Từ trường hợp sản phụ sinh thường 4,1kg mà không phải rạch tầng sinh môn, bác sĩ Cường cũng mách nước những yếu tố giúp các mẹ bầu thai to có ca đẻ thuận lợi, an toàn.
ThS.BS. Tạ Việt Cường - Phó Giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chia sẻ hình ảnh hai vợ chồng chị Quyên (Hà Nội) hạnh phúc bên em bé mới chào đời của mình.
Theo đó, ThS.BS. Tạ Việt Cường tiết lộ, sản phụ Quyên mới vượt cạn bằng phương pháp sinh thường. Đáng lưu ý hơn là em bé của chị Quyên nặng đến 4,1kg mà sinh thường không cần rạch tầng sinh môn. Điều này khiến các mẹ bỉm sữa hết sức bất ngờ vì thai to mà không phải can thiệp đẻ mổ cũng như rạch tầng sinh môn như nhiều sản phụ bình thường khác.
Vợ chồng chị Quyên (Hà Nội) hạnh phúc bên em bé mới chào đời của mình. (Ảnh: BSCC)
Trước đó, chị Quyên cũng từng đi khám ở các nơi khác. Tuy nhiên, những lần đi khám đó, bác sĩ chỉ dự đoán em bé tầm 3,1 - 3,6kg, hoàn toàn có thể đẻ thường. Vì thế 4h sáng ngày cuối năm, sản phụ Quyên chuyển dạ nên nhập viện Phụ sản Hà Nội trong tình trạng cổ tử cung đã mở gần hết.
"Mọi thứ tiến triển thuận lợi, đầu lọt qua khung chậu dễ dàng, sau khoảng hơn 15 phút thì đầu lọt thấp để chuẩn bị đỡ đẻ. Với kế hoạch sẽ giữ tầng sinh môn, để đường sinh được nong ra từ từ nên cũng không quá vội vàng. Và do tim thai cũng không có dấu hiệu suy thai chậm nên mọi thứ tiến triển thuận lợi”, bác sĩ Tạ Việt Cường nhận định.
Vì thế sau vài lần dồn sức, sản phụ Quyên đã rặn được đầu em bé ra ngoài. Bé sơ sinh chào đời khóc to, trắng trẻo, hồng hào trong sự vui mừng của mọi người. Nhưng khi hộ sinh cân thì báo bé sơ sinh nặng 4,1kg khiến ai nấy đều bất ngờ.
“Thật sự nếu biết cân nặng này từ đầu của bé như thế này thì không ai dám cho đẻ thường. Bởi con trên 4kg là chỉ định đẻ mổ tuyệt đối do nguy cơ đầu không lọt, hay mắc vai cũng rất cao", bác sĩ Cường chia sẻ.
Từ trường hợp sản phụ sinh thường 4,1kg mà không phải rạch tầng sinh môn, bác sĩ Cường cũng mách nước những yếu tố giúp các mẹ bầu thai to có ca đẻ thuận lợi, an toàn.
Thứ nhất, khung chậu người mẹ và ngôi thế thuận lợi. Lần đầu đẻ con của sản phụ, em bé đã nặng 3,6kg. Đây là lần sinh thứ 2 của sản phụ Quyên.
Thứ hai, âm đạo của sản phụ đủ mềm và giãn (sản phụ sinh lần 2 nên cũng là một lợi thế).
Thứ ba, diễn biến tim thai thuận lợi, không hề có dấu hiệu suy thai.
Thứ tư, việc xác định giữ tầng sinh môn để vùng kín nong rộng ra cũng là một yếu tố giảm nguy cơ mắc vai (yếu tố này vẫn còn phụ thuộc vào khung chậu và diễn biến tim thai).
ThS.BS. Tạ Việt Cường đón em bé mới chào đời. (Ảnh: BSCC)
Cũng theo Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, quá trình đẻ thường cần nỗ lực rất lớn của sản phụ. Việc bác sĩ có quyết định rạch tầng sinh môn hay không trong quá trình vượt cạn phụ thuộc nhiều vào việc mẹ rặn đẻ có tốt không. Những trường hợp tầng sinh môn rách ít hầu hết là do mẹ rặn tốt, tim thai không bị suy, bác sĩ mới có thể để cho tầng sinh môn nong, giãn rộng hết cỡ.
Ngược lại, nếu sản phụ rặn đẻ không tốt, quá trình rặn bị kéo dài, tim thai nhi bị suy, bé có nguy cơ bị ngạt, bác sĩ sẽ phải rạch tầng sinh môn với mục đích đưa em bé ra ngoài dễ dàng và thuận lợi hơn.
Có thể nói, quá trình sinh thường cần sự nỗ lực từ cả hai phía: bác sĩ và sản phụ. Việc sinh thường hay mổ phải tuân theo chỉ định của bác sĩ sản khoa. Thực tế, sản phụ sinh thường dễ dàng hay không còn phụ thuộc vào sức khỏe, thể chất, khung xương chậu, độ đàn hồi của âm đạo, từ đó dẫn tới sự khác biệt trong việc sinh con của từng sản phụ.