Lương hưu mỗi tháng 12 triệu, mẹ chồng chỉ góp tiền ăn 1 triệu, nghe lý do tôi "cứng họng"

Trang Tri - Ngày 04/09/2024 18:00 PM (GMT+7)

Tôi không ngờ mẹ chồng lại có thể nói ra được những lời này.

Sống với bố mẹ chồng, tuy có thể không được tự do và thoải mái so với ở riêng, nhưng quả thực khi đã làm mẹ, sinh con, những mẹ bỉm sữa sẽ cảm thấy được ở với ông bà là một điều tuyệt vời không phải ai cũng có được. Bởi ngoài con cái, ông bà sẽ dồn toàn bộ tình yêu thương, sự quan tâm cho những đứa cháu của mình. Có ông bà hỗ trợ, bố mẹ sẽ đỡ vất vả và có điều kiện để ra ngoài kiếm tiền.

Tôi hiện tại vừa lên chức mẹ bỉm sữa được 8 tháng. Gia đình nhỏ sống chung cùng với ông bà nội của con. Bố mẹ chồng tôi đều đã đến tuổi hưởng già, tuy nhiên do ngày trước mẹ chồng làm giáo viên nên giờ dù đã về hưu nhưng mỗi tháng bà vẫn nhận được 12 triệu. Nhờ vào tiền lương hưu, bố mẹ chồng dư dả. Không như vợ chồng tôi, chỉ có chồng cày cuốc cực khổ, còn vợ thì đã nghỉ việc để ở nhà chăm con.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Lương chồng tôi nuôi 3 miệng ăn đã không xuể, vậy mà còn sống với bố mẹ chồng nên tiền ăn cũng thêm vào 2 khẩu phần. Thú thực thì ở thời điểm kinh tế khó khăn hiện tại, mức lương của ông xã tôi cũng gọi là tạm ổn, 20 triệu/tháng. Thế nhưng, bao lâu nay gia đình vẫn không tiết kiệm được đồng nào. Vì chồng không chỉ lo cho mẹ con tôi, mà còn phải lo cả phần của bố mẹ. Tháng nào cũng chi tiêu đủ thứ, nào là tiền điện, tiền ăn uống đi chợ, tiền mua sắm, thuốc thang, đi lại…

Mặc dù mỗi tháng mẹ chồng có góp vào 1 triệu tiền ăn, nhưng không đáng kể, với số tiền ít ỏi đó thì cũng chả thấm vào đâu cả. Trước tình hình này, một hôm tôi có mở lời với mẹ chồng về việc phụ thêm tiền để vợ chồng có dư mà tích góp mua nhà. Nào ngờ lại nhận được lời từ chối rất dứt khoát từ mẹ chồng, bà nói lý do khiến tôi đứng hình và cứng miệng không biết phải đáp trả thế nào. 

Cụ thể, bà nội của con đã thẳng thắn nói rằng, đáng lý ra việc bà giúp vợ chồng tôi chăm sóc con cái thì phải nhận được một khoản trả công. Thế nhưng, từ trước đến nay bà lại chả nhận được chút gì, chính vì lẽ đó mà mẹ chồng cho rằng, bà đã bỏ công thì vợ chồng tôi phải bỏ tiền. Coi như số tiền lương trả cho bà trông cháu mỗi tháng sẽ được quy ra bằng tiền chi tiêu, ăn uống của cả gia đình.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Mặc dù tôi hiểu trong tình huống này, mẹ cũng có cái lý của mẹ, nhưng với hoàn cảnh gia đình tôi hiện tại, rõ ràng mẹ chồng là người hiểu rõ nhất, tại sao bà còn muốn lấy tiền của các con chứ. Dù sao cũng là bà nội ruột, vậy mà trông cháu còn phải đòi tiền lương giống như bảo mẫu và giúp việc hay sao. Trong chuyện này, tôi thấy mẹ chồng có chút tính toán, chứ thực tế ngoài kia cũng rất ít ông bà nào chăm cháu mà đòi con cái trả tiền. Mọi người thấy tôi nói có đúng không, ai cùng cảnh ngộ với tôi thì cho tôi chút lời khuyên…

Tâm sự từ độc giả hanhnhan…@gmail.com

“Có nên trả lương cho ông bà khi chăm cháu” là một vấn đề mà rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Theo quan điểm của Chuyên gia Tâm lý Quang Thị Mộng Chi, việc trả tiền thuê ông bà chăm cháu nên hay không sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh riêng của từng gia đình, và quan điểm riêng của ông bà cũng như con cháu như thế nào. Trong trường hợp ông bà có điều kiện kinh tế khá giả, muốn trông nom cháu vì lo lắng nhờ người ngoài thì không yên tâm hay muốn đỡ đần con cái về mặt tài chính, hoặc trong trường hợp ông bà xem việc con cái trả tiền là điều gì đó không hợp lý, thậm chí là thiếu tôn trọng ông bà thì việc trả tiền là tuyệt đối không nên.

Còn trong trường hợp ông bà cũng không khá giả, vẫn cần phải lo đời sống hoặc còn cần phải chăm sóc các cụ lớn tuổi thì việc cân nhắc gửi tiền chăm cháu để ông bà bớt phần gánh nặng kinh tế là điều nên làm. Nhưng gửi như thế nào, gửi bao nhiêu cũng cần cân nhắc điều kiện kinh tế của con cái. Đặc biệt, cách gửi tiền như thế nào cũng là vấn đề đáng được cân nhắc.

Trong thực tế, con cái biếu bố mẹ tiền tiêu vặt cũng là lẽ thường, việc này giúp ông bà cảm thấy được quan tâm, cảm thấy yên tâm vì con cái đã trưởng thành, có thể tự lo về kinh tế. Nhưng một số người có quan điểm là cho ra cho, trả tiền trông cháu thì đó là tiền công riêng. Nên phải tùy suy nghĩ của ông bà và con cái mà có cách cư xử tương ứng, nếu hai bên ông bà và con cháu không thống nhất được điều này cũng dễ dẫn đến xung đột.

Đồng thời, khi nhờ ông bà chăm cháu thì vợ chồng trẻ cũng cần thống nhất quan điểm về chăm sóc và nuôi dạy bé, để không gặp phải trường hợp "trống đánh xuôi kèn thổi ngược", không những mất hoà khí mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức của trẻ (vì trẻ không hiểu đâu là đúng, đâu là tốt để học hỏi và ứng dụng). Nên nếu thấy không thể thống nhất được quan điểm thì nên tìm cách khác để chăm sóc con thay vì nhờ ông bà, vì có thể đánh mất tình cảm gia đình.

Vì vậy, cần xem xét hoàn cảnh, suy nghĩ của đôi bên rồi thống nhất một cách hiểu về việc chăm cháu như thế nào, là trông giúp hay trả tiền thuê, thậm chí việc trả tiền chăm cháu cho ông bà công khai hay ngầm hiểu thì cũng cần cân nhắc và phải có sự đồng lòng từ phía hai vợ chồng.

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ trẻ nên hiểu việc chăm sóc con cái là việc của bản thân, không phải trách nhiệm của ông bà, để dù có trả tiền để nhờ ông bà chăm cháu hay không thì cũng cần biết ơn ông bà đã dành thời gian và công sức để chăm bé và thể hiện sự biết ơn đó để ông bà được ấm lòng.

Về quê đón con lên phố sau nghỉ lễ, tôi sôi máu khi thấy đứa trẻ với bố chồng
Về ở với ông bà nội mới vài ngày, tôi đã không còn nhận ra con gái của mình.

Tâm sự mẹ bỉm

Theo Trang Tri
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tâm sự mẹ bỉm