Theo bác sĩ, người mẹ phải sinh mổ chịu rất nhiều đau đớn và thiệt thòi hơn các mẹ sinh thường.
Ngày nay, khi khoa học ngày càng phát triển thì chuyện sinh mổ bắt con để chọn ngày giờ sinh đẹp hay trong tình huống nguy hiểm là chuyện bình thường. Song, trên thực tế có nhiều người vẫn giữ tư tưởng cho rằng đẻ thường mới gọi là đẻ, chứ đẻ mổ thì có gì đâu mà đau đớn. Tuy nhiên theo bác sĩ, sinh mổ không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ. Ngược lại, khi sinh mổ người mẹ phải chịu rất nhiều đau đớn và thiệt thòi vì sự hồi phục sau sinh sẽ chậm hơn các sản phụ đẻ thường.
Mới đây, một phòng thí nghiệm ở một bệnh viện phụ sản Trung Quốc đã dùng củ hành tây làm mô phỏng thí nghiệm sinh mổ nhằm giúp mọi người, nhất là các ông chồng, hiểu rõ sinh mổ là như thế nào. Sau đây là các bước khi bước vào ca sinh mổ:
1. Gây tê và sát trùng bụng
Trước khi bắt tay rạch mổ, các bác sĩ sẽ tiến hành sát trùng vùng bụng và gây tê cục bộ cho sản phụ. Nói thì nghe đơn giản là thế, nhưng thực tế thì quá trình này rất đau đớn đối với mẹ bầu. Bởi khi đó, một số mẹ vẫn phải đang chịu đựng cơn đau đẻ, một số sản phụ lại chưa kịp ngấm thuốc tê nên vẫn cảm nhận được đủ cường độ đau đớn khi bác sĩ tiến hành rạch mổ.
2. Bắt đầu mổ tìm tử cung
Có nhiều mẹ nghĩ rằng tiêm thuốc tê rồi thì việc rạch mổ đưa con ra ngoài chỉ là việc nhỏ. Song, theo bác sĩ chuyện này không hề dễ dàng một chút nào. Cũng giống như bóc củ hành, các bác sĩ đã phải bóc tách từng lớp từng lớp mới có thể tìm thấy tử cung và tổng số lớp các mẹ bị cắt là ít nhất 8 lớp. Như vậy rõ ràng sinh mổ không hề đơn giản như mọi người vẫn tưởng tượng.
3. Lấy thai nhi ra và cắt dây rốn
Sau khi tìm thấy em bé, bác sĩ sẽ nhấc bé ra ngoài, hút sạch chất nhầy trong miệng, mũi để bé thở thông suốt. Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành cắt dây rốn, sát trùng rốn và giao em bé lại cho y tá chăm sóc. Lúc này, người mẹ vẫn nằm yên trên bàn mổ với chiếc bụng đang mở.
4. Khâu vết mổ
Cũng giống như bước mổ tìm tử cung, lần này, các bác sĩ sẽ lần lượt khâu từng lớp đã cắt trước đó. Nghĩa là nếu họ đã cắt 8 lớp thì họ sẽ phải khâu 8 lớp. Đó cũng là lý do vì sao một ca sinh mổ thường mất nhiều thời gian đến thế.
5. Ra khỏi phòng sinh
Khi vết mổ đã được khâu xong, toàn bộ ca mổ lấy thai gần như hoàn tất. Các y bác sĩ sẽ đẩy sản phụ ra khỏi phòng sinh. Lúc này, thuốc tê vẫn chưa hết tác dụng nên các mẹ sẽ không hề cảm thấy bất kỳ đau đớn nào. Tuy nhiên, khi thuốc vừa hết tác dụng cũng là lúc nỗi đau thật sự ập đến. Tùy theo cơ địa và sức chịu đựng của mỗi người mà có mẹ sẽ cảm thấy đau vừa phải, nhưng cũng sẽ có mẹ cảm thấy đau đến chết đi sống lại.
Khi hết thuốc tê, các mẹ mới thấm thía, hóa ra đau vết mổ không hề thua đau đẻ chút nào (Ảnh minh họa)
Đã thế, thỉnh thoảng y tá còn đến ấn vào bụng một cái thật mạnh - nhằm thúc đẩy quá trình co bóp của tử cung và loại bỏ sản dịch – lại càng khiến cơn đau ấy tăng lên gấp bội. Chưa hết, để tránh sản phụ bị dính ruột sau sinh mổ, y bác sĩ còn yêu cầu các mẹ phải trở mình thường xuyên, đứng dậy đi lại nhẹ nhàng để thúc đẩy nhu động ruột tiêu hóa. Song, do vết mổ còn mới nên cứ mỗi một lần nhích nhẹ người là các bà mẹ lại thấy đau đến thấu trời xanh.
Suy cho cùng, dù sinh thường hay sinh mổ thì các bà mẹ cũng đều chịu đựng các cơn đau đớn có cường độ tương tự nhau. Thế nên, đừng ai bảo rằng “đẻ mổ là coi như chưa biết đẻ”. Bởi sinh con bằng phương pháp nào cũng đều không phải là chuyện dễ dàng đối với người phụ nữ. Vì con, họ đã phải đánh đổi và chịu đựng tất cả mọi đau đớn để con chào đời bình an khỏe mạnh.