Chị Dung, 27 tuổi, ở Ý Yên, Nam Định vừa sinh bé đầu lòng được hơn tháng đã chia sẻ câu chuyện được chồng đưa đi sinh khiến nhiều chị em cười chảy nước mắt.
Sinh nở là việc của phụ nữ nhưng với vai trò là người chồng, người cha, ông xã nào cũng quan tâm, lo lắng cho vợ vô cùng. Tuy nhiên không phải anh chồng nào cũng đủ khéo léo và “đảm đang” để có thể chăm sóc vợ bầu bí, sinh nở chu đáo như những gì chị em kỳ vọng.
Chị Dung 27 tuổi ở Ý Yên, Nam Định vừa sinh bé đầu lòng được hơn tháng đã chia sẻ câu chuyện được chồng đưa đi sinh khiến nhiều chị em cười chảy nước mắt. Mẹ bỉm sữa này kể:
Khoản chăm vợ bầu bí, sinh nở chồng em mà vụng thứ 2, đảm bảo không ai là thứ nhất. Đổi lại lão ấy nhiệt tình, cứ tới lịch khám thai là tự động xin nghỉ làm ở nhà đưa vợ đi.
Gần tới ngày dự kiến sinh, chẳng hiểu sao em lại cứ rục rịch đau bụng như kiểu đẻ ngay. Hôm ấy ngồi xem tivi, thấy ngâm ngẩm đau bụng dưới, em vội vàng gọi cho chồng: “Về ngay, em sắp đẻ”.
Lão phi 10 phút về tới nhà, lập tức đưa vợ vào viện nhưng khám xong, bác sỹ bảo:
“Chưa có dấu hiệu sinh. Vợ chồng cứ đưa nhau về”.
Vài ngày sau, em lại được trận đau theo cơn như thế, lão cũng đưa luôn vào viện. Lần này bác sỹ chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa do ăn nhiều đồ linh tinh. Vậy là từ đó lão bắt đầu chủ quan, có hôm còn đi ngồi cà phê với bạn tới 11h đêm mới về.
Gần tới ngày dự kiến sinh, chẳng hiểu sao em lại cứ rục rịch đau bụng như kiểu đẻ ngay (Ảnh minh họa)
Đêm ấy đang ngủ, thấy nước ối rỉ ướt hết váy, hoảng hốt em gọi chồng:
“Dậy ngay, em vỡ ối rồi”.
Lão mắt nhắm mắt mở làu bàu:
“Chắc em lại làm đổ nước ra giường chứ gì. Vỡ ối đâu lúc nửa đêm”.
Điên quá, em nhéo 1 cái thật đau lúc ấy lão mới bật đầu dậy. Nhìn vũng nước ối trên giường, lão cuống cuồng hét:
“Chết rồi, đúng là vỡ ối rồi. Làm gì bây giờ hả vợ?”.
Lần này lão cuống hẳn. Em giục gọi taxi mà tay lão run mãi không bấm được số. Trong lúc đợi xe, bụng em bắt đầu đau dồn ngồi không được, đứng không xong thế mà chồng tự nhiên mất hút. Cố nghiến răng đảo mắt tìm, em phát rồ phát hiện lão đứng trong nhà tắm chải tóc, sức nước hoa. Điên quá em gào:
“Đưa vợ đi đẻ chứ đi cua gái đâu… Sức nước hoa làm gì…?”.
Lão ngây mặt vài giây rồi đáp:
“Dẫn vợ đi đẻ cũng phải đàng hoàng, lịch sự không người ta đánh giá”.
Vừa đau đẻ, vừa bực chồng, em định ném cái dép vào ngưỡi lão mà sức đuối, dép không bay lên nổi. Lão nhìn vậy cười đắc ý.
Vài phút sau taxi tới, lão chạy tót ra ngồi chỗm chệ lên xe luôn để vợ bụng to vượt mặt, đau không nhấc chân bước được. Đã vậy còn cau mày giục:
“Em đi nhanh cái chân lên xem nào. Miệng bảo đẻ tới nơi mà đi như bò thế”.
Tới đây em hết nhịn nổi, nén đau hét:
“Anh xuống xe cho tôi tự đi đẻ. Không khiến anh đi cùng”.
Bác tài xế phì cười nhắc:
“Cái chú này đúng là lần đầu đưa vợ đi đẻ có khác, không có kinh nghiệm. Cô ấy đau không đi được, chú phải dìu lên xe chứ”.
Mặt lão chảy dài như bơm xe đạp, vội chạy lại đỡ vợ: “Ôi, anh xin lỗi. Tại anh có đau đẻ bao giờ đâu mà biết”.
Vào viện, em đau vật vã 4 tiếng mới sinh. Bác sỹ khám nói em đã mở 2 phân, chuẩn bị lên bàn sinh. Chồng em rối rít gọi cho mẹ đẻ anh ấy: “Mẹ đi chưa, vợ con mở 2 mét rồi. Mẹ không nhanh là cô ấy đẻ đó”.
Cả viện cười ầm với khoản mở 2 mét của lão. Em đau quá cũng phải phì cười.
Cũng may sau em sinh mẹ tròn con vuông. Nhưng tới lúc bác sỹ trao con cho bố, lão nhà em hỏi ngay câu: “Sau bao nhiêu ngày em bé mới mở mắt hả bác sỹ”?.
Tất cả từ bác sỹ, y tá, cùng các sản phụ ở đó đều cười phá trước câu hỏi của chồng em. Chẳng là nhà em trước có nuôi chó cưng, mỗi lần chó mẹ sinh phải đủ 13 ngày chó con mới mở mắt, chồng em tưởng trẻ sơ sinh cũng thế mới hồn nhiên hỏi bác sỹ vậy. Em sinh được hơn tháng rồi, mỗi lần nhớ tới chuyện đi đẻ vẫn vừa tức chồng vừa buồn cười các chị ạ.
Cũng may sau em sinh mẹ tròn con vuông. Nhưng tới lúc bác sỹ trao con cho bố, lão nhà em hỏi ngay câu: “Sau bao nhiêu ngày em bé mới mở mắt hả bác sỹ” (Ảnh minh họa)
Kinh nghiệm đưa vợ đi sinh, các ông bố cần phải ghi nhớ
Không nên mang theo quá nhiều đồ: Chỉ nên mang theo những đồ vật cần thiết cho quá trình sinh nở, để tránh vướng víu khi đưa mẹ bầu đi sinh.
Làm thủ tục nhập sinh sớm cho vợ: Cần nhanh chóng làm các thủ tục nhập sinh để vợ an tâm chuẩn bị cho việc sinh con. Hãy thực hiện theo các yêu cầu của bác sĩ để mọi việc diễn ra thuận lợi hơn.
Lựa chọn phương pháp đẻ tốt nhất cho vợ: Nhờ bác sĩ tư vấn để có thể áp dụng phương pháp sinh đẻ phù hợp cho vợ, giúp mẹ tròn con vuông.
Chuẩn bị tài chính: Trong khi vợ vật vã với cơn đau, các ông chồng hãy đảm nhận trách nhiệm này. Mang theo tiền để chi trả viện phí và mua những vật dụng cần thiết cho mẹ bầu khi cần.
Luôn động viên vợ: Sinh nở phụ nữ cần nhất sự quan tâm, chăm sóc của chồng. Đây là “liều thuốc tinh thần” giúp cô ấy quên đi cơn đau đớn khi chuẩn bị sinh và cảm thấy an tâm khi bước vào quá trình sinh nở.