Dù nhà gần một bệnh viện tư quy mô, chuyên nghiệp có tiếng, bản thân cũng đã chuẩn bị 50 triệu đồng để vượt cạn nhưng gia đình sản phụ sau nhiều cân nhắc vẫn quyết định chọn Bệnh viện Phụ sản Trung ương tuyến đầu làm nơi sinh của mình.
Khi mới mang bầu, chị Trần Thanh Hà, 27 tuổi ở Hà Nội cũng theo một bác sĩ sản khoa bên ngoài để thăm khám thai kỳ. Nhưng từ tuần 36 trở đi chị Hà đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương làm hồ sơ sinh luôn. Kể từ đó mẹ bầu thăm khám hàng tuần tại viện này.
Chị Hà cho biết, dù nhà ở gần một viện tư quy mô và chuyên nghiệp, bản thân thai kỳ cũng không có bất cứ bất thường nào nhưng sau nhiều cân nhắc, mẹ bầu vẫn quyết định lựa chọn đi đẻ tại bệnh viện công lập tuyến đầu.
Dù nhà gần một viện tư quy mô và chuyên nghiệp, bản thân thai kỳ cũng không có bất cứ bất thường nào nhưng mẹ bầu vẫn quyết định lựa chọn đi đẻ tại bệnh viện công lập tuyến đầu. (Ảnh minh họa)
Mẹ bầu 27 tuổi này cho rằng, có 4 lý do chính khiến vợ chồng chị và cả nhà quyết định không chọn đi đẻ ở viện tư dù biết những viện tư hiện nay có dịch vụ tốt, phòng ốc thoáng mát sạch sẽ, 2 mẹ con chị sẽ được chăm sóc tận tình, hồi phục sức khỏe nhanh. Cụ thể theo cá nhân chị Hà là những lý do sau.
1. Có bác sĩ chuyên khoa giỏi, có bất thường sẽ xử lý luôn không phải chuyển viện
Lý do đầu tiên bà mẹ trẻ này chọn viện phụ sản tuyến đầu là vì sự an toàn cho 2 mẹ con khi vượt cạn. Trong quá trình sinh, dù 2 mẹ con chị có xảy ra điều gì phức tạp nhất thì cũng có những bác sĩ giỏi tại bệnh viện tuyến đầu xử lý nhanh gọn mà không phải di chuyển đi bất cứ viện nào khác.
Trong khi đó sinh con ở 1 số bệnh viện khác, nếu cuộc vượt cạn có vấn đề sẽ buộc phải chuyển viện. Mà quá trình trên xe di chuyển đến viện tuyến đầu cấp cứu cực kỳ nguy hiểm không thể tiên lượng trước được.
2. Ở các viện công bác sĩ luôn ưu tiên đẻ thường
Thêm một lý do nữa khiến chị Hà quyết định sinh con ở viện công lập, các bác sĩ tại đây luôn động viên, khuyến khích các sản phụ sinh thường để tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé sau sinh.
Nhưng ở các bệnh viện tư thường chiều theo ý sản phụ, nhiều sản phụ chỉ gặp một chút vấn đề thai kỳ khó là bác sĩ đã tư vấn chỉ định mổ đẻ.
“Đến viện mình thấy một sản phụ nằm giường cạnh mình nhập viện từ 4h sáng đến 19h tối chỉ mở được có 4 phân nhưng bác sĩ vẫn bắt chờ sinh thường mặc dù người nhà nhiều lúc xin mổ. Bác sĩ nói chỉ khi máu bị nhiễm trùng do vỡ ối quá lâu không đẻ được họ mới chuyển sang sinh mổ cho”, chị Hà nhớ lại.
3. Các y bác sĩ nhiệt tình chu đáo, dịch vụ đi kèm đầy đủ
Người vợ này cũng cho biết, quá trình sinh đẻ của mình khi trải nghiệm tại viện công lập tuyến đầu này rất tốt. Các y bác sĩ luôn nhiệt tình, chăm sóc chu đáo, trả lời mọi thắc mắc của sản phụ và người nhà. Tất cả đều động viên chị Hà cố gắng sinh thường cho khỏe mạnh nhất.
Ngoài ra, tại bệnh viện, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mẹ và bé sau sinh đều rất đầy đủ, không thiếu gì. Thậm chí phòng ốc rất sạch sẽ, thoáng mát.
“Sinh xong mình xin được ở phòng dịch vụ tốt (1,5 triệu đồng/đêm) nhưng chỉ còn phòng 6 giường có giá 800 ngàn đồng/đêm/người nhưng rất sạch sẽ, thoáng mát”, chị Hà chia sẻ.
Đón con yêu chào đời tại viện phụ sản tuyến đầu, nhiều mẹ bỉm cho biết rất an tâm mà chi phí phù hợp. (Ảnh minh họa)
4. Chi phí đi đẻ rẻ
Nói về khoản chi phí đi đẻ, mẹ bỉm mới sinh phải công nhận chi phí đi đẻ ở viện công lập rất rẻ.
“Nhà mình nhập viện chuyển dạ cấp cứu và chuyển vào phòng sinh luôn nên được hưởng bảo hiểm y tế chi trả 80%. Ra viện mình thanh toán hết hơn 5 triệu đồng. Mình cũng cảm ơn bác sĩ 2 triệu nữa. Thêm 1 số tiền mua thuốc sau sinh cho 2 mẹ con, mình cũng chỉ hết tổng chi phí đi đẻ gần 9 triệu đồng. Thật sự là quá rẻ luôn. Trong khi đó vợ chồng mình trước đó đã để sẵn 50 triệu trong tài khoản vì định sinh ở viện tư cách nhà 5 phút”, mẹ bỉm nói.
Những lưu ý:
- Mẹ bỉm mới sinh này cũng cho biết, để yên tâm nhất trong thai kỳ và lúc vượt cạn, các mẹ bầu cứ nên khám và theo dõi thai kỳ ở những bệnh viện phụ sản tuyến đầu hoặc theo khám tại phòng khám của các bác sĩ ở các viện này.
- Khi tới thời điểm mang thai ở tuần 35, 36, mẹ bỉm mới ra quyết định nên chọn đi đẻ ở viện tư hay công tùy theo tình hình thai kỳ có vấn đề gì nghiêm trọng không và tình hình tài chính của 2 vợ chồng.
- Thông thường càng về cuối thai kỳ sẽ càng có nhiều chuyển biến bất ngờ, nhất là cân nặng thai ảnh hưởng tới quyết định sinh thường hay sinh mổ của các sản phụ.
“Tùy gia đình bạn có thiên hướng sinh thường hay sinh mổ, nếu muốn mổ chủ động không có bệnh lý, có kinh tế dư dả thì cứ vào viện tư đẻ cho sướng, đi đẻ như đi nghỉ dưỡng. Còn nếu để an tâm nhất và tiết kiệm được một khoản chi phí thì vào thẳng viện phụ sản tuyến đầu như mình”, chị Hà nói.
* Bài viết chỉ đại diện cho quan điểm, trải nghiệm và góc nhìn của nhân vật.