lắng nghe, từ đó xây dựng những mối quan hệ chân thành.

Dạy con biết khiêm tốn: Giúp con nhận ra rằng sự khiêm tốn và lòng tốt mới là những phẩm chất đáng quý. Việc không quá chú trọng vào bề ngoài sẽ giúp con dễ dàng kết nối với những người xung quanh.

Khuyến khích sự tự lập: Hãy để con tự quyết định về phong cách của mình, điều này sẽ giúp con có được sự tự tin trong chính bản thân mà không cảm thấy áp lực từ những gì người khác nghĩ.

Theo Phan Nguyễn (Ghi)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tâm sự mẹ bỉm