Sự ra đi của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khiến nhiều đồng nghiệp và nghệ sĩ thế hệ sau đau xót, bất ngờ dù biết ông lâu nay mắc trọng bệnh.
Những phim về nông thôn dậy sóng màn ảnh
Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần trút hơi thở cuối cùng vào trưa 22/5, tại một bệnh viện ở Hà Nội. Sự ra đi của ông khiến nhiều đồng nghiệp và nghệ sĩ thế hệ sau bất ngờ và tiếc nuối, dù biết ông mắc trọng bệnh từ lâu.
Ông tự nhận mình là người làm điện ảnh có xu hướng thiên về chất thơ và thích những bộ phim lãng mạn về đề tài tình yêu, hạnh phúc.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần qua đời trưa 22/5.
Ông bắt đầu sự nghiệp với những bộ phim về tình yêu như Em còn hay em đã quên, Ngọt ngào và man trá, Mảnh đời của Huệ , Một lời nói thật… Sau đó, ông dấn thân vào dòng phim hiện thực - chính luận xã hội về đề tài nông thôn. Với ông, đề tài nông thôn, làng quê, ruộng đồng có nhiều góc để khai thác, không bao giờ cũ kỹ.
Năm 2000, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được các nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến, Khuất Quang Thụy và đạo diễn Phạm Thanh Phong "rủ" làm phim Đất và người với kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.
Ông dành nhiều thời gian tìm hiểu thực tế cuộc sống của người dân khu vực nông thôn và nhanh chóng tìm được nguồn cảm hứng với mảng đề tài này.
Đất và người nói về mâu thuẫn giữa hai dòng họ tại làng Giếng Chùa, từ đó phản ánh đời sống nông thôn miền Bắc trong thời kỳ đầu đổi mới với những điều tốt, xấu đan xen. Nhân vật Chu Văn Quềnh (nghệ sĩ Hán Văn Tình) được xây dựng với nhiều dấu ấn.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần ở bối cảnh quay Ma làng phần 2.
Khi đề tài nông thôn trên màn ảnh nóng dần lên nhờ Đất và người, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần làm tiếp phim Ma làng (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trịnh Thanh Phong). Khi lên sóng cuối năm 2007, Ma làng tạo ra cơn sốt với khán giả phim truyền hình, mở ra nhiều cuộc trao đổi, tranh luận.
Tác phẩm lấy bối cảnh một vùng quê nghèo miền Bắc những năm 1980, phản ánh cơ chế bao cấp lạc hậu. Bộ phim cũng đưa tên tuổi các nghệ sĩ Bùi Bài Bình, Kim Oanh, Phùng Cường... đến gần hơn nữa với công chúng.
Đất và Người, Ma Làng đem về cho đạo diễn Nguyễn Hữu Phần giải Đạo diễn xuất sắc tại Lễ trao giải Cánh diều năm 2002 và năm 2007. Ở Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 28 (năm 2009), bộ phim Gió làng Kình của ông nhận giải Vàng.
Đề tài nông thôn trên màn ảnh nóng dần lên nhờ những bộ phim của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng nói ông có lợi thế là xuất thân là người nông thôn nên hầu như cũng không gặp khó khăn ở mảng đề tài này.
Ông lựa chọn chủ đề nông thôn để phục vụ một bộ phận lớn khán giả. Ở Việt Nam, nông thôn là một trong những nơi tập trung nhiều nhất mâu thuẫn về gia đình, dòng họ, đất đai, quyền lực… Nếu tìm hiểu nó và khai thác đúng về những hiện trạng này, dòng phim nông thôn có thể phục vụ đến gần 70% dân số ở nông thôn, đồng thời phản ánh được tâm trạng và suy nghĩ của họ.
Đồng nghiệp nhớ "ông Phần Ma làng"
Nhận tin đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần qua đời, diễn viên Nguyễn Tùng Anh không khỏi xót xa. Anh chia sẻ với Tiền Phong nhiều kỷ niệm từ khi còn nhỏ và tham gia phim Ma làng.
"Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần gần gũi với tôi như người trong gia đình, nhiều diễn viên cũng quen gọi là bố Phần. Trên phim trường, chưa bao giờ thấy bác to tiếng, quát nạt nặng lời với diễn viên. Cách đây ít lâu tôi đến thăm, bác vẫn quan tâm đến diễn viên từng làm việc cùng, luôn hỏi han và luôn bảo cần gì giúp cứ nói với bác", Tùng Anh kể.
Anh nhớ lần đầu được gọi đến thử vai Hẹn trong Ma làng, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần hỏi trước đây từng làm phim nào chưa. Khi nam diễn viên nói đã đóng một phim nhựa, đạo diễn gạo cội khen anh rất "oách".
Diễn viên, đạo diễn Tuấn Quang (bìa phải) đăng tải bức hình kỷ niệm dịp làm việc chung với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (ngồi giữa).
Diễn viên Tùng Anh kể khi phim bấm máy, anh được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần ân cần, bảo ban vì thuộc nhóm diễn viên nhí. "Có những hôm quay muộn, bác Phần chỉ lo cho mấy đứa nhóc bị đói. Sau này đến thăm, bác còn trêu khi nào làm tiếp Ma làng phần 3 chắc chắn sẽ gọi tôi đóng vai Hẹn", anh nói.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã xúc động chia sẻ những người bạn lâu năm của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thường gọi ông với cái tên giản dị: Phần, hoặc Phần "Ma làng".
"Quen biết rồi thân nhau từ gần 40 năm trước, khi chúng tôi cùng đầu quân về Hãng phim truyện Việt Nam với bao nhiêu hy vọng và khát vọng. Nhưng thời kỳ sôi động ấy qua nhanh. Anh cùng một số đạo diễn đầu quân cho VFC, lúc đó mới bắt đầu mở ra chương trình Văn nghệ cuối tuần . Rất nhanh những người ra đi từ Hãng phim truyện Việt Nam trở thành lực lượng nòng cốt của VFC, sản xuất phim một tập, rồi nhiều tập... Anh là một trong những người làm nên thương hiệu ấy", bà Trịnh Thanh Nhã chia sẻ.
Khi biết người đồng nghiệp gắn bó với đề tài nông thôn, nhiều bạn bè của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đi từ ngạc nhiên đến tâm phục khẩu phục. Nữ biên kịch nói dù không cùng làm việc, nhóm bạn của bà và đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thường cà phê, trò chuyện chân tình. Cả nhóm du lịch cùng nhau và chia sẻ mọi điều về cuộc sống.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cùng một số bạn bè, đồng nghiệp.
"Khi anh bắt đầu có biểu hiện bệnh, chúng tôi lại thường gặp nhau hơn. Hoặc khi không thể gặp lại gọi hỏi nhau với sự lo lắng thảng thốt... Vậy mà khi biết anh vừa đi, vẫn lặng người. Chỉ là chúng tôi vẫn hy vọng anh nhập viện, rồi lại ra viện như nhiều lần trước đó", biên kịch Trịnh Thanh Nhã bày tỏ.
Năm 2015, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được trao tặng danh hiệu NSND. Ngoài làm đạo diễn, ông từng là giảng viên dạy lớp đạo diễn Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia.