Dù không có dấu hiệu dọa sinh non nhưng cổ tử cung của mẹ bầu này vẫn mở 2cm từ khi nào.
Khi nhắc tới những trường hợp mẹ bầu vào viện khâu cổ tử cung dù chưa có bất cứ dấu hiệu gì cảnh báo dọa sinh non, bác sĩ Hoàng Văn Khanh - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết vừa khâu cấp cứu cho một sản phụ Nguyễn Thị Thanh (tên nhân vật đã được thay đổi), 28 tuổi ở Hải Phòng.
Bác sĩ Khanh cho biết, mẹ bầu Hải Phòng này mang bầu lần thứ 2. Lần mang thai đầu, chị có thai kỳ rất khỏe mạnh và đã sinh mổ.
Mang bầu lần 2, thời kỳ đầu chị có đi khám định kỳ nhưng sau đó không thấy có dấu hiệu bất thường nên mẹ bầu 28 tuổi chủ quan không đi khám đều đặn cũng như không thực hiện tầm soát thường xuyên.
Mang bầu lần 2, thời kỳ đầu chị có đi khám định kỳ nhưng sau đó không thấy có dấu hiệu bất thường nên chủ quan. (Ảnh minh họa)
Lúc đang mang bầu ở tuần 24, bản thân chị Thanh vẫn ăn uống bình thường, không thấy có dấu hiệu bị chảy máu âm đạo, đau bụng hay dọa sảy thai.
Tuy nhiên trong một lần đến viện gần nhà có việc nên mẹ bầu này đã tiện thể siêu âm thai kỳ của mình. Nào ngờ phát hiện ối thõng và cổ tử cung đã mở 2cm. Vì thế các bác sĩ vội vàng làm thủ tục chuyển viện cho mẹ bầu này lên tuyến trung ương để theo dõi và điều trị.
“Dù cổ tử cung đã mở 2cm nhưng sản phụ vẫn không có bất cứ triệu chứng sinh non nào. Vì thế phải ngay lập tức khâu cấp cứu cổ tử cung cho mẹ bầu ấy. May mắn sau khi thực hiện thủ thuật xong, mẹ bầu ổn định và có cơ hội tiếp tục giữ được thai đến ngày mẹ tròn cong vuông”, bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Khanh cũng cho biết, bình thường phần eo tử cung và cổ tử cung đóng kín trong suốt thai kỳ và chỉ mở khi mẹ bầu có hiện tượng chuyển dạ để cho thai nhi và các phần phụ của thai ra ngoài. Tình trạng cổ tử cung mở trước và trong khi đang mang thai là nguyên nhân hay gây sảy thai và sinh non từ khoảng tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 của thai kỳ.
Mẹ bầu bị mở cổ tử cung nhiều khi không có dấu hiệu rõ ràng. Chỉ khi bà bầu bị sảy thai hoặc sinh non, đi khám thì mới phát hiện ra tình trạng này. Khi bị mở cổ tử cung, bà bầu sẽ dễ gặp phải các nguy cơ như sảy thai hoặc sảy thai liên tiếp hoặc sinh non. Do đó, khâu eo tử cung là giải pháp lựa chọn tốt nhất cho những trường hợp mẹ bầu này.
“Khâu eo tử cung là một phương pháp nhằm phòng tránh việc sảy thai, sinh non. Đây là giải pháp được đánh giá hiệu quả nhất để giữ thai nhi an toàn trong cả giai đoạn mang thai. Chỉ khâu vòng tử cung sẽ được cắt khi thai nhi được 37-38 tuần tuổi hoặc nếu bà bầu có dấu hiệu chuyển dạ sớm”, bác sĩ Khanh nói.
Chỉ khâu vòng tử cung sẽ được cắt khi thai nhi được 37-38 tuần tuổi hoặc nếu bà bầu có dấu hiệu chuyển dạ sớm. (Ảnh: BSCC)
Vị bác sĩ này cũng khuyến cáo, nếu buộc phải khâu cổ tử cung những mẹ bầu nên thực hiện tại cơ sở y tế có chuyên khoa sản và hồi sức cấp cứu. Sau khi thực hiện thuật xong, cần nằm lại bệnh viện ít nhất 2-3 ngày để theo dõi sức khỏe, vết khâu, nhằm tránh tình trạng chảy máu, co tử cung hoặc vỡ ối. Thai phụ cũng được chỉ định dùng kháng sinh để chống nhiễm trùng và thuốc giảm co tử cung.
Thời điểm đã được xuất viện về nhà, mẹ bầu nên hạn chế đi lại hoặc làm việc nặng, đồng thời khám thai định kỳ. Hoặc khám ngay khi có các dấu hiệu như: đau bụng, ra huyết âm đạo.