Khi em bé được bác sĩ bế ra, thay vì thấy một bé sơ sinh đỏ hỏn, người chồng tái mặt khi thấy một vật thể trong suốt, giống như thạch rau câu, bên trong mờ mờ có thể nhìn thấy hình dáng của em bé.
Sự chào đời của một đứa trẻ là một sự kiện trọng đại trong mỗi gia đình, mang theo niềm vui và hy vọng vô bờ bến. Nhưng niềm hạnh phúc ấy thường đi kèm với những lo lắng, bất an trong phòng sinh. Đối với người thân, khoảnh khắc y tá bế ra em bé khỏe mạnh, bụ bẫm, tiếng khóc vang dội khắp phòng sinh là niềm vui khó tả. Nhưng không phải mọi sự chào đời đều suôn sẻ như vậy.
Một trường hợp đặc biệt đã xảy ra khi Tiểu Lệ, một bà mẹ thuộc thế hệ 9X (Trung Quốc) sinh hạ "em bé thạch rau câu". Điều này khiến người chồng có mặt trong phòng sinh tái mặt vì hoảng sợ. Thế nhưng, bác sĩ lại nở nụ cười và chúc mừng. Vậy điều kỳ diệu này là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua câu chuyện đầy xúc động dưới đây.
Khoảnh khắc hồi hộp trong phòng sinh
Tiểu Lệ kể từ khi biết tin mang thai đã trở thành "gấu trúc quý hiếm" trong gia đình. Mẹ chồng ngày ngày chuẩn bị các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, chồng sau giờ làm cũng luôn bên cạnh, động viên và cùng cô đi dạo. Nhìn bụng bầu của Tiểu Lệ lớn hơn so với những người mẹ khác, cả nhà đều tin rằng em bé chắc chắn sẽ khỏe mạnh và xinh xắn. Suốt thời gian mang thai, Tiểu Lệ nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ tất cả mọi người, khiến cô càng thêm kỳ vọng vào ngày con yêu chào đời.
Chồng Tiểu Lệ cùng vào phòng sinh với vợ.
Ngày sinh đến gần, chồng của Tiểu Lệ quyết định sẽ vào phòng sinh để động viên và chứng kiến khoảnh khắc trọng đại này. Dù lo lắng và sợ hãi, anh vẫn lấy hết can đảm để theo cùng bác sĩ vào phòng. Anh nghĩ, việc ở bên vợ không chỉ giúp cô yên tâm mà còn là trải nghiệm quý giá, lưu lại kỷ niệm không thể nào quên khi lần đầu được gặp gương mặt của con.
Thế nhưng, điều bất ngờ đã xảy ra. Khi em bé được bác sĩ bế ra, thay vì thấy một bé sơ sinh đỏ hỏn, người chồng tái mặt khi thấy một vật thể trong suốt, giống như thạch rau câu, bên trong mờ mờ có thể nhìn thấy hình dáng của em bé. Bối rối và lo lắng bao trùm lấy anh. "Tại sao con mình lại trông như thế này? Tại sao không giống như những đứa trẻ khác?" - hàng loạt câu hỏi và nỗi sợ dồn dập trong lòng người cha trẻ.
Hình ảnh em bé vừa cháo đời khiến vợ chồng Tiểu Lệ tái mặt.
Anh nắm chặt tay vợ, cố gắng trấn an cô: "Dù thế nào, anh cũng sẽ luôn ở bên em và con, đừng lo lắng”. Mặc dù nói vậy, nhưng sắc mặt anh vẫn tái xanh vì sợ hãi. Lúc này, bác sĩ mỉm cười, bình tĩnh giải thích: "Chúc mừng 2 bạn! Đây là một trường hợp hiếm gặp nhưng vô cùng đặc biệt. Em bé của hai bạn rất khỏe mạnh, không có gì phải lo lắng cả”.
Sự thật đằng sau "em bé thạch rau câu"
Nghe bác sĩ nói vậy, người chồng mới nhẹ nhõm hơn một chút. Sau đó, bác sĩ giải thích: "Đây gọi là màng ối, một lớp màng bảo vệ bao bọc em bé. Thông thường, trong quá trình sinh nở, màng ối sẽ vỡ để em bé chào đời. Tuy nhiên, trường hợp này, em bé sinh ra vẫn còn nguyên màng ối bao bọc, điều này rất hiếm gặp và quả là một trải nghiệm đáng nhớ”.
Đứa trẻ hoàn toàn khoẻ mạnh sau khi rạch màng ối.
Sau khi nghe lời giải thích, cả hai vợ chồng Tiểu Lệ mới thở phào. Bác sĩ nhẹ nhàng rạch màng ối, để em bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Tiếng khóc đầu tiên vang lên, mang theo niềm vui vỡ òa. Cả gia đình lúc này mới thật sự cảm nhận được niềm hạnh phúc khi đón nhận thiên thần bé nhỏ.
Màng ối là gì?
Màng ối là một lớp màng mỏng trong suốt bao bọc xung quanh thai nhi, tạo thành "nhà" bảo vệ an toàn cho bé trong suốt 9 tháng 10 ngày của thai kỳ. Bên trong màng ối chứa đầy nước ối, cung cấp môi trường ấm áp cho sự phát triển của thai nhi, đồng thời bảo vệ thai nhi khỏi các tác động bên ngoài.
Trong quá trình mang thai, màng ối và nước ối phối hợp giúp thai nhi phát triển ổn định, duy trì nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, tránh được những cú sốc từ bên ngoài. Màng ối cũng là một hàng rào ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập, bảo vệ không gian sống của thai nhi, đảm bảo bé phát triển trong môi trường an toàn. Đồng thời, chất dinh dưỡng và chất thải trong nước ối được trao đổi với cơ thể mẹ thông qua màng ối, duy trì sự cân bằng dinh dưỡng và trao đổi chất cho bé.
Trong trường hợp của Tiểu Lệ, em bé được sinh ra cùng với màng ối còn nguyên vẹn, tạo nên cảnh tượng đặc biệt như một "em bé thạch rau câu". Đây thực chất là dấu hiệu tốt, cho thấy bé đã được bảo vệ kỹ càng trong suốt quá trình phát triển.
Những nguy cơ khi màng ối bị vỡ sớm và cách xử lý
Mặc dù màng ối đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ em bé, nhưng có những trường hợp màng ối vỡ sớm, gây ra nhiều rủi ro. Khi màng ối vỡ trước khi sinh, nước ối chảy ra ngoài, thai nhi sẽ mất đi lớp bảo vệ, đối mặt với nguy cơ thiếu oxy và nhiễm trùng.
Nếu mẹ bầu phát hiện có hiện tượng chảy nước ối khi đang ở nhà, có thể đây là dấu hiệu của vỡ ối sớm. Lúc này, mẹ bầu cần giữ bình tĩnh, nằm xuống và nâng cao hông bằng khăn hoặc gối để giảm thiểu nguy cơ nước ối tiếp tục chảy. Sau đó, cần liên hệ với người thân hoặc gọi xe cấp cứu để đến bệnh viện kịp thời. Tại bệnh viện, hãy tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.