Trước đó, cả thai kỳ của 2 sản phụ này không hề có triệu chứng bất thường hay dấu hiệu của việc suy thai do vấn đề dây rốn.
Những ngày đầu tháng 6/2023 vừa qua, Thạc sĩ, Bác sĩ Tạ Việt Cường - Phó Giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã mổ cho 2 sản phụ có tình trạng thai nhi bị dây rốn thắt nút.
Bác sĩ Cường cho biết, một sản phụ chưa đến ngày sinh nhưng đã đủ tháng sinh nên mổ chủ động. Còn 1 sản phụ khác là mổ đẻ lần 2 nhưng bị tiền sản giật nên sinh mổ.
Khi mổ cho 2 sản phụ trên, cả bác sĩ Cường và ê kíp mổ cũng rất bất ngờ vì thai nhi của họ bị dây rốn thắt nút. (Ảnh: BSCC)
Khi mổ cho 2 sản phụ trên, cả bác sĩ Cường và ê kíp mổ cũng rất bất ngờ vì thai nhi của họ bị dây rốn thắt nút. Trước đó, cả thai kỳ của 2 sản phụ này không hề có triệu chứng bất thường hay dấu hiệu của việc suy thai do vấn đề dây rốn. May mắn hai bé đều chào đời bình an và khỏe mạnh.
“Dây rốn thắt nút là khi dây rốn tự tạo nút thắt do thai nhi cử động, xoay chuyển quanh buồng ối. Tỷ lệ xuất hiện thắt nút dây rốn khá hiếm chỉ rơi vào khoảng dưới 2% các ca sinh và tỷ lệ tử vong thường cao gấp 4 lần so với thai nhi bình thường. Nhiệm vụ chính của dây rốn đó là vận chuyển oxy và dinh dưỡng từ mẹ sang con đảm bảo cho thai nhi phát triển khỏe mạnh. Dây rốn thắt nút có thể tạo thành một vấn đề rất nguy hiểm cho thai kỳ và không phải lúc nào bác sĩ cũng có thể phát hiện ra do dây rốn thường dài, thường gấp khúc khó xác định khi siêu âm”, bác sĩ Cường nhận định.
May mắn hai bé đều chào đời bình an và khỏe mạnh. (Ảnh: BSCC)
Khi thai nhi bị thắt nút dây rốn căng chặt do vận động của em bé trong tử cung sẽ gây giảm/mất trao đổi giữa mẹ và thai, rất nguy hiểm cho thai nhi. Và đây có thể là một nhân gây nên tình trạng thai lưu ở tuần thai lớn của một số mẹ bầu.
Phó Giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng cho rằng nguyên nhân gây nên tình trạng thai nhi bị thắt nút dây rốn hầu như do vận động của em bé làm dây rốn bị tạo thành một nút thắt như vậy.
Bác sĩ Cường cũng cho rằng, thực tế nếu trường hợp dây rốn thắt nút chặt sau đó tạo huyết khối, gây tắc mạch rốn thì thường rất khó phát hiện ra và mẹ bầu cũng như các bác sĩ cũng không có cách gì để dự phòng cho những trường hợp này cả.
Bác sĩ Cường và ê kíp đang mổ bắt thai cho một sản phụ. (Ảnh: BSCC)
“Đến nay chưa có phương pháp phòng ngừa dây rốn bị thắt nút nên cách tốt nhất để chăm sóc cho sức khỏe của hai mẹ con đó là thăm khám thai nhi định kỳ, cũng như thông qua những cảm nhận bất thường từ người mẹ để phòng những trường hợp biến chứng xảy ra”, bác sĩ Cường chia sẻ.