Tôi bối rối và cảm thấy câu hỏi của chồng thật khó hiểu. Dẫu vậy, tôi vẫn cố gắng bình tĩnh giải thích với anh.
Có người cho rằng vợ chồng được cùng nhau già đi là điều may mắn cả đời. Nhưng tôi không may mắn như vậy. Khi tôi 42 tuổi, chồng đột ngột qua đời vì tai nạn ô tô, để lại một căn nhà và số tiền bồi thường 2 tỷ.
Kể từ đó, tôi sống với đứa con gái duy nhất của mình. Suốt một thời gian dài, tôi không thể vượt qua được nỗi đau góa bụa.
May mắn thay, con gái tôi rất hiểu chuyện, mặc dù nó muốn được học đại học ở nơi khác và được đi khắp nơi để ngắm nhìn thế giới ngoài kia, nhưng để được ở gần mẹ, con đã chọn học trường đại học ở tỉnh. Như vậy, mỗi cuối tuần con đều có thể về thăm mẹ.
Năm thứ 5 sau khi chồng qua đời, con gái thương mẹ một mình lẻ bóng nên đã thuyết phục tôi tìm chồng mới để bớt cô quạnh, cùng nhau dìu dắt qua những tháng ngày khó khăn.
Lúc đầu tôi không muốn, nhưng con gái liên tục thuyết phục nên tôi xiêu lòng. Sau đó, tôi gặp được người chồng mới khi tham gia một câu lạc bộ.
Anh mất vợ, tôi mất chồng và đều nuôi con riêng nên có nhiều chủ đề chung để nói chuyện với nhau. Sau một thời gian tìm hiểu, chúng tôi quyết định về chung một nhà. Con cái và họ hàng hai bên ai cũng mừng cho chúng tôi.
Tôi đã tái hôn sau khi được con gái khích lệ. Chồng mới có cùng cảnh ngộ với tôi. (Ảnh minh họa)
Nhưng mỗi lần tôi muốn đi đăng ký kết hôn, anh đều từ chối:
- Con cái hai bên đều đã lớn rồi, chúng ta đã làm tiệc đãi khách, có họ hàng và người thân chứng kiến cả rồi. Còn chuyện đăng ký kết hôn hay không đâu có quan trọng, chung quy đó cũng chỉ là một tờ giấy thôi mà. Điều quan trọng là vợ chồng mình sống với nhau thế nào.
Cứ như thế, chúng tôi sống chung mà không cần lấy giấy đăng ký kết hôn. Chúng tôi sống hết lòng hết dạ với nhau. Con gái làm việc ở tỉnh nên thường xuyên về thăm, con trai riêng của chồng đi làm xa nên cả năm chỉ về thăm 2 lần.
Khi con gái kết hôn, gia đình nhà trai không chê con gái tôi xuất thân từ một gia đình đơn thân mà tặng một căn nhà và 100 triệu sính lễ. Vì vậy, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi quyết định lấy ra toàn bộ số tiền 2 tỷ do chồng cũ để lại làm của hồi môn cho con gái. Còn việc con muốn dùng số tiền đó để mua xe, đầu tư kinh doanh hay giữ riêng cho mình thì đó là quyền của con. Còn căn nhà cũ, sau này khi mất đi tôi cũng sẽ để lại cho con gái.
Tôi có nói chuyện này với chồng mới. Nhưng không ngờ vừa dứt lời, anh liền trách tôi ích kỷ.
- Em đưa hết 2 tỷ cho con gái, vậy còn con trai anh thì sao?
Biết tôi đưa hết tài sản cho con gái, chồng đã trách tôi. (Ảnh minh họa)
Tôi bối rối và cảm thấy câu hỏi của chồng thật khó hiểu. Dẫu vậy, tôi vẫn cố gắng bình tĩnh giải thích:
- Số tiền đó là do chồng cũ em để lại, em đương nhiên sẽ cho con gái ruột của mình. Về con trai anh, sau này thằng bé cưới thì em sẽ đưa cho nó một phong bì hậu hĩnh sau.
Chồng mới nghe vậy lập tức không vui, nói rằng con gái lấy chồng như bát nước hắt đi, sau này vợ chồng tôi vẫn phải trông cậy vào con trai anh ấy. Giờ tôi đưa hết tiền cho con gái, vậy sau này tôi cho con trai anh được mấy đồng, ai lo liệu sính lễ và nhà cưới cho nó?
Lời trách cứ của chồng khiến tôi cảm thấy anh thật vô lý. Tại sao tôi phải chịu trách nhiệm về chuyện cưới xin của con trai anh chứ? Chuyện này trách nhiệm chính không phải của anh sao?
Tôi kiên quyết lắc đầu nói rằng con riêng của anh là con của anh, không liên quan gì đến tôi, tôi không có nghĩa vụ phải giúp con trai anh mua nhà và sắp xếp đám cưới.
Bất chấp sự trách cứ của chồng, tôi thu dọn hành lý và rời khỏi nhà anh. Dù sau đó anh đã nhiều lần gọi điện xin lỗi nhưng tôi vẫn quyết định từ bỏ mối quan hệ này. Bởi cuộc hôn nhân không có giấy tờ chứng thực nhưng lại có quá nhiều trách nhiệm, và hơn cả là tôi nhận thấy anh quá tính toán, vô lý. Như vậy thì thà không có còn hơn.