Trẻ 7 tháng ăn hay bị nôn có thể xuất phát từ nguyên nhân sinh lý và bệnh lý. Do vậy, mẹ cần phải đặc biệt chú ý và theo dõi tình trạng nôn trớ của trẻ để tìm ra cách khắc phục phù hợp nhất.
Bước sang tháng thứ 7 là thời điểm mà trẻ đã bắt đầu làm quen với chế độ ăn dặm và những loại thực phẩm mới ngoài sữa mẹ, sữa công thức. Vì thế, tình trạng bé 7 tháng ăn bị nôn khiến nhiều mẹ lo lắng. Việc trẻ ăn sau khi nôn cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh nghiêm trọng như bệnh viêm màng não, viêm dạ dày ruột, viêm não... Do vậy, mẹ cần phải theo dõi sát xao trẻ khi bé bị nôn để kịp thời khám chữa.
Trẻ 7 tháng ăn hay bị nôn thường do nhiều nguyên nhân khác nhau. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân khiến trẻ 7 tháng ăn hay bị nôn
Bé 7 tháng ăn hay bị nôn có thể là do nhiều các nguyên nhân khác nhau. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này như:
Nguyên nhân nôn trớ do bệnh lý
- Trào ngược dạ dày - thực quản: Tình trạng này thường gặp phải ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do vòng van giữa dạ dày - thực quản vẫn chưa đủ mạnh để cản trở thức ăn trào lên thực quản, đôi khi trào lên miệng của bé. Trào ngược dạ dày thực quản thường sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần và gây phiền toái, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
- Viêm dạ dày ruột: Viêm dạ dày ruột là một bệnh nhiễm trùng đường ruột. Đó là nguyên nhân phổ biến gây nôn trớ ở trẻ em và thường kéo dài vài ngày.
(Ảnh minh họa)
- Dị ứng thực phẩm: Dị ứng thực phẩm có thể gây nôn ở trẻ em, cũng như các triệu chứng khác, chẳng hạn như nổi mẩn đỏ, ngứa trên da (mề đay) và sưng mặt, quanh mắt, môi, lưỡi hoặc vòm miệng.
- Các bệnh nhiễm trùng khác: Nôn trớ đôi khi có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng khác ngoài viêm dạ dày ruột, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs), nhiễm trùng tai giữa, viêm phổi hoặc viêm màng não. Cần phải liên hệ với bác sĩ ngay nếu trẻ gặp các triệu chứng khác như sốt cao, khó chịu.
- Viêm ruột thừa: Là tình trạng ruột thừa sưng đau, một túi giống như ngón tay nối với ruột già. Nó gây ra cơn đau bụng dữ dội và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
Nếu bé vừa nôn trớ lại bị đau bụng dần dần trở nên tồi tệ hơn, cần phải đưa bé đến trung tâm y tế gần nhất ngay lập tức. Trong hầu hết các trường hợp viêm ruột thừa, ruột thừa sẽ cần được phẫu thuật cắt bỏ càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, trẻ 7 tháng tuổi ăn vào bị nôn còn có thể là do hội chứng không dung nạp, dị ứng thức ăn, bị nhiễm trùng đường ruột, lồng ruột, tắc ruột hoặc tại những nơi khác của cơ thể.
Nguyên nhân do tâm lý
Việc cho trẻ ăn không đúng cách cũng có thể là nguyên nhân khiến bé 7 tháng ăn hay bị nôn. Những nguyên nhân này bao gồm như:
- Cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn hoặc uống quá nhiều sữa, bú quá no, ép bé ăn uống quá ngưỡng cho phép khiến bé ăn hay bị nôn.
- Cho trẻ ăn một loại thức ăn nào đó làm cho trẻ bị ngán, không muốn ăn.
- Mẹ cho bé bú không đúng tư thế, đưa bé bú bình cũng chưa đúng cách làm cho trẻ nuốt phải quá nhiều khí trong dạ dày, gây ra tình trạng nôn trớ sau khi ăn xong.
- Trẻ vừa ăn no xong đã cho trẻ nằm, ép bé ngủ, quấn chăn quá chặt làm cho trẻ bị khó thở và nôn trớ.
Trẻ bị ép ăn quá nhiều cũng gây nên tình trạng nôn trớ. (Ảnh minh họa)
Cách khắc phục tình trạng bé 7 tháng ăn hay bị nôn
Đối với cách khắc phục nguyên nhân khiến bé bị nôn do tâm lý, mẹ chỉ cần điều chỉnh việc ăn uống của trẻ sao cho khoa học là cũng có thể hạn chế được tối đa tình trạng này như:
- Không nên ép bé ăn quá nhiều, cho bé ăn khi bé đói để giảm cảm giác chán ăn, bị sợ hãi khi nhìn thấy đồ ăn.
- Cho trẻ ăn thêm loại thức ăn mới để trẻ không bị ngán.
- Chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày nhưng vẫn đảm bảo được đầy đủ khối lượng.
- Sau khi trẻ vừa mới ăn hoặc bú xong, không nên đặt trẻ nằm ngay mà hãy cho bé thư giãn, chơi đùa nhẹ nhàng trong khoảng 10-15 phút.
- Pha sữa công thức cho bé đúng theo công thức đã được hướng dẫn.
- Chú ý đến cách cho bé ăn dặm cũng như cách bé bú để tránh tình trạng trẻ nuốt phải không khí vào trong dạ dày gây nên tình trạng chướng bụng, đầy hơi.
Sau khi trẻ ăn xong không nên bế xốc trẻ lên ngay, sẽ rất nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Đối với những nguyên nhân trẻ 7 tháng bị nôn do bệnh lý, bên cạnh việc tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong điều trị, bố mẹ cũng nên lưu ý đến những biện pháp khắc phục tại nhà như:
- Sử dụng loại thức ăn đặc hơn, nên cho trẻ ăn từ từ, mỗi lần một chút và chia làm nhiều lần trong ngày để tránh tình trạng làm căng dạ dày của trẻ quá mức.
- Giúp bé ợ hơi sau khi bú hoặc ăn xong, người nhà hãy bế trẻ lên và khum tay, vỗ nhẹ nhẹ vào lưng để bé tự ợ hơi. Lượng không khí mà trẻ nuốt phải vào dạ dày chính là nguyên nhân trẻ bị nôn trớ, vỗ ợ hơi là để làm giảm và giúp tống được lượng không khí này ra ngoài.
- Điều chỉnh tư thế nằm hợp lý để tránh tình trạng trào ngược. Khi cho bé nằm, cần phải đặt bé ở tư thế cao đầu, thân mình phía trên luôn cần phải cao hơn phần phía dưới. Đối với trường hợp trẻ bị ọc sữa nhiều thì nên cho trẻ nằm nghiêng sang một bên để giúp chất nôn không bị hít vào phổi.
Lưu ý là người nhà tuyệt đối không được xốc bé lên ngay khi đang nôn trớ vì điều này có thể làm tăng nguy cơ sặc dịch ói vào trong phổi, rất nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
- Tốt hơn hết nên cho trẻ ăn chầm chậm, mỗi lần ăn một ít và chia làm nhiều lần trong ngày để tránh tình trạng làm căng dạ dày quá mức.
Khi tình trạng nôn của bé ngày càng tăng cao hoặc có những biểu hiện như nôn ra máu, nôn dữ dội, nôn nhiều lần trong ngày, bỏ bú bỏ ăn kéo dài, sốt trên 39 độ cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám kịp thời.