Bài toán sử dụng tiền nhàn rỗi như thế nào cho hiệu quả vẫn khiến nhiều người trẻ phải đau đầu.
"Tiết kiệm hay đầu tư?" là câu hỏi mà nhiều người đặt ra, đặc biệt là các bạn trẻ. Tùy vào mục tiêu hướng tới và thời điểm thích hợp, chúng ta có thể lựa chọn một trong hai hình thức này hoặc kết hợp cả hai.
Bạn Hùng Hải (29 tuổi, Long Biên) chia sẻ: “Thu nhập hàng tháng sau khi đã trừ chi phí sinh hoạt các thứ thì mình còn dư được một khoản tiền. Từ những năm đầu đi làm mình đã bắt đầu gửi tiết kiệm rồi. Lúc ấy còn trẻ và chưa có kinh nghiệm đầu tư, tìm hiểu gì cả nên mình thấy gửi ngân hàng là phương án an toàn. Sau vài năm đi làm, mình tiết kiệm được một khoản tương đối, thì lúc này mình mới nghĩ đến việc nên trích một khoản tiền ra để tập tành đầu tư. Mình đổ một ít tiền để đầu tư chứng khoán. Sau 3 năm có lúc này lúc kia nhưng mình tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, phải học hỏi và tìm hiểu khá nhiều nhưng cũng sinh một khoản lời tương đối ổn”.
Bạn Hải Ngân (28 tuổi, Tây Hồ) cho biết: “Sau khi tích lũy được một số tiền tiết kiệm, mình cũng trích một phần tiền để mua vàng vì vàng không bị mất giá như tiền. Một khoản khác mình cũng thử đầu tư chứng khoán. Ban đầu cũng khá là lời nhưng sau lại lỗ, nên mình nhận ra đầu tư muốn hiệu quả phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức. Với những người đang đi làm, không có thời gian nghiên cứu đầu tư như mình, gửi tiết kiệm hoặc các hình thức đầu tư an toàn vẫn là lựa chọn phù hợp hơn”.
Việc đầu tư, tiết kiệm hay kết hợp cả hai hình thức có khả năng thay đổi khi các ưu tiên và mục tiêu của mọi người thay đổi trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Ngoài tiết kiệm bằng cách gửi ngân hàng thì người trẻ cũng thường sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư vào chứng khoán, vàng, bất động sản,...
Tiết kiệm cũng có thể coi là một “bệ phóng” cho những người trẻ muốn đầu tư. Đa phần giới trẻ trong xã hội hiện nay là những người lao động hưởng lương theo tháng, do đó sẽ có một khoản dư nhỏ định kỳ và số tiền này thường được tích luỹ dần bằng hình thức tiền gửi. Khoản tích luỹ này khi đủ lớn sẽ được các nhà đầu tư trẻ đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau.
Gửi tiết kiệm ngân hàng
Gửi tiết kiệm ngân hàng là hình thức giữ tiền truyền thống và an toàn, được nhiều người lựa chọn.
Ưu điểm:
- Khoản tiền tiết kiệm sẽ không giảm theo thời gian nếu chủ tài khoản không rút, mang lại sự an tâm.
- Nếu cần tiền gấp, bạn hoàn toàn có thể tất toán nhanh gọn thông qua các ứng dụng của ngân hàng.
- Không cần phải tìm hiểu quá nhiều hay phải nắm vững các kiến thức tài chính.
Nhược điểm:
- Do lạm phát, số tiền tiết kiệm sẽ giảm giá trị mỗi năm. Nếu gửi ngân hàng và có tiền lãi, khoản lãi đó có thể bù đắp một phần tác động tiêu cực của lạm phát. Nhưng lãi suất hiếm khi theo kịp tốc độ lạm phát.
Đầu tư
Nếu bạn là người thích mạo hiểm, có thể chấp nhận rủi ro thì hoàn toàn có thể chọn hình thức đầu tư để mau chóng gia tăng tài sản, rút ngắn thời gian hoàn thành các mục tiêu trong cuộc sống.
Ưu điểm:
- Đầu tư giúp mọi người tăng số tiền của mình nhanh chóng hơn gửi tiết kiệm.
Nhược điểm:
- Đầu tư không phải lúc nào cũng là sinh lời, thậm chí bạn có thể bị lỗ và mang nợ.
- Cần phải có nhiều kiến thức và thực sự tập trung tìm hiểu mới có thể đầu tư thông minh.
Để có thể tận dụng tối đa nguồn thu nhập, người trẻ cần phải tích lũy đủ vốn để đạt được những mục tiêu đã đưa trong kế hoạch dài hạn của mình. Việc tích lũy vốn có thể thông qua gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, bất động sản,...
Bên cạnh việc tích lũy đủ vốn về tài chính thì người trẻ cần phải có đủ vốn về kiến thức. Ví dụ, khi bạn đi gửi tiền tiết kiệm bạn cũng cần phải nghiên cứu xem nên gửi tiết kiệm ở ngân hàng nào để có thể mang lại hiệu quả sinh lời lớn nhất, lãi suất và rủi ro của từng ngân hàng sẽ như thế nào,...
Việc áp dụng những kiến thức về tài chính cũng như hiểu được khả năng sinh lời của các kênh sẽ giúp người trẻ có thể đầu tư và tiết kiệm hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, người trẻ cũng cần phải kỷ luật, nghiêm túc, có kế hoạch chi tiêu cũng như đầu tư hợp lý để thực hiện.