Phát hiện tình trạng bất thường nên thai phụ 31 tuổi được chỉ định nhập viện gây chuyển dạ.
Ngày 18/1, chị Nguyễn Thị Thúy, 31 tuổi ở Hưng Yên đang mang bầu lần 2 nhập viện Phụ sản Hà Nội chờ sinh khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ.
Trước đó vài ngày, trong quá trình đánh giá sức khỏe thai qua siêu âm Doppler mạch máu cuống rốn và theo dõi biểu đồ tim thai bằng máy monitor, chị Thuý được các bác sỹ phòng khám Âu Lạc chỉ định nhập viện vì phát hiện có dấu hiệu bất thường khi chẩn đoán thai nhi bị tắc động mạch rốn 1 bên.
Vợ chồng sản phụ Nguyễn Thị Thúy bên con trai bị tắc động mạch rốn 1 bên đã chào đời an toàn, khỏe mạnh. (Ảnh: BSCC)
Bác sĩ Nguyễn Biên Thùy, Phó trưởng khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội – người trực tiếp đỡ đẻ cho chị Thúy cho biết: “Chị Thúy mang bầu con thứ 2, lần sinh con đầu lòng chị đẻ thường. Khi có thai, chị cũng siêu âm và thăm khám rất cẩn thận theo định kỳ. Tuy nhiên phải đến tuần thứ 38 khi đi thăm khám bình thường thì phát hiện một động mạch rốn đã tắc không rõ thời điểm nào. Bệnh nhân đã đến một viện tư khám thì được kiểm tra rồi cho về. Nhưng quá lo lắng cho tình trạng của mình, chị Thúy đã chủ động nhập viện Phụ sản Hà Nội”, bác sĩ Biên Thùy cho biết.
Ngay khi vào viện, bác sĩ Biên Thùy đã trực tiếp thăm khám lại cho sản phụ Thúy. Với nguy cơ thai lưu khi bị tắc động mạch rốn 1 bên kèm theo thai đã đủ tháng nên phó trưởng khoa Sản bệnh A4 đã quyết định chủ động gây chuyển dạ nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ và bé khi vượt cạn.
Dây rốn có vùng tím bầm tại vị trí huyết khối, động mạch rốn bị tắc xẹp lại từ cuống rốn đến bề mặt bánh rau. (Ảnh: BSCC)
May mắn ca vượt cạn sinh thường cho sản phụ Thúy đã mẹ tròn con vuông. Bé trai sơ sinh chào đời nặng 2,7kg, dây rốn có vùng tím bầm tại vị trí huyết khối (có ảnh kèm theo), động mạch rốn bị tắc xẹp lại từ cuống rốn đến bề mặt bánh rau. Hiện sức khỏe cả hai mẹ con chị Thúy đã hồi phục.
Trước đó, vào tháng 8/2022, bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng tiếp nhận thai phụ Nguyễn Thị Minh, SN 1997 ở Hà Nội. Sản phụ Minh khám và quản lý thai tại lúc đầu bình thường. Đến khi thai 30 tuần thì xuất hiện tắc mạch rốn 1 bên và được phát hiện ra ngay.
Chị Nguyễn Thị Minh bên con mới sinh bị tắc mạch rốn 1 bên. (Ảnh: BSCC)
Sau khi nhập viện Phụ sản Hà Nội, sản phụ Minh được các bác sĩ hội chẩn. Xác định thai nhi vẫn ổn định nên các bác sĩ tiếp tục theo dõi chặt chẽ. Thai phụ cũng được theo dõi sát tim thai bằng monitor và quan sát động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung bằng siêu âm Doppler hàng ngày.
Đến tuần 37, nhịp tim thai giảm, thai nhi có biểu hiện thiếu oxy não, nguy hiểm tính mạng nên bác sĩ Biên Thùy quyết định mổ lấy thai. May mắn, em bé nặng 2,8 kg, khóc to, khỏe mạnh.
Bác sĩ Biên Thùy cùng ê kíp đang mổ đẻ cho 1 sản phụ. (Ảnh: BSCC)
Bác sĩ Nguyễn Biên Thùy cho biết, cái khó ở 2 sản phụ này là làm sao phát hiện ra sớm tắc động mạch rốn sớm và theo dõi để lấy thai ra đúng thời điểm. Bởi đây là nguyên nhân gây ra một số trường hợp thai lưu, thai chậm phát triển trong buồng tử cung… ở những tháng cuối thai kỳ ngay khi còn trong bụng mẹ. Nếu được phát hiện kịp thời thì có khả năng cứu vì thai đã tự sống được.
Tắc động mạch rốn trong tử cung là một tai biến sản khoa rất hiếm gặp, với tỷ lệ 2,5 đến 4,5 trong 10.000 ca mang thai. Tắc động mạch rốn trong tử cung dù đều rất khó phát hiện. Nếu tắc cả 2 thì thai chết vì thai chỉ được nuôi bởi 2 động mạch rốn.
Để tránh tai biến đáng tiếc này có thể xảy ra, bác sĩ Biên Thùy khuyến cáo sản phụ nên chú ý theo dõi cử động thai mỗi ngày, đặc biệt là trong những ngày Tết bà bầu di chuyển nhiều, mải vui xuân. Trước khi nghỉ Tết, mẹ bầu nên thăm khám bác sĩ để theo dõi tình hình thai nhi và xin những tư vấn phù hợp sức khỏe.
Đặc biệt trong những tuần cuối thai kỳ bà bầu nên đến khám tại nơi có uy tín, bác sỹ có kinh nghiệm để được đánh giá sức khỏe thai, cử động thai ít hoặc yếu hơn bình thường, từ đó có phương án xử trí kịp thời. Bởi tắc động mạch rốn cũng không quá khó phát hiện nếu siêu âm cẩn thận.