Lơ đễnh, trí nhớ kém là vấn đề nhiều mẹ gặp phải trong giai đoạn sau sinh.
Sinh con là một sự kiện trọng đại, có ảnh hưởng lớn đến cả tinh thần và sức khỏe của người phụ nữ. Sau khi sinh, mẹ không chỉ phải hứng chịu những "tác dụng phụ" như đau nhức cơ thể, rụng tóc, táo bón, căng ngực, rò tiểu,... mà còn đột nhiên trở nên đãng trí không kém gì người lớn tuổi.
Những câu chuyện nấu cơm quên tắt bếp, quên những lời vừa nói hay thậm chí không nhớ được thông tin cá nhân của chính mình đã được nhiều mẹ bỉm sữa kể lại. Vậy nguyên nhân của chứng "não cá vàng" này là gì và có cách nào để khắc phục?
Mẹ sau sinh dễ gặp tình trạng đãng trí, hay quên như "mất não".
Nguyên nhân gây đãng trí ở bà bầu và mẹ sau sinh
Hội chứng “não cá vàng” khi mang thai là do tăng hàm lượng hormone. Các chuyên gia cho biết trong khi mang thai, não bộ duy trì hơn 15 đến 40 lần progesterone và estrogen so với bình thường. Các kích thích tố này ảnh hưởng đến tất cả các loại tế bào thần kinh trong não. Khi mẹ sinh, cơ thể cần sản sinh một lượng lớn oxytocin để làm tử cung co lại và kích thích tiết ra sữa. Hormone này ảnh hưởng đến các mạch não.
Bên cạnh đó, khi mới sinh hầu hết sản phụ đều mất ngủ lâu dài vì phải thức cho con bú, cộng với các nỗi lo mất sữa, con không tăng cân, con ộc sữa, tiêu hóa không tốt...Trạng thái tinh thần căng thẳng, mệt mỏi luôn thường trực làm các bà mẹ bị quá tải, dẫn đến kém tập trung, đãng trí.
Ngoài ra, khi mang bầu hay sau sinh, mẹ thường phải thường dành rất nhiều thời gian suy nghĩ về những thay đổi khi có con và việc chăm sóc trẻ sơ sinh, kết quả là bộ nhớ ngắn hạn bị ảnh hưởng.
Chứng đãng trí đôi khi làm rối loạn cuộc sống của mẹ sau sinh.
Cách khắc phục chứng đãng trí sau sinh
Theo các nhà khoa học, chứng "não cá vàng" thường chỉ kéo dài lâu nhất 2 năm sau khi sinh. Dần dần, trí nhớ của mẹ sẽ được khôi phục và ngày càng minh mẫn hơn. Để đẩy nhanh quá trình hồi phục này, mẹ có thể áp dụng các phương pháp sau:
Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi ngay khi có thể
Giấc ngủ là yếu tố nòng cốt giúp cải thiện trí nhớ, vì vậy hãy tranh thủ ngủ sớm và đủ giấc để tránh mệt mỏi, loại bỏ lo âu. Tránh các các đồ uống như trà, cà phê… sẽ làm các mẹ mất ngủ. Đồng thời, mỗi ngày cần tranh thủ ngủ trưa khoảng 20-30 phút.
Mẹ sau sinh nên tranh thủ để ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.
Chia sẻ áp lực với người thân trong gia đình
Người thân trong gia đình sản phụ, nhất là người chồng nên hỗ trợ, quan tâm chăm sóc và chia sẻ công việc với người vợ, để giúp các mẹ có được sự thoải mái nhất định về tâm lý, nhờ đó cũng góp phần hạn chế tình trạng hay quên.
Sắp xếp công việc một cách khoa học
Khi bắt đầu lại với công việc, hãy sắp xếp mọi thứ thật hợp lý và lên kế hoạch cho công việc. Hãy ghi lại những việc cần làm, cần nhớ trong một cuốn sổ hoặc một tờ giấy và dán vào nơi dễ thấy nhất. Có thể cài nhắc nhở trên máy tính hoặc điện thoại để tránh quên việc.
Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục làm máu lưu thông lên não tốt hơn, làm cho giác quan tiếp nhận thông tin nhanh hơn và giúp não lưu giữ thông tin lâu hơn. Các mẹ nên biết rằng tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày còn giúp chống stress và chống các bệnh lý gây giảm trí nhớ.
Chọn thực đơn bổ trợ trí nhớ
Các loại ra lá xanh như bông cải xanh, cải bắp, súp lơ, rau bina, các loại ngũ cốc như gạo nâu, bột yến mạch, v.v…, các loại quả bơ, việt quất, táo, hạnh nhân, dâu tây, …, trà xanh, khoai lang, trứng, cá hồi v.v… nên có trong thực đơn của các bà mẹ, vì đây là những loại thực phẩm được xem giúp bổ trợ trí nhớ rất tốt.