Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, có những người phụ nữ vẫn hằng ngày cần mẫn làm việc để giúp giữ gìn vệ sinh môi trường sống của chúng ta. Nhưng lại ít ai biết rằng họ mang trong mình nhiều tâm tư không biết giãi bày cùng ai.
Những bờ vai nhỏ bé
Trong tình hình dịch bệnh, người dân đã chuyển sang mua hàng về nhà hoặc mua sắm trực tuyến nhiều hơn để hạn chế tiếp xúc, đồng nghĩa phải sử dụng nhiều túi nilon, hộp nhựa hơn. Điều này vô hình trung khiến cho số lượng rác thải nhựa gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Chưa kể, phân loại rác tại nguồn chưa phải là một thói quen phổ biến tại Việt Nam.
Vì vậy, những người lao động nghề ve chai, đồng nát như chị Trần Thị Ngọc, quê ở Nam Định, hiện đang ở trọ tại Hà Nội vừa thu nhặt rác từ các hộ gia đình vừa kiêm luôn vai trò phân loại rác trước khi tập trung về các đại lý thu gom. Chị Ngọc chia sẻ đã làm nghề thu gom rác thải và các loại phế liệu từ khi 18 tuổi. “Nghề nào mà chả vất vả. Nhưng nghề đồng nát như chúng tôi bình thường đã không dễ dàng, đến khi có dịch bệnh thì lại càng khó khăn”, chị Ngọc tay vừa thoăn thoắt phân loại rác nhựa vừa vui vẻ chia sẻ.
Chị Trần Thị Ngọc – một người lao động ve chai tại Hà Nội
Xa quê để kiếm sống với ước mong có thu nhập gửi về cho con cái được đến trường, phụ giúp thêm cho gia đình, nhưng khi dịch bệnh bùng phát, các quy định giãn cách được áp dụng, chị Ngọc và các chị em đồng nghiệp khác không thể ra ngoài để thu gom, thu nhập trước đây đã không mấy ổn định nay càng thêm bấp bênh.
“Lo cho gia đình, con cái ở quê, còn mình ở trên đây cơm cháo gì cũng được. Nhưng khi dịch kéo đến, thu nhập thì không có, nhưng vẫn cần trả tiền trọ và chi tiêu cho cuộc sống nên chị em chúng tôi có khi cũng nghĩ hay là về quê. Nhưng rồi lại bảo ban nhau thôi thì cùng cố thêm chút nữa”, chị Vũ Thị Nhung, quê ở Nam Định, cũng đang làm nghề ve chai, đồng nát chia sẻ.
Chị Vũ Thị Nhung chia sẻ về những khó khăn của nghề đồng nát trong dịch bệnh
Cùng làm nghề này, chị Hà Thị Thúy Mai, quê tại Hà Nội cũng có nhiều trăn trở. Chị cho biết gia đình ở tại Hà Nội nên chị không phải thuê trọ như các chị em từ các tỉnh khác. Nhưng nghề đồng nát vẫn là nghề vất vả, không có thời gian cố định, không có thu nhập ổn định và lâu dài. “Chưa kể ngày nào cũng vây quanh với rác thải, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng không ít. Nhưng đã theo nghề này rồi nên mình chấp nhận thôi. Với có khi cũng nghĩ, mình làm nghề này cũng là đang góp sức làm sạch cho môi trường, thế là các chị em lại vui vẻ quay lại với công việc”, chị Mai bộc bạch.
Chị Hà Thị Thúy Mai cảm thấy vui khi nghề của mình giúp bảo vệ môi trường
Không chỉ một mình
Thu nhập bấp bênh, cuộc sống không ổn định, môi trường làm việc có hại cho sức khỏe, và còn những khó khăn vô hình khác. Nhưng những người lao động tự do đang làm nghề ve chai, đồng nát như chị Ngọc, chị Nhung hay chị Mai vẫn tiếp tục với công việc của mình.
Họ chính là những người thầm lặng, đang ngày ngày giúp giữ gìn vệ sinh môi trường cho chúng ta, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh do Covid-19 như hiện tại, dẫu biết sẽ có nhiều rủi ro, họ vẫn cần mẫn với công việc này.
Thấu hiểu được những khó khăn mà người lao động tự do đang làm công việc thu gom rác thải gặp phải, Unilever Việt Nam đã cùng đối tác VietCycle và Duy Tân thực hiện chương trình “Hồi sinh Rác thải Nhựa”. Bên cạnh mục tiêu bảo vệ môi trường, chương trình còn hướng đến đồng hành và nâng cao điều kiện sống cho người lao động nữ, người yếu thế, lao động tự do, người khuyết tật khi tham gia vào chuỗi giá trị.
Chương trình “Hồi sinh Rác thải Nhựa” từ Unilever, VietCycle, Duy Tân đồng hành cùng chị em phụ nữ
Thông qua việc thành lập các hội, nhóm thu gom phế liệu, chương trình sẽ giúp người lao động có thêm những thông tin về đảm bảo điều kiện vệ sinh và an toàn trong quá trình thu gom rác thải nhựa, hỗ trợ các thiết bị bảo hộ lao động... giúp cải thiện sức khỏe và nâng cao điều kiện sống, giúp họ vượt qua những thử thách do dịch Covid-19 gây ra và đón một năm mới êm ấm hơn cùng gia đình.
Bên cạnh đó, đa phần lực lượng tham gia vào hoạt động phân loại và thu gom rác thải là các chị em phụ nữ. Tạo điều kiện để họ tham gia vào chương trình chính là góp phần trao quyền, trao cơ hội cho phụ nữ phát triển, tạo giá trị gia tăng tích cực cho xã hội và cộng đồng, từ đó nâng cao vị thế của nữ giới trong gia đình và xã hội, góp phần thúc đẩy cam kết bình đẳng giới.
Unilever Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trên hành trình phát triển bền vững cùng Việt Nam, góp phần cải thiện sinh kế và đời sống của người dân, đặc biệt là cam kết thúc đẩy bình đẳng giới thông qua trao quyền cho phụ nữ.
Những kết quả đáng khích lệ từ các hoạt động cải thiện sinh kế và đời sống của Unilever Việt Nam
Với những nỗ lực này, trong năm nay, doanh nghiệp đã được vinh danh là doanh nghiệp phát triển bền vững trong 6 năm liền và doanh nghiệp thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc của Chương trình CSI, chiến thắng tại WEPs Awards 2021 ở hạng mục bình đẳng giới tại thị trường, nhận giải thưởng trách nhiệm xã hội từ AmCham nhờ vào những đóng góp vào hành trình phòng chống Covid-19 tại Việt Nam.