Mới đây bệnh viện Thanh Nhàn vừa thực hiện ca sinh mổ hiếm gặp khi em bé chào đời nằm trong "bọc điều".
Trước đó, ngày 31/7/2023, Khoa Phụ sản 2, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận sản phụ Dương Thu Thùy, 29 tuổi đến “vượt cạn” lần 2.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Kiều Tiến Quyết - người trực tiếp thăm khám và mổ đẻ cho sản phụ Thùy cho biết, chị Thùy mang bầu lần 2 thai đang ở thời điểm 38 tuần 2 ngày. Lần sinh con đầu lòng trước, mẹ bầu này đã mổ đẻ.
Khi thực hiện phẫu thuật sinh mổ lần 2 cho sản phụ, ê kíp y bác sĩ mổ rất ngạc nhiên khi bé gái 3kg được chào đời vẫn còn nằm nguyên bọc ối (hay còn gọi là bọc điều).
Bé gái sơ sinh 3kg chào đời trong "bọc điều". (Ảnh: BSCC)
Thực tế, sinh "bọc điều" là một trong những trường hợp vô cùng hiếm gặp, ước tính trong khoảng 80.000 ca sinh mới có 1 ca. Tại Việt Nam, dân gian còn gọi hiện tượng này là đẻ "bọc điều".
Hiện tình trạng sức khỏe của sản phụ và bé gái sơ sinh đều ổn định.
Bác sĩ Quyết cho biết, khi còn nằm trong bụng mẹ, bào thai nằm trong túi ối. Túi ối có một màng mỏng nhưng chắc chắn, bên trong đầy chất lỏng giúp giữ ấm và an toàn cho thai nhi. Khi đủ ngày tháng, túi ối này sẽ vỡ ra trước khi em bé chào đời. Nhưng trường hợp này em bé còn nguyên túi ối (bọc điều).
Nam bác sĩ sản khoa này cũng cho hay, đa phần các ca sinh “bọc điều” sẽ được bác sĩ chỉ định mổ đẻ. Chỉ 1 vài trường hợp đẻ “bọc điều” sinh thường rất hiếm. Đẻ “bọc điều” sinh thường chủ yếu là các trường hợp mẹ bầu mang thai nhỏ hoặc thai có kích thước nhỏ. Còn hầu hết các trường hợp “bọc điều” còn lại sẽ sinh mổ.
Sản phụ Dương Thu Thùy và con gái mới sinh. (Ảnh: BSCC)
“Nguyên nhân là do đường âm đạo nhỏ hơn đường mổ nên thường sẽ tự vỡ ối trước khi em bé ra đời. Khó nhất khi lấy thai “bọc điều” là giai đoạn đưa đầu và vai em bé ra ngoài vì đầu cứng nhất và vai rộng nhất. Khi lấy thai cả bọc như vậy, bác sĩ sẽ chủ động giữ màng ối chứ không phá vỡ màng ối như mổ thông thường. Nếu thai nhi có kích thước mức trung bình và lớn thì việc sinh cả bọc khó. Còn các thai kích cỡ nhỏ hoặc song thai thì việc sinh cả bọc sẽ dễ dàng hơn vì kích thước thai nhỏ, màng ối dày đủ các lớp không dễ bị vỡ”, bác sĩ Quyết giải thích thêm.
Sau khi chào đời, thai nhi nằm trong túi ối sẽ được bác sĩ sẽ tiến hành rạch một cách nhẹ nhàng giúp nước ối thoát ra dần dần. Sau đó, lớp màng ối sẽ được từ từ loại bỏ khỏi người em bé để thực hiện các thủ thuật y khoa cần thiết khác.