Hai em bé trộm vía chào đời an toàn, rất khỏe mạnh, là niềm vui cho cả gia đình và các bác sĩ.
“Mẹ tròn con vuông” là một cụm từ mà bất cứ người mẹ nào từ khi mang bầu đến lúc sinh con đều mong muốn đạt được. Mới đây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đón một cặp song sinh “siêu nghịch” chào đời bình an. Trong đó, một bé có dây rốn thắt nút, một bé có 3 vòng rau quấn cổ, đều là những “sự cố” ít khi có thể gặp phải trong suốt thai kỳ.
Hai em bé song sinh chào đời khỏe mạnh. Nguồn ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Cụ thể, người mẹ tên là N.T.H (sinh năm 1993) được phát hiện thai nhi có dây rốn thắt nút vào tuần 16 thai kỳ. Đến tuần 32, chị H. nhập viện trong tình trạng rau tiền đạo bám mép chảy máu. Sau khi được theo dõi và điều trị, tình trạng chị H. ổn định và được xuất viện.
Cặp song sinh chào đời ở tuần 37, trong đó một bé có dây rốn thắt nút và một bé có 3 vòng dây rốn quấn cổ. Bác sĩ Phạm Hải Đăng – người đã đón tay 2 bé vui mừng thông báo, trộm vía 2 bé sinh ra đều khoẻ mạnh và rất đáng yêu. Đây quả là trường hợp hiếm gặp và may mắn. Chắc không cần miêu tả nhiều cũng biết gia đình của các em bé vui mừng đến cỡ nào khi các con chào đời an toàn, khỏe mạnh.
Dây rốn thắt nút – tỷ lệ gặp không nhiều nhưng dễ khiến cha mẹ lo lắng.
Dây rốn đóng vai trò vô cùng quan trọng, đây là đường dẫn khí oxy và các dinh dưỡng từ mẹ sang thai, đảm bảo em bé phát triển khỏe mạnh khi còn trong bụng mẹ. Khi dây thắt nút sẽ ảnh hưởng đến quá trình lưu thông nói trên. Hiện tượng này chiếm tỷ lệ 0,3-2,2% của các ca sinh. Tỷ lệ tử vong của các thai nhi có dây rốn thắt nút tăng gấp 4 lần so với thai nhi bình thường.
Thắt nút dây rốn được hình thành trong quá trình thai nhi cử động, di chuyển qua các vòng cung dây rốn. Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ dây rốn thắt nút như: dây rốn dài, đa ối, kích thước thai nhi nhỏ, thai nhi là bé trai, mẹ bị tiểu đường thai kỳ, song thai 1 túi ối, có chọc dò ối thai kỳ, đẻ nhiều và mẹ dùng các chất kích thích...
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng khó xác định chính xác thời điểm tạo thành dây rốn thắt nút. Dây rốn thắt nút có thể tạo thành rất sớm từ 9-12 tuần tuổi thai, bởi ở giai đoạn này thể tích nước ối nhiều hơn thể tích thai nhi.
Việc chẩn đoán khả năng dây rốn thắt nút có thể qua siêu âm 4D khi thấy dòng chảy dây rốn cuộn thành hình vòng tròn. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng khó phân biệt ở những chu kỳ sau bởi nhiều trường hợp dây rau dài tự chạy vòng tròn, nhìn tưởng dây rau thắt nút nhưng thực tế nó cuộn vòng tròn thôi. Đó là những trường hợp dây rốn dài có thể chẩn đoán nhầm trong quá trình siêu âm 4D. Một số trường hợp thai nhi đột ngột mất tim thai, chết lưu trong bụng mẹ, khi chấm dứt thai kỳ mới biết nguyên nhân dây rốn thắt nút.
Để phòng tránh biến chứng nguy hiểm của thắt nút dây rốn, mẹ phải để mắt tới hoạt động của thai nhi, đặc biệt là giai đoạn sau của thai kỳ. Thai phụ cần khám định kỳ đầy đủ, theo dõi sức khỏe thai nhi tại nhà bằng cách đếm cử động thai theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu phát hiện được dây rốn thắt nút trong thai kỳ, thai phụ sẽ có chế độ theo dõi sát sao và chủ động mổ lấy thai vào thời điểm phù hợp theo chỉ định sản khoa.
Hiện nay chưa có phương pháp nào để ngăn ngừa nút thắt dây rốn xảy ra. Vì vậy, chăm sóc thai sản đúng cách là điều cần thiết để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và không gặp biến chứng.
Dây rốn quấn cổ - ít nguy hiểm hơn nhưng vẫn cần cảnh giác
Việc xác định dây rốn quấn cổ thường được chẩn đoán qua siêu âm. Hiện tượng này thường xảy ra vào 3 tháng cuối của thai kỳ. Một số trường hợp phát hiện tràng hoa quấn cổ vào tháng thứ 5-6. Ngoài ra, thai máy bất thường có thể cũng là dấu hiệu của dây rốn quấn cổ. Nhiều trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn chặt gây thiếu oxy, khó thở, thai nhi sẽ đạp nhiều và bất thường hơn.
Theo các bác sĩ, mẹ bầu bị dư ối hoặc đa ối sẽ tăng khả năng thai nhi bị dây rốn quấn cổ, nhất là trong những tháng cuối thai kỳ. Một nguyên nhân gây ra hiện tượng dây rốn quấn cổ khác đó là độ dài dây rốn. Mặc dù dây rốn dài trung bình 56cm nhưng vẫn có những bé có dây rốn dài hơn. Khi dây rốn càng dài, thai nhi càng có nguy cơ bị quấn cổ.
Thực tế thai nhi bị dây rốn quấn cổ rất hiếm có biến chứng nguy hiểm vì em bé nhận dưỡng chất cũng như nguồn oxy qua dây rốn chứ không phải qua việc hít, thở qua mũi và miệng. Đó là lý do rốn quấn cổ thai nhi được xem như là sinh lý bình thường, và chỉ cần đánh giá khi khám thai định kì, không xử trí gì cả. Tuy vậy, cũng như mọi người khác, thai phụ vẫn cần theo dõi sức khỏe thai nhi thường xuyên, nếu thấy hiện tượng thai ít đạp hoặc ít máy thai phụ cần khám ngay tránh ảnh hưởng tới sức khỏe em bé trong bụng.
Như vậy, dây rốn quấn cổ không phải vấn đề nghiêm trọng nhưng dây rốn thắt nút lại dễ gây ra biến chứng nguy hiểm trong cả khi mang thai và chuyển dạ. Mức độ nguy hiểm sẽ tùy thuộc vào tình trạng thắt lỏng hoặc chặt của dây rốn.