Khi bàn về tiền mừng cưới, bố tôi nói muốn cả nhà bỏ chung một phong bì, mừng chú 10 triệu nhưng tôi và mẹ liền gạt ngay.
Bố và chú tôi đã không liên lạc với nhau vài năm rồi. Trong trí nhớ của tôi, bố và chú không mấy hòa hợp.
Nghe mẹ kể, chú là con trai út trong nhà nên được bà nội chiều chuộng từ nhỏ thành ra hay ỷ lại, lười biếng. Ngày trước khi còn đi học, hễ thiếu tiền tiêu là chú lại gọi điện xin bố tôi.
Bố tôi là người rất lương thiện, thật thà, chịu thương chịu khó và thương em trai. Tuy nhiên khi thấy chú có lớn mà không có khôn, mãi ăn chơi lêu lổng thì bố cũng không chịu đựng được nữa. Khuyên can nhiều mà bà nội vẫn bao bọc, chú vẫn chứng nào tật nấy nên thành ra hai anh em thường xuyên cãi nhau. Thời gian trôi qua, tự nhiên hai người dần dần ít liên lạc với nhau.
Điều đáng nói là mãi mà chú không chịu lập gia đình dù bị thúc giục rất nhiều. Thế rồi đùng cái ở tuổi 40, chú đưa bạn gái về nhà ra mắt rồi xin cưới khiến cả họ mừng như bắt được vàng.
Bố và chú tôi thường xuyên xảy ra cãi vã rồi hai anh em ít liên lạc dần. (Ảnh minh họa)
Khi bàn về tiền mừng cưới, bố tôi nói muốn cả nhà bỏ chung một phong bì, mừng chú 10 triệu nhưng tôi và mẹ liền gạt ngay. Mẹ bức xúc nói:
- Khi vợ chồng mình cưới chú còn trẻ, chưa đi làm nên không mừng anh chị được đồng nào. Cách đây 2 năm khi thằng Lâm (tên tôi) cưới vợ, chú cũng mừng có 5 triệu thì giờ mình đi lại 5 triệu thôi, tại sao lại mừng những 10 triệu? Tiền chứ có phải lá rụng, ra đường là nhặt được đâu?
Với cả từ xưa đến nay anh cho chú còn ít à, chú có bao giờ biết ơn không? Lúc nào cũng coi việc đó là chuyện đương nhiên, cầm được tiền chỉ biết “ừ”, một tiếng cảm ơn không có. Cho người biết ơn chứ em với người vô ơn thì không cần thiết.
Tôi đồng ý với ý kiến của mẹ. Từng nghe mẹ kể nhiều chuyện không hay của chú nên thành ra tôi cũng có thành kiến với chú. Tuy nhiên, bố nhất quyết không nghe, vẫn bỏ phong bì 10 triệu.
Đám cưới chú được tổ chức tại một khách sạn. Trong đám cưới, bố và chú dường như vẫn có khoảng cách. Bố lén thấy mắt bố ươn ướt khi chú làm lễ cưới trên sân khấu, ấy vậy mà khi cô dâu chú rể tới tận bàn chúc rượu thì bố lại tỏ vẻ hờ hững.
Khi thấy bố cầm cốc rượu lên, chú liền nhắc ngay:
- Để em đổi cho anh cốc nước hoa quả. Anh đau dạ dày, đừng uống rượu, ăn ít đồ cay thôi.
Bố không trả lời mà cúi đầu, ánh mắt có chút lảng tránh, không ngờ chú vẫn nhớ chuyện này.
Cách đây vài ngày là đám cưới của chú tôi, nhà tôi mừng cưới chú 10 triệu. (Ảnh minh họa)
Tiệc xong, chú thấy nhà chúng tôi ra về thì chạy tới tặng cho bố tôi một chiếc áo:
- Anh ơi, em tặng anh chiếc áo.
Nhà tôi hơi thắc mắc, tại sao chú lại đột nhiên muốn tặng bố chiếc áo vào ngày cưới của chú? Chú vừa nói vừa dúi vào tay bố tôi món quà đã chuẩn bị từ trước rồi xin phép quay lại tiếp khách tiếp.
Hóa ra cách đây không lâu, chú vô tình nhìn thấy bố tôi đi mua quần áo trên phố. Bố đã thử chiếc áo sơ mi này rất lâu nhưng sau đó thấy giá đắt quá nên không nỡ mua, và chú đã mua chiếc áo này tặng bố tôi.
Vì chú xấu hổ quá nên cứ chần chừ mãi chưa đưa cho bố, rồi đám cưới nhiều việc nên quên béng mất. Mãi đến hôm đám cưới, chú mới nhớ ra để mang theo tặng bố tôi.
Bố sững sờ một lúc, nhìn bóng lưng chú khuất dần, nhìn chiếc áo trên tay, bố tôi cười toe. Khi về đến nhà, bố tnóng lòng muốn thử áo nhưng ông lại tìm thấy một chiếc phong bì trong túi. Đó là phong bì mừng cưới của bố tôi gửi chú. Không ngờ, chú lại trả lại nguyên vẹn cho bố.
Bên trong còn có một tờ giấy, là do chú tôi viết:
- Em xin lỗi vì đã làm anh buồn. Em cảm ơn anh đã luôn yêu thương, dạy dỗ em từ nhỏ đến lớn. Em chưa bao giờ làm được điều gì cho anh, em cũng biết hoàn cảnh nhà anh không mấy khá giả nên em xin trả lại phong bì này, em chỉ nhận tấm lòng của anh thôi.
Bố tôi im lặng, mắt ươn ướt khi đọc những dòng đó. Tôi cũng có chút xấu hổ vì xưa nay toàn nghĩ xấu, có ác cảm với chú. Cũng khoảnh khắc đó, tôi nhận thấy tình cảm gia đình thật thiêng liêng.