Phim Việt có không ít trường hợp mở đầu tốt đẹp nhưng lại dấy lên làn sóng tranh cãi trong dư luận vì đoạn kết "không ra đâu vào đâu".
Đã từ lâu, trong làng phim Việt tồn tại một quy tắc bất thành văn: mở đầu cuốn hút, diễn biến kịch tính nhưng kết thúc lại gây chưng hửng cho khán giả. Từ Chỉ còn lại tình yêu, Lời thú nhận của Eva, Những ngọn nến trong đêm 2… cho tới những phim cực hot gần đây như Zippo, mù tạt và em hay Tuổi thanh xuân 2 – tất cả đều bị chê là kết lãng xẹt, “làm cho xong”. Đây cũng là căn bệnh mãi “không có thuốc chữa”, góp phần khiến công chúng khắc sâu định kiến: Phim Việt càng xem càng… dở!
Mở đầu voi, kết thúc đuôi… chuột
Hai tuần trước, phần 2 bộ phim hợp tác Việt - Hàn “Tuổi thanh xuân” đã chính thức khép lại với cái kết có hậu nhưng không thỏa mãn người xem. Phim cho nhân vật Junsu (Kang Tae Oh) trở về tái ngộ Linh (Nhã Phương) và làm đám cưới chóng vánh, như chưa từng có cuộc chia ly. Đây được coi là cái kết đền đáp xứng đáng cho những hy sinh đau khổ chờ đợi cả tuổi thanh xuân của nhân vật nữ chính.
Tuy nhiên, những câu hỏi đến phút chót vẫn không được giải đáp vô tình lại trở thành lỗ hổng lớn trong mạch phim. Chẳng hạn như chuyện Linh và Junsu sang Hàn làm đám cưới, vắng mặt nhạc phụ nhạc mẫu trong khi Linh là con duy nhất, hai nhà cũng chưa có cuộc gặp mặt chính thức nào… là điều hết sức phi lý.
Hay như việc Cinthya (Jung Hae Na) bỏ cuộc dù trước đó vẫn điên cuồng tìm cách giành lại vị hôn phu, Junsu mất tích suốt quãng thời gian dài bên Mỹ mà Linh vẫn dễ dàng chấp nhận… là những tình tiết khiến khán giả khó hiểu. Đặc biệt, chuyện Junsu lấy lại toàn bộ ký ức như thế nào được biên kịch hoàn toàn bỏ qua đã gây hụt hẫng cho các mọt phim chờ mong theo dõi từ đầu.
Trước Tuổi thanh xuân 2, Zippo, mù tạt và em – một phim truyền hình “ngôn tình” khác của VTV cũng gây bức xúc với đoạn kết “thêm vào” lãng xẹt: nam chính Huy (Hồng Đăng) nhảy xuống hồ mò chiếc zippo chóng vánh nhằm làm Lam (Lã Thanh Huyền) cảm động và tha thứ cho anh, cả hai có màn hôn nhau lãng mạn.
Không chỉ bị ném đá vì phi logic, việc Lam dễ dàng tha thứ cho người yêu dù anh ta hết lần này tới lần khác đẩy bạn gái vào vòng tay cậu bạn thân của mình cũng khiến khán giả phát nản. “Lạc quẻ” không kém là tình tiết Sơn (Mạnh Trường) chấp nhận từ bỏ tình yêu đơn phương sâu nặng với Lam chỉ sau một tin nhắn và tiếp đó sau 2 tháng, đã có thể cười nói đùa với Huy về chuyện họ cùng yêu một người con gái.
Quá quắt hơn, Những ngọn nến trong đêm 2 khép lại với bao hoang mang của khán giả truyền hình, dù rằng lúc chuẩn bị ra mắt, phim được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành công vang dội của phần 1 cách đây 14 năm. Tình yêu ngỡ như sâu nặng, vượt qua bao sóng gió của Quốc (Bình Minh) - Thanh Trúc (Mai Thu Huyền) hóa ra cũng không thể thắng nổi những âm mưu chia rẽ của kẻ thù, cùng định kiến “không con vô đức” của gia đình nhà chồng.
Phim mang tới một tương lai mịt mù cho cả hai cô Trúc: người từ bỏ sự nghiệp, có con nhưng không được cha đứa trẻ chấp thuận, người trở thành “nữ cường nhân” trên thương trường để quên đi thất bại tình duyên. Những tuyến vai phản diện được giao hết cho cảnh sát xử lý chỉ… sau một nốt nhạc. Dù đã “chống cháy” là kết mở song nhiều cư dân mạng sau khi theo dõi tập cuối Những ngọn nến trong đêm 2 đều đồng thuận cho rằng, đây là đoạn kết lửng lơ và thiếu nhân tính nhất mà họ biết.
Nhìn sang mảng điện ảnh, phim Việt cũng đâu thiếu những lần bị khán giả phản ứng vì đoạn kết có vấn đề. Phim Trùm cỏ của đạo diễn Phan Minh bị giới chuyên môn đánh giá là “cái kết quá nặng nề và bất ngờ đến mức phi lý. Nó khiến tính cách của các nhân vật thay đổi quá chóng vánh và người xem khó lòng có thể chấp nhận điều đó.” Hay bom tấn năm ngoái Tấm Cám: Chuyện chưa kể thì bị chê nhiều nhất ở đoạn đánh quái cuối phim.
Bài toán nào cho việc xử lý những kết thúc tệ?
Lý giải việc phim Việt có những cái kết lãng khiến khán giả mất hứng, biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương (tác giả kịch bản phim: “Trúng số”, “Con dâu”, “Pha lê không dễ vỡ”...) phân tích: “Đầu tiên, lỗi này thuộc về biên kịch, bố cục không khéo, khiến tác phẩm bị lỗi “đầu voi, đuôi chuột”. Thứ hai, vai trò của đạo diễn chưa được thực hiện tốt. Đạo diễn không xâu chuỗi khéo léo toàn bộ tác phẩm để đến đoạn kết lại “đuối”. Thứ ba, đôi khi một số phân đoạn phim không qua được cửa kiểm duyệt, buộc phải cắt, trở nên chắp vá, khiến đoạn kết không hay, đây là yếu tố khách quan”.
Suy cho cùng, dù khó tìm giải pháp cho thực trạng này thì đây vẫn là bài toán buộc phải giải dành cho những người trong giới. Bởi gout thưởng thức của khán giả giờ đây đã được nâng cấp rất nhiều và ngày càng đòi hỏi cao, dù chỉ là phim giải trí. Nếu phim Việt mãi vẫn không hoàn thiện thì công chúng chỉ còn cách “ngoảnh mặt quay lưng” với điện ảnh nước nhà để tìm xem những sản phẩm phim ảnh nước ngoài – như trước nay vẫn thế.