Nhiều mẹ bầu luôn có nỗi lo về vấn đề rạch tầng sinh môn khi sinh thường.
Ở những tháng cuối thai kỳ, chắc hẳn bà mẹ nào cũng có những nỗi lo riêng về ca sinh sắp tới. Một trong những vấn đề phổ biến khiến nhiều mẹ bầu sợ hãi chính là rạch tầng sinh môn khi sinh thường.Thủ thuật này chắc chắn sẽ để lại những tổn thương nhất định trên cơ thể và cần có thời gian để hồi phục. Vậy có phải mẹ sinh thường nào cũng phải rạch tầng sinh môn và nếu đã rạch thì cần chăm sóc thế nào cho nhanh lành?
Rạch tầng sinh môn là thủ thuật cần thiết để em bé chào đời thuận lợi, an toàn. (Ảnh minh họa)
Có phải ca sinh thường nào cũng phải rạch tầng sinh môn?
Rạch tầng sinh môn là một phẫu thuật được thực hiện ở khu vực giữa âm đạo và hậu môn để mở rộng cửa âm đạo để sinh nở. Mặc dù các nghiên cứu gần đây cho thấy ca sinh mà không cần rạch tầng sinh môn là tốt nhất cho hầu hết phụ nữ khi chuyển dạ, nhưng có một số tình huống mà thủ thuật này có thể cần thiết, đó là:
- Sản phụ có độ co giãn của tầng sinh môn kém, âm đạo hẹp, phù nề…
- Thai nhi có đường kính đầu to đồng thời số cơn gò của mẹ không mạnh có thể khiến bé bị chặn lại ở đáy chậu.
- Bà bầu trên 35 tuổi hoặc mắc bệnh tim khi mang thai, hoặc có nguy cơ cao bị huyết áp thai kỳ.
- Cổ tử cung mở rộng, đầu thai nhi đã thấp, nhưng thai nhi bắt đầu có hiện tượng thiếu oxy máu, nhịp tim bất thường, ối đục hoặc bị trộn với phân su thì cần rạch tầng sinh môn rộng để lấy con gấp.
Chắc hẳn không bà mẹ nào muốn phải thực hiện thủ thuật này khi sinh nở nhưng thực tế việc rạch tầng sinh môn sẽ giúp bé chào đời thuận lợi, đảm bảo an toàn cho mẹ, tránh trường hợp rách tầng sinh môn tự nhiên sẽ khó xử lý hơn.
Cách chăm sóc vết rạch tầng sinh môn sau khi sinh
Sau sinh, mẹ cần chăm sóc vết rạch tầng sinh môn cẩn thận để tránh nhiễm trùng, nhanh lành. (Ảnh minh họa)
Vết khâu tầng sinh môn sẽ không gây ra quá nhiều vấn đề nếu mẹ biết cách chăm sóc vết thương đúng cách. Dưới đây là một số mẹo giúp tăng tốc độ phục hồi và tránh nhiễm trùng sau khi rạch tầng sinh môn:
Tuân thủ các quy trình vệ sinh
Điều quan trọng là phải giữ vệ sinh sạch sẽ và chăm sóc vết khâu của mẹ sau khi sinh. Việc vệ sinh tốt sẽ giúp khu vực này không bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, sản phụ cần lưu ý phải rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh cũng rất quan trọng vì các vi khuẩn trên tay cũng có thể dễ dàng gây ra các biến chứng sau sinh.
Dành thời gian để nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi là một cách tốt để phục hồi sau khi sinh và chữa lành vết thương. Tránh làm việc vất vả trong thời gian mà mẹ đàn hồi phục sức khỏe, đừng quên nhờ đến sự giúp đỡ của người thân và bạn bè sau khi sinh.
Chườm mát
Chườm đá vào vết khâu có thể giúp chữa lành vết thương nhanh hơn. Mẹ có thể lấy túi chườm đá giống như miếng đệm lót. Nên chườm đá trong khoảng 10 đến 20 phút để giảm đau do vết khâu sau khi sinh. Những túi đá này dùng một lần và chỉ nên dùng một lần để tránh làm nhiễm vùng vết cắt.
Để vết thương thoáng
Việc tiếp xúc với không khí trong lành có thể giúp quá trình lành vết thương rạch tầng sinh môn nhanh chóng hồi phục. Lúc này mẹ hãy nằm trên giường mà không mặc quần áo lót trong 10 phút, một hoặc hai lần một ngày để vết thương được khô ráo.
Trung bình, mất khoảng 4 đến 6 tuần để vết khâu tầng sinh môn có thể liền sẹo sau khi sinh để hồi phục. Thông thường, các bác sỹ sản khoa sẽ kiểm tra vết khâu của mẹ vào lần khám sau sinh đầu tiên, thường là sáu tuần sau khi sinh.
Trong vòng 4-6 tuần sau sinh, vết rạch tầng sinh môn sẽ liền sẹo. (Ảnh minh họa)
Trong thời gian sau sinh, nếu thấy vết rạch tầng sinh môn có bất kỳ dấu hiệu bất thường dưới đây, mẹ cần đến bệnh viện thăm khám ngay:
- Sưng xung quanh vết khâu.
- Cảm giác nóng rát xung quanh vết khâu.
- Máu hoặc mủ có mùi hôi chảy ra từ vùng được khâu.
- Sốt hoặc ớn lạnh.
- Đau nghiêm trọng vùng đáy chậu.
- Sưng hạch bạch huyết.