Mặc dù bà nội và bà ngoại đều có kinh nghiệm chăm sóc bà đẻ và trẻ sơ sinh, song, đó vẫn chưa phải là sự lựa chọn lý tưởng nhất.
Để có thể “mẹ tròn con vuông” trong ca sinh nở, người phụ nữ đã phải mất rất nhiều máu, sức lực, phải chịu đựng biết bao đau đớn mới có thể đưa con chào đời bình an. Do vậy, trong những ngày đầu mới sinh con, bác sĩ thường yêu cầu sản phụ nằm lại bệnh viện vài ngày để theo dõi tình trạng sức khỏe của cả mẹ và em bé. Song, có một điều thường khiến các mẹ thường băn khoăn và khó xử nhất chính là chọn ai sẽ là người chăm sóc mình trong viện? Nhờ mẹ chồng? Mẹ ruột? Thuê bảo mẫu? Hay để chồng chăm mình?
Trước khi chọn lựa, điều quan trọng các mẹ cần phải hiểu rằng chăm sóc “bà đẻ” trong viện không phải là công việc dễ dàng. Ngược lại, nó thật sự rất vất vả. Người chăm sóc ấy sẽ phải luôn chân luôn tay vì lúc thì chăm em bé, lúc thì lại phải lo cho người mẹ. Do đó, tiêu chí đầu tiên khi chọn người chăm mình, các mẹ phải chọn người có sức khỏe tốt.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ gia đình có rất nhiều chuyện không thể nói thành lời, vì nếu nói ra chỉ khiến mâu thuẫn thêm sâu. Vậy nên, các chị em hãy cân nhắc những vấn đề sau:
1. Nếu chọn mẹ chồng
Mẹ chồng chắc chắn là người biết chăm sóc bà đẻ và trẻ sơ sinh nhưng bạn sẽ cảm thấy khó mở lời nếu cần mẹ giúp đỡ chuyện gì (Ảnh minh họa)
Mẹ chồng chắc chắn là người đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc bà đẻ và trẻ sơ sinh. Song, phận làm con dâu, các chị em sẽ cảm thấy khó khăn trong chuyện mở lời nhờ mẹ giúp mình việc gì đó. Chưa kể, nếu cách chăm sóc của mẹ chồng làm bạn cảm thấy không hài lòng thì mâu thuẫn rất dễ xảy ra. Điều này vô tình là sứt mẻ đi tình cảm tốt đẹp với mẹ chồng mà bạn vun xới trong suốt thời gian qua.
2. Nếu chọn mẹ ruột
Xét về mặt tâm lý, chị em nào cũng mong sau khi đẻ xong người chăm sóc mình chính là mẹ ruột. Bởi dù sao thì bà cũng là người đã chăm sóc, nuôi nấng bạn từ tấm bé, hiểu được hết mọi mong muốn và nhu cầu của con nên chuyện chăm sóc cũng sẽ vừa ý bạn hơn.
Với lại, là mẹ con nên bạn cũng dễ dàng nhờ bà ngoại giúp đỡ mỗi khi cần. Và nếu có điều gì không vừa ý, bạn cũng có thể góp ý kiến mà không sợ bà giận. Tuy nhiên, “cháu bà nội, tội bà ngoại”. Nếu đã không nhờ vả mẹ chồng thì cũng không nên làm khó mẹ mình, bởi dù sao thì bạn cũng không muốn nhìn thấy mẹ mình phải tất tả, vất vả ngược xuôi chăm con chăm cháu.
3. Nếu thuê người chăm sóc
Chi phí thuê người chăm sóc không hề rẻ, thế nên, nếu kinh tế gia đình không khá giả, bạn nên cân nhắc không sử dụng dịch vụ này (Ảnh minh họa).
Ngày nay, ở các bệnh viện lớn đều có dịch vụ cho thuê bảo mẫu chăm sóc cho bệnh nhân. Họ đều là những người được đào tạo chuyên môn, biết cách chăm sóc và làm hài lòng người khác. Song, chi phí thuê người này không hề rẻ một chút nào. Vậy nên, nếu kinh tế gia đình không mấy khá giả thì các mẹ nên bỏ qua dịch vụ này.
4. Nếu để chồng chăm
Trong mắt các bà vợ, những anh chồng là người vụng về, cẩu thả, chăm bản thân còn không xong nữa thì làm sao có thể chăm được cho mình khi sinh con. Do đó, các anh luôn bị loại ra khỏi danh sách ngay từ đầu. Thế nhưng, nếu suy nghĩ kỹ, các mẹ sẽ nhận ra rằng chồng chính là người thích hợp nhất để chăm sóc cho bạn trong thời gian nằm viện sau khi sinh con.
Thứ nhất, bạn sẽ không còn cảm thấy tủi thân khi phải “đi biển mồ côi một mình”.
Thứ hai, bạn sẽ dễ dàng nhờ chồng giúp đỡ mình mọi việc mà không cần phải đắn đo e ngại. Mặc dù chồng bạn chăm vợ chăm con vụng về nhưng nếu bạn hướng dẫn anh ấy cách làm, chắc chắn anh ấy sẽ làm tốt.
Và điều quan trọng hơn cả, chồng bạn cần thể hiện trách nhiệm của một người chồng người cha với gia đình của mình. Thế nên, các anh chồng chính là người thích hợp nhất để đồng hành cùng các mẹ trong thời gian ở viện sau khi sinh con.