Mới đây, một bé gái mới chỉ 15 tuổi ở Quảng Nam đã vừa sinh một cô con gái nặng 2,7kg.
Hôm qua 3/4/2023 tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã xác nhận thông tin vừa hỗ trợ 2 mẹ con sản phụ 15 tuổi vượt cạn thành công.
Được biết trước đó 10 ngày, bệnh viện này đã tiếp nhận một sản phụ còn rất trẻ, chỉ mới 15 tuổi, trú tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).
Thời điểm này, thiếu nữ trên đang mang thai 36 tuần 3 ngày. Tuy nhiên khi vào phòng sinh, cô gái 15 tuổi không biết rặn đẻ khiến tim thai suy, đầu không lọt. Do đó, các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện buộc phải cho bé gái 15 tuổi chuyển sang sinh mổ, em bé chào đời nặng 2,7kg. Đến thời điểm này, sức khỏe 2 mẹ con đều ổn định, đã được cho ra viện.
Bé gái 15 tuổi vừa vượt cạn thành công.
Bác sĩ Nguyễn Đức Hùng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam cho biết, tình trạng trẻ vị thành niên quan hệ tình dục, mang thai thực sự là vấn đề rất đáng lo ngại. Bởi thực tế, sinh đẻ ở độ tuổi càng thấp càng làm tăng các nguy cơ cho mẹ và thai nhi như: sảy thai, đẻ non và các biến chứng khác, trẻ nhẹ cân, suy hô hấp.
Khi các bé gái vị thành niên làm mẹ sớm cũng khiến các em có nguy cơ bị căng thẳng, khủng hoảng về tâm sinh lý. Thậm chí nếu phá thai khi còn trẻ cũng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, có thai ngoài tử cung và vô sinh…
Theo số liệu công bố cuối năm 2022 của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam cũng cho thấy, số ca mang thai tuổi vị thành niên (15-19 tuổi) chưa có xu hướng giảm trong những năm gần đây, chiếm khoảng 2,5 - 3% tổng số phụ nữ mang thai. Mỗi năm, có thêm khoảng 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên tại các cơ sở y tế công lập, thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Những hệ lụy sức khỏe khi mang thai ở tuổi vị thành niên
Theo các bác sĩ sản khoa, trong giai đoạn vị thành niên, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện nhưng chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn. Cùng với sự thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai, các em có thể có tình huống quan hệ tình dục không chuẩn bị, không mong muốn; quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử trước hôn nhân. Trong khi đó, các em cũng thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao.
Do đó, mang thai ở tuổi vị thành niên để lại nhiều hệ lụy. Cụ thể:
- Ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ trẻ: Làm mẹ tuổi vị thành niên phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Mẹ dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, đẻ non, sảy thai, chuyển dạ đình trệ, bất tương xứng thai khung chậu. Trong lúc sinh, dễ bị đẻ khó, nhiều nguy cơ phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật….
- Tăng tỉ lệ tử vong cho đứa trẻ sinh ra: Trẻ em sinh ra từ các bà mẹ tuổi vị thành niên nguy cơ tử vong cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành do con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỷ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành.
Mang thai ở tuổi vị thành niên để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
- Dễ căng thẳng, khủng khoảng tâm lý, ảnh hưởng đến tương lai
: Khi có thai ở tuổi vị thành niên, các em phải gián đoạn việc học hành, khó khăn về kinh tế và không kiếm được việc làm, dẫn trẻ vào con đường bế tắc. Hạnh phúc gia đình có thể bị rạn nứt, dễ lâm vào cảnh éo le, ảnh hưởng đến tương lai. Tỷ lệ ly dị cao, dễ bị phân biệt đối xử. Làm mẹ sớm còn khiến các em dễ bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý.
Ngoài ra, do mặc cảm, xấu hổ nên trẻ vị thành niên thường tìm kiếm dịch vụ phá thai không an toàn khi thai nghén đã to dẫn đến nhiều tai biến hơn ở người trưởng thành. Những ảnh hưởng tâm lý sau phá thai ở tuổi vị thành niên có thể rất nặng nề và kéo dài.