Nhân vật Ba Thành (Minh Đăng) trong phim Rồi 30 Năm Sau dù chết đã lâu vẫn bị nhiều khán giả ghét bỏ.
Trailer Rồi 30 Năm Sau.
Rồi 30 Năm Sau hiện vẫn nhận được sự yêu thích lớn của khán giả bởi những tình tiết gay cấn, nhiều cảm xúc. Trong đó, nhân vật Ba Thành (Minh Đăng) dù chỉ xuất hiện với chủ yếu với vai trò là hồn ma báo oán nhưng vẫn nhận được nhiều sự chú ý của người xem, đôi lúc, anh lại bị khán giả lôi lên chửi.
Gã đàn ông ghen tuông, thất học
Ba Thành là em trai của Hai Nhẫn (Thanh Bình). Ban đầu, Ba Thành được yêu mến nhờ bản tính thiện lương, đàn ông. Vì muốn cứu gia đình Hải (Thanh Trúc) - đang vướng vào nợ nần, bị giang hồ siết nợ, anh đã bán hết đất đai cha mẹ để lại. Cảm ơn ân nhân, Hải và Ba Thành trở thành một đôi và có với nhau một cậu con trai trong Rồi 30 Năm Sau.
Ngỡ Hải sẽ có cuộc sống hạnh phúc khi ở bên người đàn ông hết lòng vì cô nhưng thực tế, chuỗi bi kịch bây giờ mới bắt đầu. Ba Thành vốn ít học, sau khi nghe lời xúi giục, lừa dối của người khác thì dần trở nên xốc nổi, mù quáng. Kết cục, Ba Thành rơi vào bẫy của Hai Thức (Trương Minh Quốc Thái) - người muốn chiếm đoạt Hải. Từ một người hiền lành, yêu thương vợ con, Ba Thành biến thành kẻ vũ phu, nhu nhược, mất lý trí.
Sau này, Ba Thành bị Ba Hạp (Ngọc Tưởng) vô tình đánh chết trong Rồi 30 Năm Sau. Không chỉ chết oan, anh còn bị người ta chặt đầu. Từ đó, Ba Thành trở thành hồn ma vất vưởng, còn về báo oán trong mộng cho con trai - Chẫm.
Sau này, Chẫm (Duy Long trưởng thành) muốn tìm hiểu sự thật về cái chết của cha mình. Vì tin lời người ngoài, Chẫm một mực khẳng định bác ruột là người đã giết cha mình vì có tình ý với mẹ mình. Điều này khiến khán giả phẫn nộ vì Chẫm đã phủi bỏ công ơn dưỡng dục của bác ruột suốt nhiều năm. Nhiều người còn cho rằng Chẫm có ăn có học nhưng lại nhu nhược, ngu muội tin lời người ngoài là do thừa hưởng gen di truyền của Ba Thành. Vậy nên, nhiều cư dân mạng vừa mắng chửi Chẫm vừa mắng chửi Ba Thành - người đã mất từ lâu.
Trước tình huống làm hồn ma rồi vẫn phải ăn "gạch đá", diễn viên Minh Đăng chia sẻ đầy hài hước: "Con trai giống cha thì tốt, nhưng đừng giống cái tính của cha Ba Thành… bất đồng, ngang ngược, bị người ngoài dắt mũi về làm khổ người thân nha Chẫm. Con nói năng với bác Hai Nhẫn kiểu gì mà cha chết rồi còn bị chửi vậy con trai. Thương anh hai tôi quá à".
Dù mắng nhân vật là vậy nhưng cư dân mạng lại dành nhiều lời khen cho Minh Đăng bởi anh đã thể hiện tốt từ tạo hình đến lối diễn, đài từ. Anh vừa lột tả được nét chất phác, tử tế của một anh nông dân ít học khi còn là người tốt vừa xuất sắc hoá thành một kẻ ghen tuông mù quáng, hung hăng, dữ tợn. Những phân đoạn tình cảm với vợ con khiến người xem thấy bình yên nhưng khi trở thành con ma men, Ba Thành của Minh Đăng lại khiến khán giả run sợ.
Tuổi thơ cơ cực, từng làm công nhân may
Minh Đăng là nam diễn viên đã quen mặt với khán giả qua nhiều bộ phim truyền hình: Một Nửa Nanh Cọp, Đồng Tiền Muôn Mặt, Ánh Đèn Nơi Thành Thị, Chàng Rể Tuổi Hợi… Từ trước tới nay, anh thường được các đạo diễn "chọn mặt gửi vàng" vào các vai chính diện, hướng hình ảnh nhân vật đến tạo hình có phần hiền lành, quê mùa.
Tuy nhiên, anh cũng từng đảm nhận vai phản diện Mãnh có tích cách nham hiểm, cánh tay đắc lực của "trùm" tập đoàn săn bắt - mua bán thú rừng quý hiếm trong Lời Nguyền Lúc 0 Giờ. Vai diễn này của chàng trai quê Trà Vinh cũng nhận được khá nhiều phản hồi tích cực của khán giả.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Minh Đăng từng mơ ước trở thành thầy giáo, nhà thiết kế thời trang. Tuy nhiên, tuổi thơ cơ cực, nhà đông anh em không cho phép anh theo đuổi giấc mơ đó. Anh bỏ học lên TP. Hồ Chí Minh làm công nhân ở một công ty may mặc. Nhờ chủ thương, Minh Đăng được tạo điều kiện vừa làm vừa theo học bổ túc văn hóa.
Tới khi Minh Đăng đạt được giải Nhì cuộc thi Nam Nữ Thanh Lịch 18 Thôn Vườn Trầu, anh đã quyết định bỏ nghề may, theo đuổi nghệ thuật theo lời động viên của diễn viên Trí Quang - giám khảo cuộc thi.
Anh kể về quãng thời gian trước đây: "Ban ngày đi làm, tối đi học, tôi bị bạn bè trêu chọc, rủ rê đi chơi nhiều lắm. Nhưng tôi nghĩ nếu không học, ba năm nữa mình vẫn chỉ là công nhân như họ. Tính tôi thụ động, ít nói, nên không bao giờ nghĩ sẽ làm diễn viên. Lúc học ở sân khấu kịch Hồng Vân, tôi là người diễn yếu nhất. Thầy tôi - NSƯT Hữu Châu nói người ta học một, con phải học mười mới theo được nghề này".
Dù theo đuổi nghề nhưng mãi chưa có vai diễn để đời, Minh Đăng vẫn không nản chí. Anh quan niệm chỉ cần nỗ lực, chăm chỉ thì cuối cùng cũng thu về trái ngọt. Anh tâm sự thêm: "Tôi cho rằng, nghề diễn viên rất đặc biệt bởi bạn được trải nghiệm nhiều cuộc đời khác nhau. Và để có thể hoàn thành tốt vai diễn của mình, người diễn viên cần phải tìm hiểu tỉ mỉ từ trong cuộc sống".