Thời buổi suy thoái kinh tế, vật giá leo thang khiến cho thói quen ra ngoài ăn hàng “đổi gió” cuối tuần của nhiều gia đình phải thay đổi.
Cả tuần ăn cơm nhà, đến cuối tuần, nhiều gia đình có thói quen ra hàng ăn để đổi bữa cho đỡ chán. Cuối tuần cũng là dịp để cả gia đình vui chơi, tìm đến các quán ăn mới và thưởng thức những món khác với ngày thường. Bố mẹ đi làm, con đi học cả tuần, một bữa ăn ngoài hàng khác biệt cũng giúp các thành viên quây quần, bồi đắp tình cảm.
Thế nhưng, thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều người phải cắt giảm chi tiêu bởi vật giá leo thang. Ngay cả thói quen ăn hàng vào cuối tuần cũng khiến nhiều gia đình phải đau đầu suy tính.
Chị Hồng Mai (34 tuổi, Long Biên) tâm sự: ”Trước đây cuối tuần nào nhà mình cũng lên kế hoạch đi chơi rồi ăn hàng để “đổi gió”. Nhưng 1 năm trở lại đây thì số lần ăn hàng của nhà mình giảm chỉ còn khoảng 2 lần/tháng. Phần nhiều là do giá cả tăng, chi phí sinh hoạt tăng nhiều mà lương của hai vợ chồng thì tăng có chút xíu. Mình vẫn đổi bữa cho gia đình bằng những món ít khi nấu. Ví dụ cả nhà tự tổ chức lẩu hoặc nướng ở nhà. Có hôm thì mình làm pizza, mỳ Ý. Pizza mua đế sẵn có kèm sốt và phomai, chỉ việc thêm topping tùy ý nên làm rất tiện và nhanh, lại siêu rẻ luôn. Cuối tuần có thời gian “bày vẽ” nấu nướng, vừa tiết kiệm mà cả nhà vẫn vui. Ra hàng cả nhà mình 4 người ăn cũng tốn cả triệu/bữa, đi ăn buffet lẩu nướng thì tốn triệu rưỡi – 2 triệu là bình thường. Mà ăn ở nhà thì chi phí chỉ còn ½, 1/3 mà thôi. Mình tiết kiệm được vài triệu/tháng”.
Bạn Thúy Quỳnh (28 tuổi, Tây Hồ) chia sẻ: “Nhà mình hồi mới cưới cũng rất thích ra ngoài hàng ăn. Nhưng từ lúc mình sinh em bé thì cũng ít đi hơn hẳn. Nhưng mà từ đó thì mình thấy tự nấu ở nhà cũng rất vui mà tiết kiệm, vệ sinh. Giờ bé nhà mình cũng 3 tuổi rồi nhưng mình vẫn có thói quen đổi bữa cuối tuần cho cả nhà bằng cách tự nấu nướng. Tuần thì chiên gà, tuần thì làm bánh gạo cay Hàn Quốc, tuần thì làm cơm cuộn, tuần nấu phở, nấu bún riêu,… Vừa làm mình vừa có thể để con tham gia cùng, để bé phụ những việc đơn giản như lấy giúp đồ này đồ kia. Hai mẹ con vừa vui lại vừa có tính giáo dục. Hầu như nhà mình không ra ngoài hàng ăn vào cuối tuần nữa, mình không tính chứ nếu mà tính ra thì cũng tiết kiệm được kha khá tiền đấy!”.
Chị Thu Huyền (37 tuổi, Đống Đa) cho biết: “Dù biết là ăn tại nhà thì tiết kiệm nhưng 1 tuần gia đình mình vẫn ra quán ăn 1 bữa, thường là trưa hoặc tối thứ 7. Vừa để các con được đi chơi, vừa để gia đình có một buổi nghỉ ngơi, thư giãn đúng nghĩa. Ăn món này món kia cho lạ miệng vì cả tuần ăn cơm mẹ nấu cũng… chán rồi! Mình nghĩ 1 bữa ăn ngoài hàng như vậy cũng đủ để cả nhà có thời gian vui vẻ bên nhau”.
Không ai có thể phủ nhận nhiều lợi ích của việc tự nấu ăn tại nhà, như ngon, vệ sinh và tiết kiệm. Cuối tuần, chị em có nhiều thời gian hơn nên có thể tự tay chuẩn bị, nấu nướng cho gia đình những món ăn mà thường ngày ít khi nấu.
Những món đơn giản, dễ làm mà được cả người lớn và trẻ nhỏ đều yêu thích có thể kể đến như lẩu, nướng, cơm cuộn, mỳ Ý, pizza, gà rán,… Mẹ nào khéo tay có thể dành thời gian nướng bánh mỳ, bánh quy,…
Thế nhưng để người phụ nữ trong gia đình được nghỉ ngơi, các thành viên khác cũng phải phụ giúp các công đoạn như mua đồ, chuẩn bị nguyên liệu, dọn rửa,… Bằng cách này, nhiều gia đình có thể tiết kiệm hàng triệu đồng thay vì giữ thói quen ăn hàng vào dịp cuối tuần.
Thế nhưng, một số gia đình vẫn cho rằng ra quán ăn 1 – 2 bữa vào cuối tuần không nên bị xóa bỏ hoàn toàn. Thi thoảng cả nhà vẫn nên đi ăn cùng nhau tại một quán ăn ngon, nơi gia đình có những giây phút hoàn toàn thoải mái, nghỉ ngơi mà không phải lo nấu nướng, dọn dẹp,… Thêm nữa, có một số món ăn khá mất công khi tự làm tại nhà nên vẫn phải ra quán để thưởng thức.
Dù lựa chọn sử dụng cuối tuần bằng cách nào, miễn là các thành viên đều cảm thấy hài lòng, phù hợp với điều kiện của từng gia đình thì ăn hàng hay tại nhà đều là dịp để cả nhà quây quần bên nhau, chia sẻ cuối tuần và thời gian ý nghĩa cùng nhau.