Tình tiết phim Hoa Hồng Trên Ngực khiến người xem phải trăn trở trước việc ly hôn là chuyện của người lớn nhưng những đứa trẻ lại bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Hoa Hồng Trên Ngực Trái: Bé Bống giả bệnh để phản đối Bảo đến với mẹ của em (Nguồn video: Fanpage phim)
Một cuộc hôn nhân thất bại cũng giống như tấm kính không chịu được lực đến hồi vỡ vụn, với những mảnh vỡ sắc nhọn bắn ra khắp nơi, làm tổn thương tất cả người trong cuộc. Ly hôn là chuyện của hai vợ chồng, nhưng người chịu ảnh hưởng tiêu cực lại không chỉ là các cặp cha mẹ mà còn có cả những đứa con.
Nếu không được nuôi dạy phù hợp, chuẩn bị tốt tâm lý để đối mặt với mất mát về mặt gia đình, trẻ em sẽ phải chịu căng thẳng không đáng có, dẫn đến hành động thất thường và sự phát triển lệch lạc về mặt tính cách.
Bé Bống trong Hoa Hồng Trên Ngực Trái chính là điển hình cho đứa trẻ bị mắc kẹt trong cuộc ly hôn của cha mẹ. Từ một cô bé đáng yêu, trong sáng, bé bị cuốn vào cơn bão chia ly trong gia đình. Và sau cuộc chia ly, đứa trẻ dễ mến ngày nào lại liên tục có cách ứng xử hỗn hào, gắt gỏng đầy phản cảm với những người đàn ông xung quanh mẹ.
Dẫu chỉ đang quan sát một câu chuyện trên màn ảnh, qua diễn biến tâm lý của nhân vật bé Bống, khán giả vẫn có thể nhận ra sự tương đồng giữa phim và đời thực, nhất là tầm quan trọng của việc giáo dục con cái sau ly hôn.
Hậu ly hôn của bố mẹ: Bống vừa đáng thương vừa đáng giận
Những đứa con luôn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi sau cuộc chia tay của bố mẹ. Khi một cuộc hôn nhân chấm dứt, những người vợ như Khuê được giải thoát khỏi ông chồng tồi tệ.
Các cặp vợ chồng lúc đó sẽ trở thành người dưng và có quyền bắt đầu một cuộc đời mới, một khởi đầu mới. Nhưng những đứa trẻ đã mãi mất đi một gia đình, một mái nhà quen thuộc nơi chúng được ở bên cả bố lẫn mẹ.
Với bé Bống, bé Mun, việc bỗng dưng phải sống xa bố hoặc mẹ, và không được thường xuyên gặp gỡ chị/em chính là tổn thương đầu đời mà các em buộc phải chịu đựng. Với trẻ em, cha mẹ chính là chỗ dựa đầu tiên, nên khi chỉ được sống với một trong hai người, các em đều thấy chênh vênh.
Mun còn bé nên tâm lý chưa chịu nhiều tác động, còn Bống lớn hơn nên đã chớm thấm thía nỗi buồn của sự chia cách, và vì vậy em cũng đáng thương hơn.
Đứng trước quyết định của người lớn, Bống chỉ có thể nghe theo và chấp nhận sống với bố dù trước đó em chỉ muốn được ở bên mẹ và em gái. Ở tuổi ăn tuổi lớn, Bống đã bớt đi phần sự vô tư và hồn nhiên như các bạn cùng trang lứa bởi em còn phải bận tâm đến hạnh phúc gia đình và sự tái hợp của bố mẹ.
Cũng vì khao khát hạnh phúc mà từ một cô bé đáng thương, Bống trở nên gay gắt thậm chí là xấc xược với người lớn. Từ chú nhân viên ở chỗ làm của mẹ đến chú Bảo đều trở thành đối tượng bất đắc dĩ cho những pha trừng mắt, đối đáp thiếu tôn trọng của Bống.
Thậm chí, Bống còn lấy bệnh tật của mình ra để yêu cầu mẹ đuổi chú Bảo đi. Bống đáp lại sự tử tế, tốt bụng của chú Bảo và những người đàn ông khác bằng thái độ rất bất lịch sự, hỗn hào, giống như một đứa trẻ không được giáo dục tốt.
Và quả thật, vấn đề nằm ở chính cách Bống đã được bố Thái dạy bảo, hay đúng hơn là xúi giục, rằng không được để bất cứ người đàn ông nào khác lại gần mẹ Khuê, có như vậy gia đình mới có thể về lại bên nhau. Nếu như trước đây, hành động Bống chọc tức Trà bằng cách bỏ gián vào hộp trang điểm hay giả bệnh là do bột phát, và vẫn có thể thông cảm vì Trà là kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình.
Nhưng đến khi Bống nổi giận với ngay cả những người tốt thì cô bé đã không còn phân biệt được đúng sai. Lợi dụng mong ước đoàn tụ gia đình của con gái, Thái đã tác động đến bé Bống, biến bé thành một đứa trẻ đầy khó chịu trong mắt người khác.
Giáo dục con cái hậu ly hôn
Sau ly hôn, hẳn những người làm cha, mẹ như Khuê và Thái vẫn đều mong con cái không vì cuộc chia ly mà bị sa sút tinh thần. Chia tay là điều không ai chờ đợi, nhưng khi nó buộc phải xảy ra thì hầu hết cha mẹ đều muốn giảm tổn thương cho con, để con vẫn lớn lên một cách lành mạnh như một đứa trẻ hạnh phúc. Tuy vậy, giống như Khuê và Thái, sau ly hôn không phải ai cũng biết cách nuôi dạy con đúng đắn để con phát triển tích cực.
Trong vai trò một người cha nuôi dạy con gái sau ly dị, Thái đã làm một điều có tác động xấu đến bé Bống, đó là biến con thành người truyền đi các thông điệp của mình. Với mong muốn được hàn gắn với Khuê, Thái kéo bé Bống về cùng một phía với mình, dặn dò bé “để ý” mẹ chặt chẽ và cảnh giác với những “vệ tinh” tiềm năng xung quanh mẹ.
Thực chất, xua đuổi những người đàn ông ở cạnh Khuê là điều Thái muốn làm nhưng lại không tiện do đã ly hôn, nên anh ta đã nhờ đến sự giúp đỡ của con gái. Hành động của Thái cũng không khác nào một số cha mẹ bất hòa thường xuyên nhờ cậy đến con để truyền tin, bày tỏ suy nghĩ cho bên kia, dù động cơ của anh ta thoạt đầu nghe có vẻ rất hợp lý – giúp con có một mái ấm gia đình.
Cách dạy con của Thái đã đưa con gái thành “quân tốt” trong mâu thuẫn qua lại giữa cha mẹ, gây căng thẳng tâm lý cho con và khiến Bống có cách hành xử gây thất vọng với người lớn. Cuộc ly hôn là của hai cha mẹ, và trong bất cứ hoàn cảnh nào cha mẹ cũng không nên kéo con cái vào cuộc hay thao túng tình cảm của con, tác động để con đứng về phía mình.
Về phía Khuê, chính cô cũng chưa chuẩn bị tốt tâm lý cho con để đối mặt với cuộc sống không có đầy đủ bố mẹ. Trước thái độ gay gắt của bé Bống với chú Bảo và nhân viên xưởng xe, Khuê chỉ quở trách con mà chưa xem kỹ lại nguyên nhân cách hành xử kỳ lạ của Bống.
Vốn là người hiền lành, chân thật, Khuê cũng luôn giáo dục hai con cư xử lễ phép và ngoan ngoãn, cô cũng chưa từng níu kéo con đứng về phía mình như Thái, hay nói xấu bố trước mặt con, chia cách tình cảm giữa Thái và hai con. Nhưng vậy vẫn là chưa đủ.
Giá như Khuê dành thêm thời gian để giải thích với Bống rằng: dù bố mẹ chia tay nhưng con vẫn sẽ có đủ cả bố và mẹ trên hành trình trưởng thành, vẫn có cả sự quan tâm từ cả hai phía, cả bố và mẹ vẫn bên con như trước; quyết định ly hôn đã được bố mẹ cân nhắc kỹ càng và sẽ không thay đổi; gia đình cũ mất đi nhưng cùng với đó sẽ có những người mới thật lòng quan tâm đến con.
Những cuộc trò chuyện chân thành, cởi mở với con về chuyện ly hôn hẳn sẽ không hề dễ dàng với một đứa trẻ đang lớn như Bống. Tuy vậy, về lâu dài, cách làm này sẽ giúp con giải tỏa mọi khúc mắc, từ đó có thể mạnh mẽ và tích cực hơn để bắt đầu một chặng đường mới.
Không phải cuộc chia ly nào cũng đều đau khổ
Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 có câu chuyện Cuộc Chia Tay Của Những Con Búp Bê (Khánh Hoài) kể về hai anh em phải xa nhau khi bố mẹ ly hôn, đã trở nên thân quen với biết bao thế hệ học sinh. Những em nhỏ học lớp 7, hoặc nhỏ tuổi hơn, có hiểu gì về ly hôn, về những cuộc chia tay của những món đồ chơi búp bê, vệ sĩ theo chân hai anh em trong truyện về hai ngả?
Các em hiểu chứ, cũng như hai bạn nhỏ trong truyện, cũng như Bống và Mun trong Hoa Hồng Trên Ngực Trái đều biết rằng bố mẹ chia tay đồng nghĩa với việc gia đình tách đôi, không bao giờ còn quay về nguyên vẹn.
Ly hôn là trải nghiệm đầy khó khăn với cả người lớn và trẻ nhỏ. Nhưng chính cách ứng xử và giáo dục trẻ em của người lớn sẽ quyết định việc những trải nghiệm khó khăn ấy có ảnh hưởng thế nào đến tương lai của trẻ. Dù không còn chung sống, cha mẹ vẫn cần thống nhất với nhau về cách nuôi dạy con, không để mâu thuẫn giữa hai người làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của con và mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái – những người xung quanh.
Nếu ví mỗi đứa trẻ như một đóa hoa, thì trẻ em đến từ các gia đình đổ vỡ, như Bống, Mun, chính là những nụ hoa mong manh cần được cha mẹ cố gắng gấp nhiều lần để quan tâm, chăm sóc và bù đắp thiếu thốn về tình cảm. Có như vậy, những đứa trẻ mới dần hiểu được rằng, không phải cuộc chia ly nào cũng đều đau khổ.
Khi một chặng đường cũ khép lại, một cánh cửa mới đầy tươi sáng sẽ mở ra, chờ đợi các em bước vào, và các em luôn xứng đáng được hạnh phúc.