Kỷ lục đẻ mổ, bác sĩ giật mình!

Ngày 20/08/2024 15:01 PM (GMT+7)

Chỉ riêng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương 5 năm trở lại đây tỉ lệ sinh mổ tăng gấp đôi so với 10 năm trước

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nôi) đã cố gắng thực hiện ca sinh mổ hy hữu cho một phụ nữ ở Hà Nội.

Vượt giới hạn cho phép của y văn

Nói hy hữu là ở chỗ đây là lần thứ 7 sản phụ này sinh mổ bắt con, vượt quá giới hạn cho phép của y văn.

Trước đó, người mẹ này cũng đã qua 6 lần sinh mổ với 3 con trai và 3 con gái cùng 1 lần mổ phụ khoa. Cuộc mổ lấy thai lần thứ 7 này may mắn diễn ra suôn sẻ, thêm 1 bé trai nặng 3,1 kg chào đời khỏe mạnh và cả mẹ con được xuất viện ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - người trực tiếp thực hiện, cho biết trong 35 năm làm nghề sản khoa, đây là lần thứ 2 ông thực hiện ca phẫu thuật hy hữu cho sản phụ có số lần sinh mổ nhiều như thế. Lần đầu là năm 1996, khi đang là bác sĩ nội trú tại Pháp, ông phẫu thuật lấy thai cho một phụ nữ châu Phi sinh mổ lần thứ 7. "Sinh mổ đến 7 lần là một trường hợp rất hiếm rồi và giờ đây cũng lại gặp ca sinh tương tự đặc biệt. May mắn, ca mổ thành công, em bé chào đời khóc to, hồng hào" - bác sĩ Ánh nói.

Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) thực hiện một ca sinh mổ. Ảnh: NGỌC DUNG

Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) thực hiện một ca sinh mổ. Ảnh: NGỌC DUNG

Trước đó, năm 2021, các y - bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mổ đẻ và triệt sản cho sản phụ sinh năm 1988 (ở Hà Nội) mang thai lần thứ 6. Người phụ nữ này sinh mổ 6 lần trong 10 năm. Các lần mang bầu bé thứ 4 và thứ 5 chị đều chủ động đẻ sớm khoảng 2-3 tuần để tránh việc thai to đè lên vết mổ.

Theo GS-TS Trần Danh Cường, Chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản (Trường Đại học Y Hà Nội), nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỉ lệ sinh mổ tăng dần theo các năm. Năm 2022, Bệnh viện Phụ sản Trung ương có khoảng 21.000 ca đẻ, trong đó hơn phân nửa là đẻ mổ, tỉ lệ đẻ mổ tăng dần theo các năm. 5 năm gần đây (2015 đến 2019), trong hơn 110.000 ca sinh nở tại bệnh viện có gần 68.000 ca mổ, tức là hơn 50% và gấp đôi so với 10 năm trước đó. Ngoài lý do bệnh lý của mẹ hoặc thai nhi thì tình trạng chủ động mổ lấy thai theo yêu cầu cũng tăng cao.

Mổ nhiều lần, rủi ro cao

Cách đây chưa lâu, các bác sĩ ở Đồng Nai từng cấp cứu cho một sản phụ bị vỡ tử cung, thai lọt ra ngoài ổ bụng do vết mổ cũ của 2 lần sinh mổ trước đó bị bục. May mắn được xử trí kịp thời, 2 mẹ con qua được nguy kịch, "mẹ tròn con vuông".

Trải qua 1 lần sinh thường và 2 lần sinh mổ, chị Trần Ngọc Mai (Hà Nội) rất hiểu những lợi ích của sinh thường. "Lần sinh thứ 2 bất đắc dĩ phải mổ vì thai to, ngôi ngược. Đến lần sinh thứ 3 này, tôi buộc phải chuẩn bị sẵn tinh thần sinh mổ từ khi bắt đầu mang thai bởi khoảng cách có thai chưa đầy 2 năm và bác sĩ khuyến cáo nguy cơ vỡ tử cung từ vết mổ cũ" - chị Mai chia sẻ.

ThS-BS Lê Võ Minh Hương, Phòng Công tác Xã hội - Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), cho biết sinh mổ là phẫu thuật nhằm đưa thai nhi ra ngoài qua vết rạch trên tử cung và thành bụng. Mổ lấy thai có thể được lên kế hoạch từ trước nếu có các yếu tố chống chỉ định sinh ngả âm đạo như đa thai; mẹ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch; hoặc được quyết định trong quá trình theo dõi chuyển dạ sinh thường. Phương pháp này đã góp phần làm giảm đáng kể tỉ lệ tai biến và tử vong cho mẹ và trẻ sơ sinh ở những trường hợp khó sinh ngả âm đạo.

Một ca sinh mổ tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM). Ảnh: HẢI YẾN

Một ca sinh mổ tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM). Ảnh: HẢI YẾN

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy mổ lấy thai làm tăng nguy cơ biến chứng cho thai kỳ tiếp theo. Do đó, sinh thường vẫn là phương pháp đầu tiên được lựa chọn trong trường hợp mẹ bầu không có yếu tố nào gây bất lợi cho quá trình sinh ngả âm đạo. Mỗi lần mổ lấy thai là thêm một lần tăng nguy cơ biến chứng cho thai kỳ kế tiếp. Xác suất gặp phải các biến chứng ở thai kỳ tương lai sẽ càng tăng khi số lần mổ lấy thai càng nhiều.

Những nguy cơ có thể gặp phải ở thai kỳ tương lai khi có sẹo mổ cũ như: Phản ứng với thuốc gây mê, gây tê; chảy máu; tổn thương các cơ quan lân cận trong lúc mổ; nhiễm trùng; thuyên tắc huyết khối; thời gian hồi phục lâu hơn sinh thường; nguy cơ dính, thoát vị thành bụng sau mổ; tăng các nguy cơ cho thai kỳ tương lai như vỡ tử cung, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, thai bám sẹo mổ lấy thai.

Không chỉ vậy, cũng như những cuộc phẫu thuật lớn khác, phẫu thuật lấy thai cũng có các nguy cơ cho trẻ sơ sinh, đặc biệt bị suy hô hấp với các thai kỳ dưới 39 tuần. Trẻ sinh mổ chủ động có nguy cơ nhập khoa hồi sức sơ sinh vì bệnh lý hô hấp cao gấp 2-3 lần so với sinh thường; tổn thương do thao tác và dụng cụ phẫu thuật. Dù hiếm gặp nhưng trẻ có thể bị các vết xước ở da hoặc các sang chấn khác trong lúc phẫu thuật. "Thực tế, dù có một số trường hợp sinh mổ 3-4 lần nhưng việc này vẫn có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, khi đã sinh mổ nếu có ý định sinh nhiều con cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định để bảo đảm an toàn cho bản thân, em bé và gia đình" - bác sĩ Hương khuyến cáo.

Cân nhắc để an toàn

Theo các bác sĩ, dù sinh mổ hay sinh thường, người phụ nữ cũng đều phải trải qua rất nhiều đau đớn và vất vả. Càng sinh nở nhiều lần thì chị em càng có nguy cơ cao gặp phải nhiều biến chứng.

Một bác sĩ sản khoa cho biết những phụ nữ có thể trạng sức khỏe tốt những lần mang thai trước không có tai biến hoặc biến chứng sản khoa vẫn có thể sinh mổ 3 đến 4 lần. Tuy nhiên, để bảo đảm sức khỏe, phụ nữ chỉ nên sinh mổ từ 2 đến 3 lần vì càng sinh mổ nhiều lần thì nguy cơ biến chứng sẽ càng tăng lên. Bên cạnh đó, các mẹ bầu cũng cần chú ý đến khoảng cách giữa các lần sinh mổ.

Thông thường, sản phụ sinh mổ sẽ cần nhiều thời gian phục hồi hơn so với những sản phụ đẻ thường. Nếu mang thai lần tiếp theo chưa tới 2 năm sẽ có nguy cơ nứt vết mổ. Vết mổ trên thành tử cung cần ít nhất 3 năm để có thể hồi phục trở lại. Do đó, khoảng cách tối thiểu sau mỗi lần sinh mổ là 3 năm. Nếu khoảng cách mang thai lần 4 với thời điểm sinh mổ lần 3 quá ngắn, chị em cần nhờ đến sự tư vấn từ chuyên gia. "Trong trường hợp quyết định tiếp tục thai kỳ, chị em cần phải lên kế hoạch theo dõi thai kỳ chi tiết, trang bị đầy đủ kiến thức chăm sóc thai sản để phòng ngừa rủi ro, bảo đảm sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi" - một chuyên gia lưu ý.

GS Cường khuyên những thai phụ khỏe mạnh không gặp bất cứ một vấn đề sức khỏe nào trong suốt thai kỳ hoặc trong quá trình chuyển dạ thì nên lựa chọn sinh thường. Việc này sẽ giúp người mẹ hạn chế nguy cơ biến chứng và cũng là phương pháp tốt cho khả năng sinh sản của người mẹ trong tương lai. Người mẹ sinh thường không gặp các biến chứng của sinh mổ như gây tê màng cứng, gây mê, chảy máu vết mổ sau đẻ, nhiễm trùng vết mổ. Còn phụ nữ đã trải qua mổ lấy thai, ở lần mang thai tiếp theo sẽ tăng nguy cơ vỡ tử cung, đặc biệt những tháng cuối thai kỳ, lúc chuyển dạ, do thành tử cung mỏng. Nguy cơ vỡ tử cung khi có sẹo mổ cũ hai lần cao gấp đôi so với sẹo mổ cũ một lần. Ngoài ra, có một biến chứng rất hay gặp khác, đó là chửa lên trên sẹo mổ. Đặc biệt, một biến chứng cực kỳ nặng nề mà chúng ta gặp tỉ lệ rất lớn, đó là nhau cài răng lược. Bánh nhau bám bất thường vào sẹo tử cung gây ra chảy máu trầm trọng.

"Chúng tôi khuyến cáo chỉ nên áp dụng biện pháp sinh mổ tối đa 2 lần, còn lại phải dựa vào kết quả đánh giá sức khỏe, tiền sử y tế của mẹ. Các mẹ nên cân nhắc về việc muốn sinh nhiều con, để bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ và bé. Trước khi có kế hoạch sinh thêm em bé khi đã mổ đẻ 2 lần, chị em cần đi kiểm tra tổng thể và có tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để tránh các biến chứng lúc mang thai" - GS Cường nhấn mạnh. 

"Hiện Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức về tỉ lệ đẻ mổ nhưng có nơi con số này lên tới 60%. Tại TP HCM, tính trung bình tỉ lệ mổ đẻ khoảng 30%; còn riêng ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, con số này cũng khoảng 50%.

Chồng 6 lần từ chối ký giấy cho vợ sinh mổ, 3 tiếng sau sản phụ và em bé đều không qua khỏi
Tình trạng của người vợ ngày càng xấu đi, mọi người đều khuyên anh rằng nếu không ký giấy thì cô ấy sẽ mất mạng, nhưng anh vẫn không nghe.

Câu chuyện đi đẻ

Theo NGỌC DUNG - HẢI YẾN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh mổ