Nghe được những lời của anh chồng nói mà tôi tức đến nghẹt thở. Tự nhiên tôi thấy hối hận khi không ép bố mẹ sang tên đất trước rồi hãy xây nhà.
Nhà chồng tôi có 2 người con gái lấy chồng, còn 2 con trai sống gần bố mẹ. Sau ngày cưới, tôi muốn ra riêng mua đất sống cho tự do thoải mải mái nhưng mẹ chồng không đồng ý. Bà bảo:
“Mẹ con mình sống với nhau 3 năm, mẹ thấy con là người hiền lành, chăm chỉ, đạo đức. Còn chị dâu con hẹp hòi, tính toán và lười biếng. Với tính cách của 2 con, mẹ thấy cuối đời chỉ có thể dựa vào vợ chồng con. Vì vậy hãy ở cùng với bố mẹ và chúng ta nương tựa vào nhau mà sống”.
Nghe những lời nói thật lòng của mẹ chồng, tôi cũng mềm lòng và quyết định ở lại nhà chồng.
Khi 3 đứa con tôi lần lượt ra đời, nhà của bố mẹ dần chật chội hơn. Chồng tôi xin phép bố mẹ đập bỏ nhà cũ xây mới và ông bà hưởng ứng nhiệt tình.
Anh chồng ngay cạnh nhà tôi, trong lúc xây nhà anh ấy gây khó dễ cho chúng tôi rất nhiều. Anh khuyên bố chồng:
“Ông bà cho chú thím đất xây nhà là đủ rồi, không phải cho tiền bạc gì cả. Cho nhiều rồi chắc gì đã coi trọng bố mẹ. Có bao nhiêu tiền ông bà cứ tích trữ lo tuổi già, về già không phải phụ thuộc vào ai cả”.
Bố chồng tôi trả lời một câu rất khôn ngoan, chẳng mất lòng con nào: "Đến đâu hay đến đó".
Vợ chồng tôi sống chung với bố mẹ chồng. (Ảnh minh họa)
Khi chúng tôi xây xong tầng 1, anh chồng sang nhắc nhở không được làm cao quá nhà anh ấy, bởi anh sợ nhà tôi sẽ che chắn mất ánh nắng bình minh.
Bị anh trai điều khiển, chồng tôi ấm ức lắm, đáng lý chúng tôi chỉ xây 2 tầng nhưng anh nói nhiều quá nên xây cố 3 tầng. Nhìn nhà em trai cao vút, anh chồng giận lắm mà không làm được gì, bởi nói ra chỉ khiến mọi người xung quanh chê cười có người anh hẹp hòi ích kỷ.
Sau nhiều ngày khó khăn vất vả, cuối cùng nhà tôi cũng xây xong.
Một tháng trước, lúc tôi đang ở dưới bếp nấu ăn, anh chồng qua chơi và ngồi nói chuyện với ông nội. Tôi rất bất ngờ khi anh chồng bàn với bố chuyện sổ đỏ, anh bảo:
“Bố mẹ còn trẻ khỏe, làm ra được tiền và chăm sóc được cháu nên các em còn nể trọng quý mến ông bà. Nhưng khi nào bố mẹ không còn phục vụ được con cháu nữa thì bọn chúng sẽ trở mặt. Thế nên ông bà khoan hãy sang tên sổ đỏ cho các em. Nếu con cháu đối xử tốt thì đợi lúc già yếu sẽ sang tên. Còn đối xử tệ thì không sang tên gì cả, cứ để nhà làm của chung”.
Nghe được những lời của anh chồng nói mà tôi tức đến nghẹt thở. Tự nhiên tôi thấy hối hận khi không ép bố mẹ sang tên đất trước rồi hãy xây nhà. Bây giờ chúng tôi bỏ ra rất nhiều tiền để xây nhà mà anh chồng lại có ý đồ biến nhà tôi thành nhà chung sao.
Tôi rất bất ngờ khi anh chồng bàn với bố chuyện sổ đỏ. (Ảnh minh họa)
Câu trả lời của bố chồng làm tôi rất bất ngờ:
“Bố mẹ đã cho con tiền và đất làm nhà rồi. Vợ chồng con được sống riêng tự do hơn các em nhiều. Bố mẹ sống chung nhà với các em thì về già chắc chắn phải nhờ vả các em nhiều hơn vợ chồng con.
Bố đã hứa cho đất để các em làm nhà rồi thì phải sang tên sỏ đỏ, sao lại lật lọng được. Bố mẹ là người lớn, lời nói phải có cái uy, sao có thể ăn không nói có được. Bố mẹ không giữ lời hứa thì sao các con tôn trọng được. Bố tin là cứ đối xử tốt với các em thì chắc chắn sẽ nhận được trái ngọt. Bố mẹ đã có quyết định riêng rồi, con đừng nói nữa mà mất tình anh em và bố con mình lại cãi nhau”.
Không thể ngăn cản được việc làm của bố chồng tôi, anh trai tức giận ra về. Ngay tối hôm đó, bố chồng nhắc chúng tôi đưa hộ khẩu để làm sổ đỏ. Bởi ông sợ có ngày ra đi không kịp làm sổ cho các con thì cả đời này chúng tôi không thể sở hữu được ngôi nhà do chính bản thân gây dựng lên.
Còn về phía anh chồng, chẳng hiểu ai nói gì mà tối qua anh bỗng sang nhà xin lỗi vợ chồng tôi và bố mẹ. Anh bảo trước là do anh sai, bản thân không nên hẹp hòi như vậy và mong sau này gia đình sẽ chung sống hòa thuận với nhau, vì tình cảm gia đình mới là điều đáng quý nhất.
Anh không nói lý do tại sao lại thay đổi thái độ như thế, chúng tôi cũng chẳng tiện hỏi. Nhưng anh nghĩ thông được như vậy âu cũng mừng rồi.