Không sinh mổ, không rạch, không khâu khi vượt cạn đó chính là mục tiêu lớn của người vợ trẻ Nghệ An ngay khi mang bầu con đầu lòng.
Sau đám cưới, vợ chồng chị Thuý Trần, 29 tuổi ở TP. Vinh, Nghệ An kế hoạch một thời gian. Sau khi thả 2 tháng thì chị Thúy có bầu. Ngày có tin 2 vạch, vợ chồng trẻ không nghĩ nhạy thế nên thử tận 4 que thử thai. Lúc biết chắc chắn có tin vui, gia đình và 2 vợ chồng đều rất vui mừng.
Cả thai kỳ chị Thúy trộm vía rất khỏe mạnh. Bản thân chị không bị nghén như nhiều mẹ bầu khác. Mọi sinh hoạt hàng ngày của mẹ bầu xinh đẹp y hệt như thời con gái. Tuy nhiên người vợ trẻ luôn xác định một mục tiêu trong thai kỳ của mình đó chính là cố gắng sinh thường được và quá trình sinh phải dễ dàng, không rạch, không khâu tầng sinh môn.
Ngay khi đang mang thai, chị Thúy đã quyết tâm ăn uống khoa học để quyết tâm đẻ thường, không rạch. (Ảnh: NVCC)
Xác định như vậy nên ngay khi bắt đầu thai kỳ, chị Thúy đã rất hạn chế ăn tinh bột, đồ ngọt mà chủ yếu ăn nhiều rau xanh. Mẹ bầu cũng cố gắng không để tăng cân nhiều sợ tiểu đường thai kì dễ dẫn đến sinh non, tiền sản giật.
Bản thân chị Thúy luôn muốn sinh thường mà không bao giờ muốn sinh mổ chủ động như nhiều mẹ bầu hiện nay lựa chọn. Nguyên nhân là do chị Thúy cho rằng, mổ chủ động khá an toàn, xử lý kịp thời những vấn đề xảy ra với mẹ bé. Tuy nhiên sau mổ thời gian phục hồi rất lâu, mẹ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ khá nhiều.
“Từ khi mang bầu, em đã muốn được đẻ thường vì phục hồi sau sinh thường nhanh hơn, sữa về sớm hơn. Em sẽ chỉ quyết định chuyển sinh mổ nếu cuộc chuyển dạ gặp khó khăn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và thai nhi”, chị Thúy khẳng định.
Vì đã có kế hoạch bản thân phải đẻ thường được và mục tiêu phấn đấu không bị rạch, không phải khâu tầng sinh môn nên suốt thai kỳ chị Thúy chỉ ăn uống vừa đủ nhu cầu để 2 mẹ con không tăng cân quá nhiều. Cả thai kỳ chị chỉ tăng 10kg và em bé sinh ra được 3,2kg.
Cuộc vượn cạn đã diễn ra đúng như kế hoạch khiến mẹ bỉm rất vui. (Ảnh minh họa)
“Em sinh đứa đầu nên cũng rất lo lắng, nghe mọi người nói không gì bằng đau đẻ nên cũng sợ. Vì thế trong thai kỳ em hay lên mạng đọc các bài chia sẻ của các mẹ bầu khác vừa xem các clip của bác sĩ hướng dẫn điều chỉnh nhịp thở, cảm nhận cơn đau và cách rặn cho đỡ tốn sức mà hiệu quả. Đến khi sinh em cố gắng bình tĩnh, áp dụng và em rặn 3 hơi là em bé ra. Trộm vía em rặn đẻ cực nhanh chỉ 20 phút là đã xong”, mẹ bỉm nhớ lại ngày đi đẻ nhanh chóng của mình.
Chị Thúy cũng cho biết, trước sinh chị có đăng ký dịch vụ giảm đau trong sinh nhưng thấy cơ địa mở nhanh nên không sử dụng tới dịch vụ này. Chính vì thế chi phí sinh thường có bảo hiểm y tế của sản phụ này rất rẻ, chỉ hết khoảng 3 triệu đồng.
Sau sinh thường không rạch, không khâu nên chị Thúy rất khỏe khoắn. Sinh xong chị chỉ cần nằm nghỉ ngơi khoảng 1 tiếng là đã có thể tự đi về phòng và ngay ngày hôm sau đã có thể xuất viện.
Khi về nhà ở cữ, chị Thúy cho biết có thể sinh hoạt, chăm con như bình thường: “Mới ở cữ mà sữa em về nhanh lắm, sau sinh em đã có sữa cho con ti ngay. Em sinh ở bệnh viện thấy rất nhiều sản phụ khác, sinh thường phải rạch cũng mất mấy ngày mới hết đau huống chi sinh mổ tập đi lại đau đớn thế nào. Em sinh thường nên khỏe mạnh, sinh hoạt như bình thường”.
Từ kinh nghiệm bản thân sinh thường con đầu lòng không phải rạch, không khâu, chuyển dạ nhanh, chị Thúy cũng khuyên các mẹ bầu muốn sinh thường an toàn, nhanh chóng và khỏe mạnh hãy áp dụng những lưu ý sau:
+ Cả thai kì mẹ bầu chịu khó ăn vừa phải, đừng để con to quá dễ phải chuyển sang sinh mổ. Bé tầm 3-3,5kg là ổn, mẹ có thể đẻ thường.
+ Chủ động tìm hiểu các dấu hiệu sắp sinh để lên viện, tránh đến viện quá muộn nguy hiểm cho 2 mẹ con mà khả năng phải mổ đẻ cấp cứu.
+ Trong quá trình chuyển dạ cố gắng bình tĩnh, hít đều thở sâu, tránh la hét mất sức vì lúc vượt cạn cần nhiều sức để rặn.
Em bé là cô gái xinh đẹp và rất ngoan. (Ảnh: VNCC)
+ Khi sinh, mẹ bầu luôn phải cảm nhận cơn gò. Mặc dù lúc đó rất muốn rặn nhưng phải bình tĩnh. Khi cảm thấy thai nhi thúc xuống háng (đau bụng dưới) thì mới lấy hơi rặn thật dài (ngậm mồm, giữ hơi đẩy xuống dưới). Nếu cảm thấy sợ có thể nhờ bác sĩ chỉ cho khi nào cần rặn vì các bác sĩ dựa trên máy đo cơn gò để nhắc khi nào mẹ bầu phải rặn.
“Sau sinh xong, em cũng rút ra 1 số điều đã áp dụng có hiệu quả với bản thân. Tất nhiên cơ địa mỗi mẹ bầu mỗi khác. Bản thân em cảm thấy mình thực sự may mắn vì vượt qua cửa tử 1 cách rất nhẹ nhàng và thành công. Giờ bé nhà em đã gần 1 tuổi, trộm vía rất ngoan, chưa ốm sốt bao giờ, em lại cảm thấy mình may mắn hơn nữa”, mẹ bỉm nói.