Lê Dương Bảo Lâm và vợ rất để tâm đến việc dạy con học mỗi tối, cả hai vợ chồng cùng hợp sức giải bài tập, giúp con gái làm bài tập về nhà.
Học cùng con là một cách thức vô cùng hiệu quả, vừa giúp con cũng cố kiến thức, vừa gắn kết tình thân của gia đình. Tâm lý của các con luôn mong muốn có cha mẹ quan tâm, ngồi học cùng con, các con cảm nhận được tình yêu thương từ đó. Đặc biệt là các con đang học Tiểu học, Trung học, đây là thời kỳ vàng trong quá trình hình thành phát triển của con.
Lê Dương Bảo Lâm kết hôn với Quỳnh Quỳnh (tên thật Quỳnh Anh) vào năm 2017. Hiện nay, cặp đôi đã có với nhau 3 con, trong đó Bảo Nhi (5 tuổi), Bảo Ngọc (3 tuổi) và Dĩ Kha (1 tuổi).
Tổ ấm của Lê Dương Bảo Lâm và Quỳnh Quỳnh.
Nam diễn viên khá chú trọng vào việc đầu tư học tập cho con. Ngoài việc học trên lớp, ông bố 3 con còn cho con học thêm một số môn năng khiếu từ nhỏ như múa để phát triển toàn diện cả thể chất và tâm hồn.
Quan tâm đến việc học của con nhưng Lê Dương Bảo Lâm lại không đặt nặng áp lực học tập với con. Anh từng chia sẻ: "Đối với tôi, tôi không cần con tôi học giỏi gì hết, chỉ cần khỏe mạnh thôi. Tôi và Quỳnh cố gắng tất cả mọi thứ để cho các con. Sau này học giỏi cũng được, không có nghề nghiệp cũng được, cha mẹ đã tạo nên nền tảng sẵn cho mấy bé thôi. Chỉ cần sống tốt, làm người tử tế là được rồi".
Tài sản quý giá nhất của nam diễn viên Lê Dương Bảo Lâm là 3 đứa con.
Mới đây, trên trang cá nhân, ông bố 3 con chia sẻ một đoạn video mà vợ chồng anh cùng hướng dẫn con gái Bảo Nhi làm Toán lớp 1. Đề bài có một chút đánh đố nên cả anh và Quỳnh Quỳnh phải mất thời gian để suy nghĩ, anh than thở: "Một người học mà cả nhà đau đầu nha, mới học lớp 1 thôi đó mà sao khó quá trời".
XEM VIDEO: Vợ chồng Lê Dương Bảo Lâm cùng dạy con làm bài tập về nhà.
Trong đoạn video, vợ chồng nam diễn viên sau khi tìm được cách giải, Quỳnh Quỳnh đã giải thích lại cho con gái nhưng cô bé vẫn chưa hiểu, Lê Dương Bảo Lâm vẫn kiên trì để thay vợ giảng bài cho con, thậm chí còn kêu vợ mang đủ loại trái cây xuất hiện trong đề bài tới để ví dụ cho con dễ hiểu hơn.
Quỳnh Quỳnh tận tình hướng dẫn con giải bài tập.
Lê Dương Bảo Lâm kiên nhẫn giải thích từng chút một cho con gái Bảo Nhi.
Hình ảnh một ông bố kiên nhẫn ngồi học cùng con của Lê Dương Bảo Lâm khiến nhiều người ngạc nhiên vì khác hẳn với một danh hài hoạt ngôn, năng động trên màn ảnh. Đa số cộng đồng mạng dành lời khen cho ông bố 3 con, dù bận rộn với công việc nhưng luôn dành thời gian học tập và vui chơi cùng các con. Anh từng chia sẻ, vợ chồng anh luôn cố gắng mọi thứ vì con, tạo dựng một nền tảng kinh tế vững vàng cho con, trong cách dạy dỗ cũng không áp đặt, ép buộc con cái bất cứ điều gì cả.
Lê Dương Bảo Lâm được khen ngợi là một ông bố mẫu mực thời hiện đại.
Thực tế, kiến thức của trẻ khi vào tiểu học hiện thay đổi khá nhiều so với cách dạy học ngày xưa của bố mẹ, dẫn đến nhiều phụ huynh cũng gặp phải trường hợp bối rối như vợ chồng Lê Dương Bảo Lâm. Vì vậy, bố mẹ có thể tham khảo những lưu ý khi bố mẹ học cùng con dưới đây giúp việc hỗ trợ con học ở nhà được hiệu quả hơn
Dạy con học tại nhà phải tập trung, chuyên tâm cùng con
Nhiều cha mẹ trong khi con học lại bật tivi xem ở ngoài phòng khách, khiến bản thân đứa trẻ cũng nhấp nhổm, sốt ruột muốn ra xem cùng. Như vậy, chất lượng học của trẻ sút giảm, bởi trẻ thấy ai cũng "xả hơi", mỗi mình mình phải học. Hay ví dụ khác, nhiều cha mẹ lúc dạy con học còn tranh thủ đọc tin, lướt mạng xã hội... bởi lý do "đi làm đủ mệt rồi, chỉ muốn thư giãn".
Theo các chuyên gia, nên dành cho con một chỗ học yên tĩnh, xa tivi, xa chỗ ồn ào. Bạn ngồi cùng một phòng con, nhưng con trong khi con tập trung làm bài, cha mẹ có thể đọc sách. Khi cha mẹ thể hiện sự nghiêm túc, tập trung với công việc đọc sách của mình, trẻ cũng chuyên tâm theo.
Cha mẹ bắt trẻ học không ngưng nghỉ
Trẻ em hiếu động, không khó hiểu khi chúng ngồi học mà hết ngứa chân tay, đầu tóc, rồi lại khát nước, đói bụng... Vì thế, nên cho trẻ thời gian nghỉ ngơi giữa buổi học. Ví dụ, bạn nên đề nghị trẻ học 30 phút rồi nghỉ khoảng 10 phút, rồi lại ngồi vào học. Việc "nghỉ giải lao" ngắn cũng giúp cơ thể trẻ vận động nhẹ nhàng, tránh buồn ngủ khi học bài. Việc cho trẻ nghỉ cũng cho chúng thấy cha mẹ thấu hiểu phần nào sự vất vả học hành và sẵn sàng chia sẻ với trẻ.
Cha mẹ kè kè giám sát con
Nhiều cha mẹ than thở rằng: "Chỉ cần rời mắt ra một cái là nó làm sai, hoặc làm nhếnh nhoáng cho xong để chạy ra chơi". Đương nhiên đứa trẻ ở lứa tuổi tiểu học hiếu động, điều này là không tránh khỏi. Nhưng việc cha mẹ nói ra như vậy cũng cho thấy sự thiếu tin tưởng với con cái, phóng đại vai trò bản thân như một người giám sát, vô tình khiến đứa trẻ trở nên phụ thuộc và chậm trễ trong việc hợp tác với cha mẹ.
Việc cha mẹ can thiệp quá mức vào việc làm bài tập của con làm giảm tính độc lập của chúng, giảm khả năng chủ động làm bài tập, dần hình thành tâm lý cha mẹ giục mới làm bài, chỗ nào khó lại ì èo đòi cha mẹ giảng. Do đó, ngồi kè kè bên con, chỉ cho con từng lỗi sai, từng câu trình bày hoàn toàn không phải cách làm khoa học. Thậm chí, đây còn là sự "quản thúc tại gia".
Hãy để con tự làm bài tập theo khả năng của chúng, động viên con tự tìm cách giải bài. Khi chúng hoàn tất bài, bạn sẽ giúp con rà soát, chỉ cho con những lỗi sai, từ đó trẻ có thể hiểu được bản chất vấn đề và không lặp lại lỗi tương tự. Khi con gặp khó, cần hỗ trợ, cha mẹ nên gợi mở bằng những câu hỏi khuyến khích sự tìm tòi, khuyến khích sự tò mò, để trẻ tự lần tìm ra cách giải bài phù hợp.
Cha mẹ áp đặt tư duy người lớn vào tư duy đứa trẻ
Đây là sai lầm phổ biến của nhiều cha mẹ. "Tại sao dễ thế này mà không hiểu?", "Tại sao chỉ mãi không biết làm?" là những câu phổ biến mà nhiều cha mẹ thốt lên.
Thực tế đây là một sai lầm: Họ đang áp đặt tư duy của mình vào tư duy của trẻ. Thậm chí, nhiều cha mẹ còn mang cả các phương pháp giải của cấp học cao hơn để áp đặt vào cấp tiểu học, trong khi trẻ chưa thể nào tiếp cận phương pháp đó. Sự "lệch pha" này dẫn đến việc cha mẹ hiểu một đằng, con hiểu một nẻo, làm mỗi buổi học trở thành cực hình cho cả hai. Thêm vào đó, khi thấy trẻ không hiểu ý của mình, nhiều cha mẹ mắng mỏ, gào thét, còn đánh đập, làm đứa trẻ sợ hãi, áp lực tâm lý đến mức mất đi khả năng tư duy với bài tập. Chất lượng buổi học như vậy không thể bảo đảm. Trẻ có thể còn có tâm lý sợ sệt khi bố mẹ ngồi bên dạy học, cũng không dám hỏi họ những điều mà trẻ chưa hiểu.
Đồng hành cùng con trong quá trình học hành hoàn toàn là một nhiệm vụ không đơn giản. Nếu bạn đi làm vất vả, thì đừng quên trẻ cũng trải qua một ngày đi học mệt nhoài. Thế nên, thay vì gây thêm áp lực cho trẻ, cần phải bắt đầu từ việc đồng cảm. Khi trẻ gặp khó trong việc giải quyết bài về nhà, nên dành chút thời gian tìm hiểu phương pháp giải bài theo đúng trình độ của trẻ, sau đó áp dụng để giảng cho trẻ hiểu hơn.