Việc sắp đặt cây cảnh trong phòng ngủ có ảnh hưởng trực tiếp đến vận khí của chủ nhà.
Hỏi: Tôi rất bối rối xung quanh chuyện nên hay không nên bày cây xanh trong phòng ngủ. Một số sách phong thủy tôi từng đọc đều nói rằng không nên mang cây xanh vào phòng ngủ vì chúng cần được tưới nước và nước thì không hợp với phòng ngủ. Nhưng tôi cũng đọc được rằng cây xanh là yếu tố tốt đẹp theo phong thủy vì chúng hấp thụ khí CO2 trong không khí.
Hiện tại, tôi muốn trang trí một vài cây xanh trong phòng ngủ. Tôi hy vọng chuyên mục sẽ giải đáp cho tôi hiểu rõ vì sao lại tồn tại quan điểm trái ngược như trên và thực tế, cây xanh là phong thủy tốt hay xấu?
Trả lời:
Chủ đề xung quanh phong thủy về cây xanh trong phòng ngủ được rất nhiều người quan tâm. Trước tiên, chúng ta hãy cùng nhìn nhận vấn đề này từ quan điểm thực tế: Cây xanh làm gì vào ban đêm? Chúng nhả khí CO2 vào trong không khí. Và con người làm gì vào ban đêm? Hầu hết thời gian này chúng ta đều dành để ngủ.
Vâng, nếu để cây xanh trong phòng ngủ, chúng ta sẽ vô tình hít phải khí CO2 không hề tốt cho sức khỏe, thay vì hít khí oxy như bình thường. Đây chính là lý do vì sao cây xanh bị coi là yếu tố không tốt lành cho phòng ngủ theo phong thủy.
Mặt khác, cây xanh đại diện cho nguồn năng lượng dương mạnh mẽ của sự phát triển, sự chuyển động, cuộc sống năng động... và đây chính xác không phải là năng lượng bạn muốn có trong phòng ngủ - nơi thuộc âm, cần nhất là sự yên tĩnh và thư thái.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải thống nhất rằng cây xanh chỉ không mang lại điều tốt lành khi hiện diện trong phòng ngủ, còn ở bất kỳ không gian nào khác trong nhà, cây xanh thực sự là yếu tố phong thủy tuyệt vời. Đặc biệt, những ngôi nhà bị ô nhiễm không khí nặng càng cần quan tâm đến cây xanh nhiều hơn.
Có rất nhiều khu vực trong nhà phù hợp để trang trí thêm cây xanh tươi tốt, chẳng hạn như khu vực Đông hoặc Đông Nam.
Nếu vẫn có ý định mang cây xanh vào phòng ngủ, bạn cần chú ý một số điểm sau:
- Trang trí cây xanh cần phù hợp với đặc điểm của phòng ngủ. Đó là sự mềm mại, thoải mái, dễ chịu và yên tĩnh. Vì vậy, khi chọn cây xanh bạn nên chọn cây có thân dài, có nhiều lá. Nên trồng các loại cây, hoa có nhu cầu về lượng nước ít như lan quân tử, văn trúc, hoàng kim cát…
- Trong phòng ngủ cũng nên bài trí loại cây lá nhỏ có màu xanh nhạt tạo cho chủ nhà cảm giác ung dung, tự tại và an nhàn.
- Đặt những cây hoa tươi ở đầu giường sẽ có hiệu quả khai vận cho gia chủ. Khi mua cây nên chọn màu sắc nhẹ nhàng làm chủ đạo, không nên chọn loại cây, hoa có màu và hương đậm để tránh sự ngột ngạt và dị ứng.
- Dành thời gian để chăm sóc chúng luôn tươi tốt. Tránh để cây ở tình trạng kém phát triển dẫn đến héo úa. Cây cối là thước đo trường khí cho căn phòng, nếu để cây chết sẽ mang điều không tốt lành cho bạn.
- Tùy thuộc vào đồ đạc và từng không gian nhỏ trong phòng để bố trí cây cảnh và hoa hợp lý. Không nên đặt những cây cảnh to bên cạnh cửa sổ làm che khuất ánh sáng và vượng khí vào nhà.
Cơ chế giải phóng khí Oxy và CO2 của cây xanh: Cây giải phóng khí CO2 trong quá trình hô hấp (đốt cháy năng lượng) được gọi là chu trình Krebs. Chu trình này không phụ thuộc vào ánh sáng nên nó diễn ra liên tục. Quang hợp là quá trình chịu trách nhiệm cung cấp khí oxy và phụ thuộc vào ánh sáng nên chỉ diễn ra vào ban ngày. Mọi hoạt động hóa học đều cân bằng nhưng quá trình hô hấp tạo ra CO2 diễn ra vào ban đêm - thời điểm quá trình quang hợp bị ngừng lại. Tuy nhiên, nhiệt độ ban ngày và ban đêm ảnh hưởng trực tiếp đến tần suất và mức độ của từng quá trình. Ở một môi trường bình thường - ban ngày ấm áp, ban đêm mát mẻ/lạnh - lượng oxy lớn hơn rất nhiều so với CO2 trong khoảng thời gian 24 tiếng. Đó là lý do vì sao chúng ta có thể hít thở thoải mái suốt cả đêm dài. Bạn có biết rằng 90% nguồn cung cấp oxy của Trái đất đến từ tảo xanh trong đại dương? Điều quan trọng cần lưu ý nữa là con người (và cả động vật) giải phòng CO2 trong từng hơi thở, cả ngày lẫn đêm. Theo tiến sĩ Richard E. Barrans Jr - Quỹ nghiên cứu PG ở Darien, Illinois, Mỹ thì thực vật tạo ra CO2 nhiều tương tự với cơ chế ở động vật. Chúng kết hợp đường (glucose) với oxy qua nhiều bước để tạo nên CO2 và nước, tạo năng lượng cần thiết để duy trì sự sống. |